Động kinh là một bệnh lý thần kinh phổ biến và tồn tại dưới rất nhiều dạng, trong đó có chứng co giật động kinh vắng ý thức. Vậy động kinh vắng ý thức là gì? Khi bệnh khởi phát sẽ có biểu hiện như nào? Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này nhé.
Bạn đang đọc: Động kinh vắng ý thức: Dấu hiệu và cách điều trị
1. Bệnh động kinh vắng ý thức
Động kinh vắng ý thức là tình trạng người bệnh đột ngột bị mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn. Khi cơn động kinh khởi phát, người bệnh thường có biểu hiện giống như đang ngây người, mắt vô hồn nhìn vào không gian trong khoảng chục giây. Sau đó, họ sẽ tỉnh lại bình thường và không gặp phải bất cứ chấn thương nào trên cơ thể.
2. Dấu hiệu của bệnh khi khởi phát
Các cơn co giật mất ý thức thường thoáng qua nên người bệnh sẽ khó phát hiện. Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp nhất khi cơn co giật vắng y thức khởi phát:
– Dừng hoạt động đột ngột nhưng không bị té ngã
– Mí mắt rung giật
– Liếm môi
– Chà xát ngón tay, bàn tay
– Chuyển động hàm, co giật miệng
– Những chuyển động nhỏ ở cả hai tay
Sau cơn vắng ý thức, người bệnh không có ký ức về sự việc vừa xảy ra.
Các triệu chứng của bệnh thường nhẹ và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu xảy ra hàng ngày hoặc hàng tuần, các cơn co giật này có thể gây cản trở đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Cụ thể người bệnh có thể đánh rơi vỡ đồ, bị gián đoạn công việc hoặc học tập. Một số trường hợp cơn vắng ý thức xảy ra khi bơi lội hoặc đang di chuyển trên đường có thể khiến bệnh nhân bị tai nạn.
Trong các trường hợp dưới đây, cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ ngay:
– Lần đầu tiên thấy cơn co giật
– Xuất hiện các triệu chứng mới của cơn co giật
– Cơn động kinh xảy ra dù đã uống thuốc chống động kinh
– Cơn co giật kéo dài trên vài phút
– Có các hành vi như ăn uống, di chuyển không nhận thức hoặc nhầm lẫn kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
3. Nguyên nhân gây động kinh
Cơn vắng ý thức có thể là do di truyền. Tình trạng co giật xảy ra do các xung điện bất thường từ các tế bào thần kinh ở não. Ở người bệnh bị động kinh, hoạt động điện của não bị thay đổi. Trong đó, khi co giật mất ý thức, tín hiệu điện này lặp đi lặp lại trong vòng 3 giây. Những người bị động kinh, mức độ của các chất dẫn truyền thần kinh có thể bị thay đổi. Đối tượng nguy cơ mắc động kinh cao nhất là gia đình có tiền sử bị động kinh và trẻ em từ 4 đến 14 tuổi.
Tìm hiểu thêm: Tình trạng mất ngủ cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm
4. Chẩn đoán và điều trị
Cơn co giật mất ý thức thường xảy ra nhẹ và thoáng qua nhưng không thể chủ quan. Bệnh cần được phát hiện và kiểm soát càng sớm càng tốt.
4.1 Chẩn đoán động kinh vắng ý thức
Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh mô tả chi tiết về các cơn co giật và tiến hành khám. Các phương pháp chẩn đoán cơn động kinh bao gồm:
– Điện não đồ (EEG): Phương pháp này sử dụng thiết bị máy móc chuyên dụng để đo các sóng của hoạt động điện trong não. Với phương pháp này người bệnh cần thực hiện các nhịp thở nhanh và sâu để khởi phát cơn động kinh. Như vậy mới có thể đo chính xác được sóng não và các hoạt động bất thường. Biểu đồ trên EEG khi trong cơn động kinh sẽ khác với biểu đồ bình thường.
– Chụp MRI, chụp CT-Scanner não: Phương pháp này sẽ cho ra những hình ảnh chi tiết của não, giúp loại trừ các nguyên nhân như u não, đột quỵ,…
4.2 Điều trị động kinh vắng ý thức
Dùng thuốc có thể làm giảm bớt các triệu chứng hoặc loại trừ các cơn động kinh. Dưới đây là các loại thuốc điều trị động kinh thường dùng:
– Ethosuximide: Đây là loại thuốc phổ biến nhất mà bác sĩ chỉ định để điều trị động kinh. Trong hầu hết các trường hợp, cơn động kinh đáp ứng tốt với loại thuốc này. Một số tác dụng phụ của thuốc là: buồn nôn, nôn, khó ngủ, buồn ngủ, tăng động,…
– Axit valproic: Đối với loại thuốc này, phụ nữ ở tuổi trưởng thành trước khi uống phải thảo luận với bác sĩ. Axit valproic liên quan đến nguy cơ dị tật cao ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời kỳ thụ thai không nên sử dụng thuốc này.
– Lamotrigine: Loại thuốc này ít hiệu quả hơn so với Ethosuximide và Axit valproic nhưng lại không có nhiều tác dụng phụ. Người bệnh thường sẽ chỉ bị phát ban hoặc buồn nôn khi sử dụng loại thuốc này.
Các loại thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, đơn thuốc sẽ được bác sĩ kê tùy vào tình trạng của người bệnh qua thăm khám và chẩn đoán.
Đối với những trường hợp kết quả chụp CT não bộ cho thấy các bất thường như xuất hiện khối u trong não thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
5. Kiểm soát cơn động kinh
Người bệnh động kinh cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt một cách khoa học để có thể phòng ngừa cơn động kinh tái phát lần tiếp theo.
5.1 Chế độ ăn uống
Bổ sung thực phẩm giàu chất béo và hạn chế carbohydrate có thể cải thiện được các cơn động kinh. Bạn cần tránh xa thực phẩm chứa đường, ngũ cốc tinh chế, đồ ăn chế biến kỹ và rau nhiều tinh bột. Thay vào đó bạn nên ưu tiên các thực phẩm: bơ, phô mai, trứng, cá, dầu dừa, dầu oliu, sữa chua. Hạn chế ăn đồ cay nóng, không uống cà phê và bia rượu.
>>>>>Xem thêm: Bệnh mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
5.2 Thói quen sinh hoạt
– Uống thuốc đúng giờ, đúng cách, không tự ý thêm hoặc giảm liều. Nếu muốn thay đổi loại thuốc bạn hãy hỏi bác sĩ.
– Đảm bảo ngủ đủ giấc, ngon giấc mỗi ngày.
– Không nên bơi lội, lái xe, di chuyển trên đường một mình
– Không học tập, làm việc, hoạt động quá sức
– Vận động cơ thể nhẹ nhàng giúp cho tinh thần thoải mái. Hạn chế vận động và tập các môn thể thao quá sức.
– Không chơi xa các trò cảm giác mạnh
– Không xem những chương trình nhạy cảm, kích động,…
Động kinh vắng ý thức khó nhận biết và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Nếu bạn hoặc người thân nhận thấy các triệu chứng trên thì hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.