Gan nhiễm mỡ là bệnh lý xảy ra khi lượng mỡ trong gan vượt quá mức quy định. Bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân. Vậy gan nhiễm mỡ có tác hại gì và làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của bệnh này, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Gan nhiễm mỡ có tác hại gì và cách kiểm soát
1. Những thông tin cơ bản về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan là một tạng lớn trong cơ thể đảm nhận các chức năng như tổng hợp, chuyển hoá, giải độc và dự trữ.
Trong gan luôn tồn tại một lượng mỡ nhất định, thường từ 2 – 4% trọng lượng lá gan. Khi lượng mỡ này chiếm tới trên 5% trọng lương gan thì được gọi là gan nhiễm mỡ. Sử dụng rượu được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ.
Những người thừa cân, béo phì cũng là người dễ mắc bệnh này do lượng mỡ trong cơ thể thường xuyên ở mức cao, có xu hướng tích tụ tại gan và gây bệnh.
Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ gồm: mang thai, tiểu đường, suy dinh dưỡng, giảm cân quá nhanh, tự ý sử dụng một số loại thuốc…
Hiện nay, chế độ ăn uống sinh hoạt của con người ngày càng thiếu lành mạnh, khiến tình trạng gan nhiễm mỡ có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở người trẻ. Đặc biệt, căn bệnh này thường không có hoặc rất ít những biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn đầu khiến việc phát hiện bệnh trở nên khó khăn. Thường khi người bệnh đã có các biểu hiện rõ thì bệnh đã ở những giai đoạn nặng, việc điều trị gặp khó khăn và người bệnh cũng có nguy cơ đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Tình trạng tích tụ trong gan khiến lượng mỡ gan vượt quá mức bình thường, gây bệnh gan nhiễm mỡ.
2. Bệnh gan nhiễm mỡ có tác hại gì đối với người bệnh?
Bệnh gan nhiễm mỡ thường tiến triển qua 3 giai đoạn, được phân chia theo tỷ lệ mỡ trong gan và các biểu hiện của bệnh. Ở giai đoạn đầu, gan thừa mỡ nhẹ nên chức năng và hoạt động của gan thường chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tác động đến bệnh nhân thường chỉ thể hiện rõ khi bệnh đã tiến triển nặng. Các tác động đó bao gồm:
2.1 Các biến chứng ở gan
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể gây các biến chứng liên quan đến gan như xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan cổ trướng, ung thư gan nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc phát hiện khi bệnh đang trong giai đoạn đầu có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao khả năng điều trị và hiệu quả trị bệnh. Chính vì vậy, việc thăm khám và điều trị gan nhiễm mỡ sớm là thực sự cần thiết.
2.2 Bệnh gan nhiễm mỡ có tác hại gì, có gây suy giảm chức năng gan không?
Khi lượng mỡ thừa xuất hiện tại mô gan quá nhiều, các tế bào gan sẽ thường xuyên bị chèn ép. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng chuyển hóa và tích trữ của gan. Chức năng gan cũng bởi vậy mà bị suy giảm và gián đoạn theo thời gian.
2.3 Bệnh gan nhiễm mỡ có tác hại gì, ảnh hưởng tới các cơ quan khác như thế nào?
Gan nhiễm mỡ không chỉ gây hậu quả đối với gan mà còn tác động xấu tới hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể. Cụ thể gan nhiễm mỡ kéo dài gây tình trạng mệt mỏi, chán ăn, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Người bệnh dễ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa.
2.4 Suy giảm chức năng thần kinh
Ở người bị gan nhiễm mỡ, hàm lượng lipoprotein và phospholipid trong huyết tương thường giảm. Nếu tình trạng này nếu kéo dài liên tục sẽ gây ảnh hưởng tới huyết quản và hoạt động của hệ thần kinh. Nhiều người bệnh bị xơ vữa động mạch, suy giảm trí nhớ kèm các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ,…
Tìm hiểu thêm: Từ A – Z những điều cần biết về bệnh viêm gan B
Gan nhiễm mỡ nặng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, làm tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan…
3. Các triệu chứng cho thấy mức độ nghiêm trong của bệnh gan nhiễm mỡ
Ở giai đoạn đầu, bệnh lý này gần như không biểu hiện cụ thể, khiến người bệnh chủ quan và không phát hiện kịp thời. Tuy nhiên khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp một loạt vấn đề như:
– Đau bụng vùng trên và bên phải: Còn gọi là đau tức hạ sườn phải. Đây được cho là một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh.
– Mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân: Thường xảy ra khi bệnh bước sang giai đoạn nặng hoặc gây biến chứng như xơ gan, suy gan. Trạng thái mệt mỏi, suy nhược, thường kèm theo chóng mặt, đau đầu.
– Mất cảm giác ngon miệng: Gan bị nhiễm mỡ khiến quá trình chuyển hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng bị gián đoạn. Lâu dần tình trạng này có thể khiến người bệnh bị mất đi khẩu vị.
– Vàng da: Khi quá trình chuyển hóa bilirubin tại gan bị trì trệ, nồng độ chất này sẽ tăng cao trong máu, xâm nhập vào các mô và tế bào da gây vàng da. Mức độ vàng da phụ thuộc vào mức độ bệnh.
– Rối loạn nội tiết tố: Những người mắc gan nhiễm mỡ ở giai đoạn nặng có thể phát triển tuyến vú bất thường; teo tinh hoàn, rối loạn cương dương, yếu sinh lý với nam; mất kinh, rong kinh, kinh nguyệt không đều đối với phụ nữ.
>>>>>Xem thêm: Viêm gan cấp do rượu có nguy hiểm không?
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể được kiểm soát bằng việc thay đổi lối sống và dùng thuốc hỗ trợ.
4. Cần làm gì để hạn chế tác hại của gan nhiễm mỡ?
Đối với gan nhiễm mỡ độ 1, các tế bào gan giảm chức năng không đáng kể. Bệnh nhân thường chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, tăng cường vận động là có thể cải thiện được tình trạng suy yếu của gan. Nhưng khi gan nhiễm mỡ tăng ở mức độ 2 hay 3 thì mức độ tổn thương gan đã nghiêm trọng hơn nên việc điều trị là vô cùng cần thiết để tránh xảy ra các biến chứng cho gan.
Các rối loạn ở gan sẽ không có cơ hội phát triển nếu như bệnh nhân có một lối sống lành mạnh. Hầu hết các rối loạn này có thể được kiểm soát, đặc biệt là nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị đúng và thường xuyên. Một số biện pháp duy trì sức khỏe của gan gồm:
– Đi khám sức khỏe định kì theo chỉ định của bác sĩ.
– Tập thể dục với những bài tập, những môn nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, đạp xe, dance sport…khoảng 30 phút mỗi ngày.
– Hạn chế dùng rượu, bia.
– Kiểm soát cân nặng của mình, giảm cân nếu cần thiết.
– Sử dụng các thực phẩm chứa vitamin C và E như rau xanh, hạt bí ngô, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây họ cam quýt… để bảo vệ gan, giúp thanh lọc, giải độc, hỗ trợ chức năng gan.
– Nên ăn nhiều rau, trái cây, thức ăn có chứa chất xơ, chứa ít năng lượng như cần tây, cà rốt, rau mùi, trà xanh, trà hoa cúc, trà bạc hà, cam, chuối, chanh, tảo, rong biển, nấm. Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.