Đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân xảy ra, cách phòng tránh

Đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không gian hay thậm chí là tuổi tác. Đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng gia tăng để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, làm thế nào để phòng tránh, hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích.

1. Tình trạng đột quỵ xảy ra ở người trẻ hiện nay

Trong những năm gần đây bệnh đột quỵ đang có xu hướng gia tăng số lượng ca bệnh ở đối tượng người trẻ tuổi, nhóm đối tượng dưới 45 tuổi. Theo các thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ và trung niên chiếm 1/3 trong tổng số các trường hợp mắc đột quỵ. Tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ cũng đang ở mức 2% mỗi năm, với số ca bệnh nam giới cao hơn gấp 4 lần nữ giới.

Theo thông tin tại Hội nghị đột nghị quốc tế năm 2022 diễn ra tại Hà Nội, dựa vào số liệu của Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca bệnh đột quỵ não mới. Trong đó có hơn 16% ca bệnh xảy ra ở người trẻ từ độ tuổi 15 đến 49 tuổi. Về tỷ lệ tử vong thì mỗi năm có khoảng 6,5 triệu ca, trong đó hơn 6% xảy ra ở người trẻ tuổi.

Đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân xảy ra, cách phòng tránh

Đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng số người mắc bệnh

2. Nguyên nhân đột quỵ “tấn công” người trẻ tuổi

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đột quỵ xảy ra ở người trẻ là do:

2.1 Dị dạng mạch máu não – Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ

Đây là một nguyên nhân phổ biến gây ra đột quỵ hay tai biến ở người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não sẽ gây ra những túi phình vượt kích cỡ thông thường gây ra đột quỵ xuất huyết não hoặc tình trạng mạch máu bị bóc tóc gây hẹp được gọi là đột quỵ nhồi máu não.

2.2 Rối loạn chuyển hóa mỡ máu

Ở người trẻ, những thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn luôn được yêu thích. Nhưng chính những thói quen này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu khác nhau, từ đó gia tăng khả năng mắc đột quỵ nhồi máu não.

Đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân xảy ra, cách phòng tránh

Đột quỵ nhồi máu não là một dạng của đột quỵ xảy ra do tình trạng động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn dẫn đến việc lưu lượng máu đến não bị giảm đột ngột

2.3 Đái tháo đường, tăng huyết áp

Thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm chiên rán dầu mỡ, thức ăn đóng hộp chế biến sẵn nhiều muối sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc cao huyết áp, đái tháo đường. Đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy bệnh đột quỵ xảy ra.

2.4 Bệnh béo phì, ít vận động – Nguyên nhân thúc đẩy nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Có khoảng 10% người trẻ bị đột quỵ có tình trạng thừa cân, chỉ số cơ thể BMI lớn hơn 30. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bạn có chỉ số cơ thể BMI lớn hơn 30 và chỉ số vòng eo trên là trên 80cm thì bạn có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường.

2.5 Hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích

Thuốc lá chứa hơn 7000 chất độc có hại cho sức khỏe, các chất này khi đi vào trong máu sẽ phá hủy các tế bào trong cơ thể gây xơ vữa mạch máu não. Theo đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng tăng cao. Sử dụng chất kích thích đặc biệt là uống rượu bia và các loại thức uống có cồn ở người trẻ tuổi là phổ biến. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất huyết não dẫn đến tình trạng đột quỵ.

3. Biến chứng đột quỵ xảy ra ở người trẻ

Các biến chứng xảy ra ở người trẻ tuổi cũng tương tự như đối với người lớn tuổi. Mặc dù người trẻ tuổi có cơ địa tốt hơn, khả năng phục hồi sau đột quỵ cao hơn tuy nhiên vẫn không thể hoàn toàn tránh khỏi những tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ thể.

Tùy vào mức độ tổn thương và thời gian não gặp tình trạng thiếu nguồn máu, oxy, mà người bệnh có thể gặp các biến chứng khác nhau.

– Người bệnh có thể bị mất khả năng vận động tại một số cơ quan, có thể bị tê liệt tay chân, liệt nửa người, không thể đi lại bình thường.

– Mất chức năng ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, không thể nói chuyện, hay nói rõ chữ…

– Những ảnh hưởng xảy ra tại phổi, tim như viêm phổi, đau tim, nhồi máu cơ tim.

– Biến chứng khác nữa có thể kể đến là suy giảm nhận thức, động kinh, trầm cảm. Trầm cảm là một biến chứng phổ biến xảy ra khi gặp tình trạng đột quỵ.

– Viêm loét hoại tử do nằm liệt giường hoặc ngồi yên một chỗ trong thời gian dài.

– Sưng, phù nề não sau đột quỵ, đây là một biến chứng nguy hiểm có thể làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng nếu không được kịp thời điều trị.

– Nghiêm trọng nhất là nhiều người còn trẻ tuổi nhưng khi mắc đột quỵ không được cấp cứu kịp thời có thể phải sống thực vật vĩnh viễn, hoặc có trường hợp đã tử vong.

4. Cách phòng ngừa đột quỵ xảy ra ở người trẻ

Để đột quỵ không tìm đến người trẻ tuổi nói riêng và bất kỳ đối tượng ở các độ tuổi nói chung, khuyến cáo mọi người nên chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân. Bởi đột quỵ hay tai biến mạch máu não có thể xảy ra bất ngờ, bất kỳ ai cũng có nguy cơ.

Với tâm lý chủ quan, ít quan tâm đến sức khỏe nên việc đầu tiên cần làm là điều chỉnh lối sống sinh hoạt và ăn uống hợp lý, khoa học.

– Hình thành và duy trì thói quen ăn uống đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống công nghiệp, đồ uống chứa cồn, dừng hút thuốc lá…

– Duy trì thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ đủ giấc, hạn chế tình trạng căng thẳng. Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày bằng các bộ môn phù hợp với sức khỏe, giữ trọng lượng cơ thể ở mức bình thường.

Đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân xảy ra, cách phòng tránh

Khám sức khỏe định kỳ giúp xác định các chỉ số sức khỏe của cơ thể. Trong trường hợp có những bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ sẽ được kiểm soát và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa

– Đặc biệt cần chú trọng việc thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm. Bởi thông qua các gói tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ, bạn sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm, chẩn đoán cần thiết để xác định chính xác các chỉ số sức khỏe và điều chỉnh nếu cần thiết, ngăn chặn khả năng mắc đột quỵ tối đa.

Trên đây là các thông tin về bệnh đột quỵ xảy ra ở người trẻ, nắm bắt được các yếu tố nguy cơ, biến chứng nguy hiểm của bệnh, bạn sẽ chủ động hơn trong việc phòng tránh và thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *