Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2019, tử vong do đột quỵ não đã vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau bệnh thiếu máu cơ tim. Để giảm thiểu nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng, bệnh nhân cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Cùng tìm hiểu về tình trạng đột quỵ não cấp và các biện pháp cấp cứu, dự phòng qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Đột quỵ não cấp: Cấp cứu sớm để giảm nguy cơ tử vong
1. Đột quỵ não cấp nguy hiểm như thế nào?
Đột quỵ não là một cấp cứu y tế khẩn, có tỉ lệ tử vong rất cao. Những người may mắn thoát khỏi tử vong cũng thường gặp phải nhiều di chứng nặng nề cả về thể xác, tinh thần và có nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội bởi:
– Chi phí điều trị quá lớn do đòi hỏi cao về kỹ thuật y học
– Tốn kém thời gian, công sức
– Khả năng hồi phục thấp khiến người bệnh mất khả năng lao động, thậm chí cần có người chăm sóc thường xuyên
Theo các chuyên gia, nếu được cấp cứu trong “giờ vàng” (3 – 4,5 giờ đầu sau khi phát bệnh) thì khả năng cứu sống của bệnh nhân thường cao hơn, các di chứng cũng được hạn chế đáng kể.
Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu đột quỵ não, cần chuyển ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, người bệnh sẽ được cấp cứu giúp giảm tối đa tỉ lệ tử vong và tàn phế.
2. Các dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ não
Các triệu chứng của đột quỵ não thường diễn ra rất đột ngột, bao gồm:
– Đột nhiên tê, yếu mặt, tay hay chân, thường xảy ra ở một nửa cơ thể
– Lú lẫn, rối loạn bất thường, không hiểu lời nói của người khác
– Diễn đạt khó hiểu, khó khăn
– Bất ngờ rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên
– Đột ngột gặp khó khăn trong việc đi đứng, cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp động tác
– Bất giác cảm thấy đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân
Khi thấy các dấu hiệu này, bạn nên đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên việc vận chuyển bệnh nhân trong trường hợp này cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến chuyên môn của các chuyên gia thần kinh. Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.
3. Điều trị đột quỵ não bằng cách nào?
3.1 Mục đích của điều trị đột quỵ não cấp
Điều trị đột quỵ não là tổ hợp các biện pháp nhằm giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân và hạn chế tối đa mức độ tàn phế, bao gồm:
– Điều trị cấp cứu
– Tối ưu hoá tình trạng thần kinh, hạn chế ổ tổn thương lan rộng
– Tái tưới máu não
– Điều trị phòng ngừa biến chứng
– Điều trị phục hồi chức năng và phòng ngừa tái phát
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu bệnh parkinson có di truyền không?
3.2 Phương pháp điều trị đột quỵ não cấp
Điều trị tổng hợp
Đột quỵ não có hai dạng chính là chảy máu não và nhồi máu não. Phương pháp điều trị cho mỗi thể khác nhau nhưng phác đồ điều trị tổng hợp chung đều có mục đích chung là:
– Duy trì chức năng sống
– Chống phù não bằng các biện pháp: kê đầu giường cao 25 – 30 độ, hạn chế kích thích, hạn chế dịch truyền, tăng thông khí, phẫu thuật giảm ép, dẫn lưu và dùng thuốc…
– Duy trì đường máu hợp lý
– Lưu thông đường thở: Đây là việc cần thiết cho bệnh nhân có rối loạn chức năng hô hấp bằng cách thở oxy, hút đờm dãi, chống nhiễm trùng phế quản. Tránh cho ăn đường miệng sau cấp cứu hoặc để sau 2 – 3 ngày, phòng viêm phổi do trào ngược. Nuôi dưỡng qua đường sonde các chất dinh dưỡng lỏng, giúp tăng cường chuyển hoá cơ thể, tránh viêm dạ dày, ruột.
Điều trị đặc hiệu
Đối với các trường hợp đột quỵ thiếu máu não, cần sử dụng các thuốc tiêu huyết khối và thuốc chống kết tập tiểu cầu nhằm làm giảm kết tập tiểu cầu, giảm sự lan rộng của huyết khối động mạch. Tốt nhất, việc sử dụng các loại thuốc này nên được thực hiện sớm, trước 3 – 4,5 giờ sau khi phát bệnh.
Tuy nhiên các loại thuốc trên cũng có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu, bởi vậy nên được sử dụng theo chỉ định chặt chẽ và thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên sâu có chuyên gia thần kinh giỏi và các phương tiện theo dõi, xét nghiệm tin cậy, phòng tai biến chảy máu ồ ạt.
Một số loại thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh cũng được sử dụng song song trong trường hợp này nhằm mục đích điều hóa chuyển hoá ở mô bị rối loạn và có nguy cơ bị rối loạn.
Trong một số trường hợp, các can thiệp ngoại khoa có thể được xem xét áp dụng, nhưng chỉ khi thực sự cần thiết.
Các phương pháp điều trị trên đây chỉ mang tính tham khảo. Việc quyết định phương pháp điều trị nào còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh thực tế và điều kiện y tế cho phép. Trong mọi trường hợp hãy tuân thủ mọi chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
4. Phòng ngừa đột quỵ bằng cách can thiệp vào các yếu tố nguy cơ
Đột quỵ não tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể dự phòng được nếu hạn chế được các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm:
– Các yếu tố không thể thay đổi như: Tuổi, gen, dân tộc, di truyền.
– Các yếu tố nguy cơ có thể tác động được như: Các bệnh các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng lipid máu, hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại, ít vận động…
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và tác hại của hiện tượng mất ngủ ở người trẻ
Bằng cách phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả các bệnh lý, tập thể dục, vận động thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bạn có thể giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, làm giảm tình trạng tăng huyết áp, tăng cholesterol tốt (HDL), giảm cholesterol xấu (LDL), từ đó làm giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Tóm lại, đột quỵ não cấp là tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh trong gang tấc. Việc cấp cứu kịp thời và chăm sóc tốt là rất quan trọng để bệnh nhân có thể được cứu sống và phục hồi, trở lại với cuộc sống bình thường.