Bé bị tay chân miệng có tắm được không? Theo quan niệm dân gian, bố mẹ không nên tắm cho trẻ mắc tay chân miệng. Theo khoa học, đây có phải một quan niệm đúng? Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin giải đáp thắc mắc đó đồng thời chia sẻ với bố mẹ câu trả lời cho nhiều câu hỏi phổ biến khác về bệnh truyền nhiễm cấp tính tay chân miệng, đọc ngay bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Giải đáp: Bé bị tay chân miệng có tắm được không?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính có nguyên nhân phát sinh là Enterovirus. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là các tổn thương da và niêm mạc, tồn tại dưới dạng phỏng nước, ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân; môi, lợi, lưỡi, má trong, họng;… Trên da, các phỏng nước có đường kính từ 2 – 10mm; còn trên niêm mạc, đường kính của chúng là 2 – 3mm. Phỏng nước trên niêm mạc nhanh vỡ, tạo thành các vết loét. Trên da, chúng ít vỡ hơn và thường tự teo rồi biến mất. Ngoài tổn thương da và niêm mạc, tay chân miệng còn biểu hiện thông qua một số triệu chứng khác như sốt, buồn nôn và nôn, tiêu chảy,…
Tay chân miệng có biểu hiện đặc trưng là các tổn thương da và niêm mạc.
Tay chân miệng về bản chất là một bệnh truyền nhiễm lành tính. Tuy nhiên, nếu phát sinh do Enterovirus 71, bệnh vẫn có nguy cơ tiến triển đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương thần kinh (viêm não, viêm màng não), viêm cơ tim, phù phổi,… đe dọa tính mạng trẻ.
Điều trị tay chân miệng kịp thời và đúng đắn là chìa khóa để hạn chế nguy cơ bệnh biến chứng. Khi thấy dấu hiệu tay chân miệng, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất. Tại đó, sau thăm khám, trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ được chỉ định điều trị ngoại trú. Lúc này, trẻ hồi phục nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào hiểu biết của bố mẹ về tay chân miệng. Mặc dù thế, hiện nay, vẫn còn một số vấn đề về tay chân miệng nhiều phụ huynh chưa thực sự tường tận. Trong đó, có vấn đề vệ sinh cho trẻ bị tay chân miệng.
1. Giải đáp chi tiết: Bé bị tay chân miệng có tắm được không?
Theo quan niệm của nhiều phụ huynh thì trẻ mắc tay chân miệng không được tắm, vì nước có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương da ở trẻ mắc tay chân miệng. Tuy nhiên, thực tế thì không tắm lại làm gia tăng tình trạng tích tụ virus, vi khuẩn và các tác nhân tiêu cực khác từ môi trường đồng nghĩa với việc làm gia tăng nguy cơ bội nhiễm, khiến tay chân miệng trở nên khó điều trị hơn.
Trẻ mắc tay chân miệng cần được tắm, hoặc ít nhất là lau người mỗi ngày, bằng nước sạch và ấm. Tuy nhiên, khi tắm/lau người cho trẻ, bố mẹ cần thao tác nhẹ nhàng, để tránh làm vỡ các phỏng nước trên da.
Tìm hiểu thêm: Thận trọng khi dùng thuốc cảm cúm trẻ em 7 tuổi
Trẻ mắc tay chân miệng cần được tắm, hoặc ít nhất là lau người mỗi ngày.
2. Một số quan niệm sai lầm khác về tay chân miệng
2.1. Trẻ ở nhà thì không thể bị tay chân miệng
Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ ở nhà thì không thể bị tay chân miệng. Thực tế, trẻ ở nhà vẫn có thể bị tay chân miệng nếu tiếp xúc với người bệnh tay chân miệng không có triệu chứng, thường là người trưởng thành. Chính vì vậy, để dự phòng tay chân miệng, chỉ cho trẻ ở nhà là không đủ. Bố mẹ cần thường xuyên rửa tay, tắm hoặc lau người cho trẻ.
2.2. Trẻ nhỏ mới bị tay chân miệng
Quan niệm chỉ có trẻ nhỏ mới bị tay chân miệng của bố mẹ là hoàn toàn sai. Hầu hết các trường hợp tay chân miệng được ghi nhận là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trẻ lớn là ngoại lệ của tay chân miệng. Thậm chí, trẻ lớn bị tay chân miệng cũng có thể gặp biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Chính vì vậy, ngay cả khi trẻ đã lớn, bố mẹ cũng cần bảo vệ và chăm sóc trẻ cẩn thận để hạn chế nguy cơ trẻ bị tay chân miệng.
2.3. Trẻ bị tay chân miệng luôn có đầy đủ triệu chứng
Trẻ bị tay chân miệng điển hình sẽ có phỏng nước ở môi, lợi, lưỡi, má trong, họng, lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân,…. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị tay chân miệng chỉ có phỏng nước ở niêm mạc hoặc phỏng nước ở da. Bởi thế, khi trẻ có dấu hiệu bất thường, không nhất thiết phải giống hoàn toàn những dấu hiệu tay chân miệng đã được mô tả, bố mẹ cũng cần cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín.
2.4. Cần bôi thuốc lên sang thương da để trẻ tay chân miệng mau lành bệnh
Sang thương da trong tay chân miệng thường không đau, không ngứa. Do đó, bố mẹ không tự ý bôi thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì khi đó, bố mẹ có thể vô tình làm sai lệch các biểu hiện của sang thương, từ đó làm các bác sĩ khó chẩn đoán, khó theo dõi diễn tiến của sang thương.
2.5. Nguyên nhân trẻ khó ngủ, giật mình, quấy khóc là đau miệng
Một quan niệm sai lầm nữa về tay chân miệng là nhiều phụ huynh cho rằng trẻ khó ngủ, giật mình, quấy khóc chỉ là do đau miệng. Thực tế, giật mình là biểu hiện sớm của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Trẻ có biểu hiện giật mình cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để bảo tồn tối đa sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ: nguyên nhân, triệu chứng
Trẻ có biểu hiện giật mình cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Phía trên là giải đáp của Thu Cúc TCI về một số quan niệm cố hữu sai lầm của nhiều phụ huynh về tay chân miệng. Theo đó, quan niệm trẻ bị tay chân miệng cần kiêng tắm là không đúng. Ngoài ra, còn nhiều quan niệm phổ biến khác về tay chân miệng bố mẹ cũng cần thay đổi. Đó là: Trẻ ở nhà thì không thể mắc tay chân miệng; trẻ nhỏ mới mắc tay chân miệng, trẻ lớn thì không; trẻ mắc tay chân miệng luôn có đầy đủ triệu chứng; các tổn thương da do tay chân miệng cần được bôi thuốc nếu muốn nhanh lành; đau miệng là nguyên nhân làm trẻ giật mình, quấy khóc;…
Với những thông tin trên, hy vọng rằng bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn tuyệt đối trước tay chân miệng và các biến chứng của nó. Nếu còn băn khoăn, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết một cách nhanh chóng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.