Hai từ “đột quỵ” dường như là nỗi sợ hãi đối với nhiều người, bởi các biến chứng mà căn bệnh này gây ra: liệt, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động, thậm chí tử vong. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam ở mức cao, lên tới 50%; trong đó gần 90% người bị đột quỵ còn sống gặp phải các di chứng nặng nề về sau, chỉ 10% người bệnh hồi phục khả năng sống hoàn toàn. Cùng tìm hiểu đột quỵ não và các phương pháp điều trị hiện nay.
Bạn đang đọc: Đột quỵ não và các phương pháp điều trị hiện nay
1. Đột quỵ não gồm hai loại
1.1 Đột quỵ do xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não hay còn gọi là đột quỵ vỡ mạch máu não. Đây là dạng đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 8-13% các ca đột quỵ não. Các triệu chứng thường diễn ra đột ngột và diễn biến rất nhanh. Mạch máu trong não bị vỡ ra, máu sẽ chảy vào trong não hoặc xung quanh não, nếu không được xử trí kịp thời người bệnh rất dễ đi vào hôn mê sâu, mất ý thức và tử vong.
1.2 Đột quỵ do thiếu máu não
Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là đột quỵ nhồi máu não hoặc đột quỵ do tắc mạch máu não. Đây là dạng đột quỵ thường gặp hiện nay, chiếm gần 90% các ca đột quỵ nhập viện. Đột quỵ này xảy ra khi mạch máu cung cấp lên não bị tắc bởi cục máu đông (huyết khối) hoặc xơ vữa động mạch.
Thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) là một dạng bệnh lý “tiền đột quỵ”, có nguy cơ làm xuất hiện cơn đột quỵ trong tương lai nếu người bệnh không được kiểm soát tốt và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
2. Các phương pháp điều trị đột quỵ não hiện nay
Hiện nay, việc điều trị đột quỵ cần hướng tới mục đích làm tránh hoặc hạn chế tối đa nguy cơ tàn phế mà không gây tử vong. Các phương pháp điều trị đột quỵ sau đây được ứng dụng tùy thuộc vào thể trạng và mức độ nặng/nhẹ do đột quỵ gây ra.
2.1 Điều trị tổng hợp đột quỵ não
Điều chỉnh chỉ số huyết áp phù hợp
Khi đột quỵ, mạch máu não bị giãn tối đa, mất cơ chế bảo vệ tự động (thành mạch mất chức năng do thiếu oxy và nhiễm toan), do đó việc bơm máu lên não phụ thuộc chủ yếu vào huyết áp động mạch. Nếu huyết áp giảm đột ngột làm giảm áp lực bơm máu, khiến các tế bào não bị tổn thương vĩnh viễn.
Ngược lại, cần tìm và giải quyết nguyên nhân gây huyết áp thấp như: ngưng hoặc giảm các thuốc gây hạ huyết áp, điều trị suy thất trái, thiếu máu, loại bỏ lợi niệu, loại bỏ sự mất nước, bù đủ dịch và máu dựa theo chỉ số xét nghiệm,…
Cần xử trí điều chỉnh để giữ chỉ số huyết áp ở mức hợp lý.
Chống phù não
Sau khi tắc mạch khoảng 3 giờ có thể xuất hiện phù não. Cần có chiến thuật xử trí chống phù não tích cực như: kê cao đầu giường cho người bệnh, hạn chế kích thích, hạn chế dịch truyền, tăng thông khí, phẫu thuật giảm ép – dẫn lưu, thuốc,…
Duy trì đường máu hợp lý
Cần duy trì lượng đường trong máu ở mức phù hợp
Lưu thông đường thở
Bệnh nhân bị rối loạn chức năng hô hấp, thiếu oxy cần cho thở oxy và làm thông thoáng đường thở, hút đờm rãi, chống nhiễm trùng phế quản ngay lập tức. Không nên cho bệnh nhân ăn đường miệng sau đó 2-3 ngày, để phòng tránh viêm phổi do trào ngược.
Giảm thân nhiệt
Giữ nhiệt độ phòng ở mức hợp lý, khoảng 22-26 độ C. Cần kiểm soát chặt chẽ giữ nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định, theo dõi sát sao để ứng phó kịp thời.
Tăng cường nuôi dưỡng, chuyển hóa: cần nuôi dưỡng bệnh nhân qua đường sonde dạ dày với các chất dinh dưỡng lỏng, tăng cường chuyển hóa cơ thể, tránh viêm dạ dày, ruột.
Tìm hiểu thêm: Chán ăn mất ngủ là dấu hiệu của bệnh lý gì?
2.2 Điều trị đặc hiệu đột quỵ não
Thuốc chống tập kết tiểu cầu
Một số thuốc cơ bản được sử dụng để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch với mục đích làm giảm kết tập tiểu cầu, giảm sự lan rộng của huyết khối động mạch.
Điều trị chống đông máu
Cần sử dụng một số thuốc làm giảm sự hình thành thrombin và làm giảm cục máu đông trong đột quỵ cấp tính.
Điều trị tiêu cục huyết
Một số thuốc được sử dụng để làm tiêu cục huyết khối (nguyên nhân gây tắc mạch nguyên phát hoặc thứ phát). Tuy nhiên, thuốc điều trị tiêu cục huyết đòi hỏi bệnh nhân phải được đưa đến viện sớm trước 3-6 giờ và cần tuân thủ theo đúng các chỉ định chuyên sâu của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng.
Ngoài ra, một số thuốc bảo vệ tế bào thần kinh, các yếu tố tăng dinh dưỡng thần kinh, được cân nhắc sử dụng, phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Người bị rối loạn giấc ngủ nên làm gì?
2.3 Kỹ thuật điều trị đột quỵ, dự phòng đột quỵ não
Một số kỹ thuật được sử dụng để điều trị, dự phòng đột quỵ như: kỹ thuật tạo hình động mạch não qua da, nong rộng lòng mạch, giải phóng hoặc làm tiêu cục huyết khối, khai thông động mạch, gây tắc mạch hoặc nút mạch bằng coil kim loại, phẫu thuật lấy bỏ cục máu tụ, phẫu thuật định vị,…
Ngay khi người bệnh có biểu hiện đột quỵ, bạn hãy nhanh chóng liên hệ đơn vị cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất hoặc vận chuyển người bệnh (an toàn, đúng cách) đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt để không bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị đột quỵ.