Gai thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp ở những người cao tuổi và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Bạn đang đọc: Gai thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân và cách điều trị
1. Thoái hóa khớp gối và những biểu hiện thường gặp
Khớp gối là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ, giúp cơ thể vận động linh hoạt. Thoái hóa khớp gối là tình trạng khớp đầu gối bị bào mòn, mỏng dần theo thời gian, gây ra những biến đổi trên bề mặt khớp, hình thành nên các gai xương. Đây là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh gây đau và làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người bị thoái hóa khớp gối thường có những biểu hiện sau đây:
– Đau đớn khi di chuyển: Khớp gối bị tổn thương gây ra các cơn đau đớn khi người bệnh thực hiện các hành động đứng lên, ngồi xuống, co, duỗi chân, leo cầu thang.
– Sưng, tê bì tại vùng đầu gối: Khớp gối bị bào mòn khiến các vùng xương cọ xát với nhau khi người bệnh vận động, kích thích gai xương hình thành và làm tăng lượng dịch khớp tiết ra, gây tình trạng sưng đau tại khớp gối. Ngoài ra, khớp gối khi bị kích ứng sẽ khiến các dây thần kinh bị chèn ép, làm cho người bệnh mất cảm giác, tê bì tại vùng đầu gối.
– Cứng khớp đầu gối: Một số bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối có thể gặp phải tình trạng cứng khớp sau khi duy trì một tư thế quá lâu. Triệu chứng này thường kéo dài khoảng 30 phút vào buổi sáng.
-
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối thường gặp phải những triệu chứng như sưng đau hoặc tê bì đầu gối
2. Nguyên nhân chính gây gai thoái hóa khớp gối
Có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối. Trong đó quá trình lão hóa tự nhiên là một trong những tác nhân chính gây ra căn bệnh này. Khi tuổi tác tăng, sụn khớp gối bị mòn dần, giảm đàn hồi và tổn thương. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối gồm:
– Các vấn đề di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thoái hóa khớp gối, nguy cơ mắc bệnh của người thân cũng cao hơn so với những người bình thường.
– Tăng cân quá nhanh, béo phì: Khớp gối là một trong những bộ phận có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể. Vì vậy, cân nặng càng lớn thì áp lực lên khớp gối càng nhiều, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
– Chấn thương: Giãn, đứt dây chằng hoặc gãy xương bánh chè,…là nguyên nhân khiến sụn khớp tổn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng thoái hóa khớp sẽ diễn ra nhanh chóng.
– Vận động cường độ cao: Lặp đi lặp lại các hoạt động mạnh như chạy bộ, nhảy múa hay các hoạt động thể thao cường độ cao, tạo áp lực quá mức trên khớp gối có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
– Yếu tố khác: Ngoài các nguyên nhân trên, các yếu tố như chế độ ăn uống dinh dưỡng, tổn thương do tác động môi trường, khả năng tái tạo mô tế bào giảm, mắc các bệnh nền như viêm khớp dạng thấp, bàn chân bẹt cũng có khả năng gây gai thoái hóa khớp gối.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gãy xương đòn vai và cách điều trị
Thoái hóa khớp gối có thể do lão hóa tự nhiên hoặc bắt nguồn từ các nguyên nhân như chấn thương, béo phì
3. Biện pháp điều trị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp gối có thể được điều trị hiệu quả bằng một số biện pháp sau đây:
3.1. Sử dụng thuốc điều trị gai thoái hóa khớp gối
Một số loại thuốc giảm đau và chống viêm thường được sử dụng để cải thiện tình trạng thoái hóa trong khớp gối, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhóm thuốc này bao gồm các chất chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen hoặc acetaminophen. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp các thuốc kháng viêm steroid vào khớp gối để giảm viêm và đau. Ngoài ra, một số loại thuốc bổ sung sụn như glucosamine và chondroitin sulfate cũng thường được chỉ định để tái tạo và bảo vệ sụn khớp cho người bệnh.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc để điều trị bệnh có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, bệnh nhân nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh không giảm dù đã sử dụng thuốc, người bệnh không nên tự ý tăng liều thuốc, tránh gây hại đến sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân nào dẫn đến tê bì chân tay đau mỏi vai gáy?
Điều trị thoái hóa khớp bằng cách tiêm trực tiếp các thuốc kháng viêm steroid vào khớp gối để giảm viêm và đau
3.2. Vật lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc
Vật lý trị liệu là biện pháp để kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh gai thoái hóa khớp gối hiệu quả mà không cần dùng thuốc. Một số biện pháp vật lý trị liệu để điều trị thoái hóa khớp gồm có:
– Điện xung: Điện xung có thể giúp giảm đau và tăng cường tuần hoàn máu ở khu vực khớp gối, từ đó giảm viêm và cung cấp dưỡng chất cho sụn khớp.
– Tập thể dục để tăng sự linh hoạt cho các khớp: Tập thể dục nhẹ nhàng và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp gối có thể giúp hỗ trợ và bảo vệ khớp, cải thiện sự ổn định và giảm áp lực lên khớp gối. Các hoạt động tập luyện tốt cho khớp gối có thể kể đến như đi bộ, đạp xe, yoga,…
– Vận động đúng tư thế: Hạn chế các hành động gây áp lực lớn lên khớp gối như ngồi xổm quá lâu, leo cầu thang thường xuyên để hạn chế các tổn thương khớp gối. Đồng thời, người bệnh cần chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng như omega-3, vitamin C, beta-carotene… Đây là các nhóm chất tốt hỗ trợ sụn khớp chắc khỏe, giảm tình trạng viêm.
– Giảm cân: Nếu bệnh nhân bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm bớt áp lực lên khớp gối và cải thiện triệu chứng.
3.3. Nẹp đầu gối hoặc phẫu thuật xử lý gai thoái hóa khớp gối
– Nẹp đầu gối là biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng tổn thương khớp gối, tăng khả năng đi lại. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn loại nẹp phù hợp.
– Phẫu thuật: Trong trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp ngày càng nghiêm trọng và không phản ứng tốt với các biện pháp điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật khớp gối.
Thoái hóa khớp gối là vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Bệnh không chỉ cản trở các hoạt động trong cuộc sống người bệnh mà còn tiềm ẩn những nguy hiểm đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Mỗi bệnh nhân sẽ có triệu chứng và tình trạng bệnh riêng. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý uống thuốc giảm đau mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn các biện pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.