Khan tiếng lâu ngày không khỏi là tình trạng không hiếm gặp hiện nay ở nhiều người. Tuy bệnh này không quá nguy hiểm nhưng có thể gây nhiều rắc rối cho người bệnh. Với những người làm các công việc cần sử dụng giọng nói nhiều thì khan tiếng sẽ trở thành “gánh nặng” gây bất lợi lớn cho họ. Vì vậy, hãy tìm hiểu rõ về căn bệnh này qua bài viết dưới đây để kịp thời biết cách phòng ngừa.
Bạn đang đọc: Đừng chủ quan khi bị khan tiếng lâu ngày không khỏi
1. Nguyên nhân gây nên tình trạng khan tiếng lâu ngày không khỏi
Tiếng nói của con người được tạo ra bởi 2 dây thanh nằm ở trong thanh quản.Khi phát âm, 2 dây thanh quản sẽ khép sát với nhau ở đường giữa; mép của chúng rung lên dưới áp lực của luồng không khí thở ra, dẫn tới phát sinh tiếng nói. Hai dây thanh rung động đồng nhất là điều kiện để có một tiếng nói trong trẻo. Khi đang nói, nếu có chút đờm bám vào một dây thanh, tiếng của người nói sẽ bị rè. Nếu bạn đằng hắng, đờm sẽ bật ra và lúc này tiếng nói sẽ trở lại trong trẻo. Vì vậy, khi bị khan tiếng, có thể bạn đã mắc phải 1 số bệnh lý sau:
1.1. Khan tiếng lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu của bệnh viêm thanh quản
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trong bệnh lý viêm thanh quản cấp tính, hai dây thanh quản bị sưng và phù nề sẽ khiến các mép của chúng không thể rung một cách linh hoạt, gây ra tình trạng khan tiếng, thậm chí mất tiếng trong vài ba ngày. Sau đó, nếu hai dây thanh được phục hồi đồng đều, hiện tượng khan tiếng sẽ đỡ dần; nếu không, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, dẫn tới tình trạng khan tiếng kéo dài.
1.2. Khan tiếng lâu ngày có thể là dấu hiệu của bệnh hạt xơ dây thanh
Bệnh này thường hay gặp ở ca sĩ, báo cáo viên, giáo viên, phát thanh viên… Biểu hiện của nó là khan tiếng kéo dài mà sức khỏe vẫn ổn định. Cơ chế nói nhiều bị khan tiếng này được giải thích là do người bệnh phải gắng sức nói/hát trong khi chứng viêm thanh quản cấp chưa được hồi phục. Điều này khiến các sợi cơ trong dây thanh bị đứt.
Dịch tiết ra để hàn gắn sẽ tích tụ lại thành một hạt nhỏ ở mép dây thanh (có thể một bên hoặc ở cả hai bên). Hạt xơ dây thanh ảnh hưởng đến chất lượng rung của dây thanh, gây tình trạng khan tiếng, rè tiếng. Bên cạnh đó, hạt xơ còn làm cho hai mép của dây thanh không khép sát với nhau, tạo khe hở thanh môn, làm cho một lượng lớn hơi bị thoát mất khiến người nói nhanh mệt.
Khan tiếng kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh hạt xơ dây thanh
1.3. Khan tiếng lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản
Trường hợp này thường gặp ở những người lớn tuổi, nhất là người bị nghiện thuốc lá lâu năm. Loại ung thư này sẽ tiến triển tiềm tàng; dấu hiệu sớm nhất để chẩn đoán chính là tình trạng khan tiếng kéo dài. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm.
Người khan giọng, mất tiếng thường có âm thanh phát ra bị đục khàn hơn bình thường, thậm chí tắt tiếng, kèm theo là triệu chứng rát họng, nhức đầu và sốt nhẹ. Nếu thấy dấu hiệu khan tiếng mà không nắm rõ nguyên nhân để điều trị kịp thời thì khả năng bị biến chứng là không nhỏ.
1.4. Khan tiếng lâu ngày cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng toàn bộ hệ hô hấp
Trường hợp khan tiếng bắt nguồn từ viêm thanh quản, viêm họng do virus, vi khuẩn, bệnh sẽ biểu hiện bằng một cơn cấp tính khi gặp thời tiết lạnh, kèm theo đó là tình trạng viêm mũi – họng. Khan tiếng đi kèm với các triệu chứng niêm mạc họng, thanh quản bị sưng, phù nề, thì lúc này bệnh đã ở giai đoạn nặng. Nếu không kịp thời chữa trị, vi khuẩn, virus sẽ có điều kiện lan rộng toàn bộ hệ hô hấp gây bệnh viêm phế quản, viêm phổi… Tới lúc này, khả năng nhập viện của bạn là rất cao, thậm chí bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến tử vong.
1.5. Khan tiếng lâu ngày cảnh báo nguy cơ không thể nói được nữa
Không ít trường hợp phát âm quá mức (như trẻ em khóc, gào thét), nói nhiều do nghề nghiệp dẫn tới bị tổn thương thanh đới. Một vài đối tượng khác bị khan tiếng lại có vấn đề thực thể như polyp hoặc loét ở thanh quản… Lúc này, bệnh nhân thường có thêm một số triệu chứng khác như đau nhiều ở họng và cổ, khan tiếng kéo dài, không điều trị rồi bị mất tiếng hoàn toàn.
Tìm hiểu thêm: Những nguy hiểm khi bị hóc xương cá lâu ngày
Không ít trường hợp phát âm quá mức, nói nhiều do nghề nghiệp dẫn tới bị tổn thương thanh đới
2. Phương pháp giúp phòng ngừa khản tiếng kéo dài
Muốn phòng ngừa khan tiếng kéo dài không khỏi hoặc đẩy lùi bệnh nếu bạn đang mắc thì hãy bình tĩnh tuân thủ các lời khuyên sau, tình trạng của bạn sẽ dần ổn định lại:
– Cố gắng hạn chế việc nói càng nhiều càng tốt.
– Súc miệng thường xuyên, thậm chí mỗi giờ bằng nước trà pha đậm với chút muối ăn.
– Có thể pha 2 muỗng cà phê mật ong trong 250ml sữa tươi hâm nóng rồi uống từng ngụm nhỏ thật chậm và uống nhiều lần trong ngày.
– Nếu cổ họng có nhiều đờm thì hãy ngâm ít lát củ hành trong nước ấm vài giờ, sau đó súc miệng với nước củ hành.
– Ngưng hút thuốc trong thời gian bị khan tiếng vì thuốc lá là yếu tố phá hủy tác dụng của tất cả biện pháp trên.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý một số biện pháp giúp bảo vệ thanh quản như sau:
– Tránh để bị gió lùa qua cửa xe, cửa sổ.
– Nhiệt độ trong phòng làm việc không nên hạ có quá thấp. Mặc quần áo đủ ấm nếu phải làm việc nhiều giờ trong phòng lạnh, quan trọng nhất là cần giữ ấm phần cổ họng.
– Hạn chế tình trạng để quần áo ướt đẫm mồ hôi rồi vào ngay phòng máy lạnh.
– Không phơi đầu trần quá lâu dưới ánh mặt trời gay gắt.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trong cơ thể.
>>>>>Xem thêm: Ăn gì sau phẫu thuật dây thanh quản?
Hãy súc miệng thường xuyên để bảo vệ vùng cổ họng của bạn
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về căn bệnh khan tiếng kéo dài không khỏi. Bạn hãy lưu ý nếu thấy bị khan tiếng trên 1 tuần, hãy tới ngay bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng uy tín để được thăm khám kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.