Bệnh lý giác mạc dải băng là một hội chứng bắt nguồn từ tình trạng tích tụ canxi trong mắt, đặc trưng bởi một dải màu xám xịt lắng đọng ngang giác mạc. Phần lắng đọng này có dạng hạt li ti, có thể gây xước giác mạc khi đạt đến kích thước nhất định và gây ảnh hưởng lớn đến thị lực của người bệnh.
Bạn đang đọc: Giác mạc dải băng và 6 điều bạn cần biết
1. Tìm hiểu về bệnh lý giác mạc dải băng
1.1. Định nghĩa
Bệnh lý giác mạc dải băng là tên gọi của tình trạng lắng đọng muối canxi trong lớp dưới biểu mô và phần trước màng Bowman tại mắt. Tổn thương thường bắt đầu từ vùng giác mạc cạnh rìa khe mi với phần lắng đọng canxi dưới biểu mô có ranh giới sắc nét. Theo thời gian phần lắng đọng canxi tiến sâu vào giác mạc tạo thành dải băng vắt ngang trung tâm giác mạc, giữa phần vôi hóa trắng hình thành những lỗ nhỏ trong suốt hoặc đôi khi là khe nứt. Khi những hạt li ti tại phần lắng đọng đạt đến kích thước nhất định sẽ hình thành những hạt gồ lên gây xước giác mạc.
Đối với người mắc bệnh, tiên lượng điều trị tốt là khi tình trạng lắng đọng trong mắt cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, chỉ loại bỏ cặn canxi là không đủ bởi bệnh có thể tái phát bất kỳ lúc nào nếu các vấn đề gây ra việc gia tăng nồng độ canxi trong cơ thể không được điều trị triệt để.
Bệnh lý dải băng giác mạc là một hội chứng bắt nguồn từ tình trạng tích tụ canxi trong mắt.
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý giác mạc dải băng
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh lý dải băng giác mạc bao gồm:
– Nhìn mờ.
– Đau nhức mắt khi các hạt tại phần lắng đọng vỡ ra và làm xước giác mạc.
– Cảm giác như có sạn, bụi trong mắt gây kích ứng.
– Sợ ánh sáng.
– Đỏ mắt.
– Nhìn thấy những mảng, dải màu xám bạc, mờ đục ở mắt.
1.3. Nguyên nhân gây ra tình trạng giác mạc dải băng
Một người có thể bị dải băng giác mạc khi nồng độ canxi trong cơ thể mất cân bằng. Có rất nhiều nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này, bao gồm các bệnh về mắt và cả những bệnh lý toàn thân. Cụ thể:
Các bệnh về mắt
– Glocom (hay còn gọi là bệnh tăng nhãn áp, cườm nước): Tình trạng liên quan đến tổn thương thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mù lòa.
– Keratoconjunctivitis: Tình trạng viêm ở giác mạc và kết mạc.
– Viêm màng bồ đào: Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm một trong ba hoặc cả ba phần của bồ đào gồm mống mắt, thể mi và hắc mạc. Bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp gây ra, có khi đan chéo nhau và có thể gây mù lòa nếu không được điều trị.
– Phthisis bulbi: Tình trạng tổn thương mắt nghiêm trọng, mắt teo lại và không hoạt động do bệnh nặng hoặc chấn thương.
– Chấn thương mắt: Xây xước, tổn thương nặng tại mắt do tai nạn.
Rối loạn hệ thống miễn dịch
– Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên: Bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể người bệnh.
– Sarcoidosis: Bệnh lý viêm thường ảnh hưởng đến phổi của người bệnh, tuy nhiên vẫn có thể gây ảnh hưởng đến một số cơ quan khác.
– Lupus ban đỏ dạng đĩa: Bệnh lý gây ra những mảng da dày và viêm tròn trên mặt hoặc tai người bệnh.
Tình trạng tăng canxi máu
– Cường tuyến cận giáp: Tình trạng hormone tuyến cận giáp trong máu hoạt động quá mức làm lượng canxi trong cơ thể tăng lên vượt ngưỡng cho phép.
– Lạm dụng vitamin D dẫn đến nhiễm độc, dư thừa canxi trong máu.
– Paget: Tình trạng rối loạn bất thường ở cấu trúc xương, có thể diễn ra ở bất kỳ vùng xương nào trên cơ thể.
Một số nguyên nhân khác
– Bệnh gút: Tình trạng viêm khớp liên quan đến các tinh thể axit uric.
– Đa u tủy: Bệnh lý ung thư máu khá hiếm gặp.
– Bệnh vảy cá: Có hơn 20 phân loại khác nhau của bệnh lý ngoài da này.
– Bệnh thận giai đoạn cuối: Giai đoạn khi thận không còn lọc máu trong cơ thể người bệnh.
– Tiếp xúc với một số hóa chất, theo thời gian có thể gây ra tình trạng dải băng giác mạc. Trong đó, tiếp xúc lâu dài với hơi thủy ngân đã được chứng minh gây bệnh, ngoài ra chất bảo quản có gốc thủy ngân cũng được tìm thấy trong một số loại thuốc nhãn khoa.
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về kính lão hai tròng
Có rất nhiều nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này, bao gồm các bệnh về mắt và cả những bệnh lý toàn thân.
2. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh lý giác mạc dải băng
2.1. Các phương pháp chẩn đoán
Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu lạ nghi ngờ là dải băng tại giác mạc, hãy đến ngay những cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được giúp đỡ.
Bác sĩ hỏi bạn về tiền sử bệnh cũng như cụ thể các triệu chứng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác cũng như loại trừ các bệnh lý khác. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn xét nghiệm máu để biết nồng độ của các chất khác nhau như:
– Canxi.
– Photpho.
– Hormone.
– Nito ure và creatinine.
Ngoài ra một kiểm tra kĩ lưỡng với dụng cụ chuyên dụng cũng sẽ được thực hiện nhằm phát hiện:
– Mảng bám màu trắng xám với cặn mịn xếp thành dải ngang trên giác mạc.
– Những lỗ nhỏ trong suốt đại diện cho các dây thần kinh giác mạc xuyên qua màng Bowman.
– Những hạt nhỏ li ti, mảng bám ngoại vi.
2.2. Các phương pháp điều trị
Chelation là tên của phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với bệnh lý dải băng giác mạc. Đây là một phương pháp loại bỏ độc tố và kim loại nặng mà trong trường hợp này là cặn canxi ra khỏi cơ thể thông qua việc tiêm axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA) – một chất chống oxy hóa mạnh – vào tĩnh mạch.
Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật sử dụng tia laser để loại bỏ những mảnh canxi còn sót lại và làm phẳng vùng giác mạc đã được điều trị.
Phương pháp này thường được thực hiện như một quy trình ngoại trú và người bệnh có thể ra về ngay trong ngày, tuy nhiên cần lưu ý giữ gìn và bảo vệ mắt cẩn thận trong 2 tuần đầu. Trong trường hợp dải băng giác mạc bị gây ra bởi các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị chúng để ngăn ngừa tình trạng lắng đọng canxi.
2.3. Các phương pháp giúp phòng bệnh
Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh lý dải băng giác mạc bằng cách quản lý, quan tâm đến sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe đôi mắt:
– Quản lý tốt các bệnh mạn tính như cao huyết áp, cholesterol cao hoặc đái tháo đường.
– Tập luyện thường xuyên và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể.
– Duy trì cân nặng ổn định trong ngưỡng cho phép, có thể tham khảo BMI.
– Thăm khám sức khỏe, đặc biệt là khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường và bệnh lý tiềm ẩn, kịp thời điều trị và nâng cao hiệu quả phục hồi.
>>>>>Xem thêm: Bị đỏ mắt khi ngủ dậy: Giải mã nguyên nhân
Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường, kịp thời điều trị và nâng cao hiệu quả phục hồi.
Trên đây là những thông tin chung về bệnh lý dải băng giác mạc như nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng cũng như biện pháp đề phòng, chẩn đoán và điều trị. Hi vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc của bản thân và nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn hãy liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp nhanh nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.