Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là một chủ đề khá nhạy cảm và chưa nhiều người hiểu rõ về dịch vụ này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về chủ đề này.
Bạn đang đọc: Giải đáp các câu hỏi về khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
1. Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân có phải là khám tiền hôn nhân?
Khám tiền hôn nhân là việc kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của nam/nữ giới trước khi kết hôn. Một gói khám sức khỏe tiền hôn nhân thường bao gồm khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản. Như vậy, khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân chỉ là một danh mục trong gói khám tiền hôn nhân mà thôi.
1.1. Danh mục khám tổng quát trong gói khám tiền hôn nhân
- Kiểm tra thể lực chung: Kiểm tra chỉ số mạch và huyết áp, đo cân nặng, chiều cao
- Khám lâm sàng: Kiểm tra thị lực, điện tâm đồ, khám răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu…
- Khám cận lâm sàng: Thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng (tại một số bệnh viện sẽ kết hợp siêu âm tuyến giáp)…
- Khai thác thông tin và đánh giá tiền sử bệnh của cặp đôi và gia đình: Các bệnh người khám đã mắc hoặc đã thực hiện các phẫu thuật nào, điều kiện làm việc, bệnh lý mà người trong gia đình đã mắc phải…
Khi nhìn vào những nội dung liệt kê trên đây, nhiều người sẽ cho rằng các danh mục khám tổng quát ở giai đoạn này không có nhiều khác biệt với khám sức khỏe đi làm hay đi học. Tuy nhiên, bạn sẽ cần lưu ý tới những kiểm tra với mục đích sàng lọc di truyền nhằm phát hiện các gene bệnh để dự phòng dị tật, bệnh lý bẩm sinh ở trẻ.
Khám tiền hôn nhân bao gồm nhiều danh mục liên quan tới xét nghiệm máu
1.2. Danh mục khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
Khám sức khỏe sinh sản có nhiều điểm khác nhau giữa nam và nữ giới. Nguyên nhân là do cấu tạo và chức năng của bộ phận sinh sản ở hai giới có sự khác biệt.
Với nam giới, bạn sẽ thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ, dịch niệu đạo, kiểm tra nội tiết tố sinh dục (testosterone)… Trong đó, xét nghiệm tinh dịch đồ là kiểm tra cơ bản để đánh khả năng sinh sản ở nam giới. Nếu người chồng không có tinh trùng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên biệt như: định lượng nội tiết tố sinh dục, siêu âm phần bìu…
Danh mục khám sức khỏe sinh sản cho nữ giới có sự phức tạp hơn so với nam giới bởi họ là người trực tiếp mang thai. Bạn sẽ được khám lâm sàng bộ phận sinh dục nhằm phát hiện ra viêm nhiễm hay các biểu hiện bất thường (nếu có) để điều trị kịp thời. Người vợ cũng cần thực hiện thêm các danh mục siêu âm tử cung – buồng trứng – tuyến vú, soi tươi dịch âm đạo, kiểm tra nội tiết tố nữ (estrogen).
2. Có cần tiêm phòng khi khám sức khỏe tiền hôn nhân?
Nếu bạn là nữ giới, khi khám tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ tư vấn các mũi tiêm dự phòng nếu bạn muốn có con ngay sau khi kết hôn. Các mũi chích ngừa này sẽ bao gồm: rubella – sởi – quai bị (1 mũi tiêm), uốn ván, thủy đậu. Bạn cũng có thể tiêm thêm các mũi vaccine phòng cúm và viêm gan B nếu có nhu cầu. Việc tiêm phòng nên được thực hiện trước thời điểm dự tính mang thai từ 3 – 6 tháng.
Trong trường hợp bạn chưa muốn có con ngay sau khi kết hôn thì việc tiêm vaccine ngay khi khám tiền hôn nhân là không cần thiết. Thời điểm để bạn tiến hành khám tiền hôn nhân cũng là 3 – 6 tháng trước thời điểm lập gia đình. Các chuyên gia cho rằng đây là khoảng thời gian phù hợp để bạn điều trị khỏi bệnh nếu phát hiện bệnh trong khi khám tiền hôn nhân.
Đặc biệt, việc khám sức khỏe sinh sản không chỉ dành cho người có ý định kết hôn. Dù bạn chưa lập gia đình hay kết hôn đã lâu thì đây vẫn là hoạt động cần được thực hiện đều đặn.
Không nhất thiết phải tiêm vaccine ngay khi khám tiền hôn nhân
3. Khám sức khỏe sinh sản có chi phí bao nhiêu?
Đây chắc chắn là một trong những câu hỏi mà nhiều người thắc mắc phân vân trước khi khám tiền hôn nhân. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện có khoa Phụ sản đều có thể cung cấp gói khám này và điều trị nếu phát hiện bệnh.
Chi phí khám sức khỏe sinh sản không chênh lệch nhiều giữa các bệnh viện, dao động từ 1.500.000 – 2.000.000 VNĐ. Nếu bạn được chỉ định kiểm tra chuyên sâu thì sẽ phát sinh thêm các chi phí cho danh mục đó. Do đó, các danh mục khám của nữ giới cũng nhiều và đắt tiền hơn.
Vì mức giá chênh lệch không quá nhiều nên bạn có thể tự do chọn địa điểm khám công lập hoặc ngoài công lập. Các bệnh viện công có ưu thế lớn về giá cả và uy tín của đội ngũ bác sĩ nhưng bệnh viện ngoài lập thường có dịch vụ chăm sóc tốt hơn. Bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian hơn với các dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, quy trình khám nhanh gọn và hệ thống thiết bị hiện đại của các cơ sở y tế tư nhân.
Tìm hiểu thêm: Gói khám sức khỏe tổng quát cho phụ nữ tiền mãn kinh đem lại lợi ích gì?
Chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân không quá đắt đỏ
4. Lưu ý khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Là một gói khám với rất nhiều xét nghiệm, người tham gia thăm khám sẽ phải đảm bảo thực hiện những lưu ý dưới đây.
4.1. Lưu ý chung khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
- Nên khám vào buổi sáng: Danh mục khám của gói tiền hôn nhân khá nhiều, nên bạn cần cân nhắc khám từ sáng để đảm bảo hoàn thiện danh mục trong ngày. Vì thế, đừng quên đặt lịch khám trước qua tổng đài hỗ trợ của bệnh viện.
- Nên nhịn ăn sáng để lấy máu làm xét nghiệm. Thời gian để bụng rỗng tối thiểu là 6 tiếng nhưng với một số xét nghiệm chuyên sâu, bạn có thể cần phải nhịn ăn lâu hơn. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế về những lưu ý này. Đồng thời, một số bệnh viện có hỗ trợ dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bạn có thể tiết kiệm thời gian nếu sử dụng dịch vụ này.
- Hãy hoàn thành đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe, bệnh sử gia đình… theo quy định tại bệnh viện. Đây sẽ là cơ sở để các bác sĩ có thể chẩn đoán và tư vấn sức khỏe cho bạn. Việc giấu diếm thông tin có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của chính bạn và người bạn đời, thậm chí là em bé tương lai của hai bạn.
- Mạnh dạn trao đổi với bác sĩ về các thắc mắc của bạn, dù là vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh việc chẩn đoán bệnh, các bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về đời sống sinh hoạt lành mạnh, phương pháp thụ thai an toàn.
- Kiêng quan hệ tình dục hay sử dụng các chất kích thích.
>>>>>Xem thêm: Bạn đã biết khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần hay chưa?
Nên trao đổi kỹ mọi thắc mắc với bác sĩ để được giải đáp chi tiết nhất
4.2. Các lưu ý dành riêng cho nữ giới
Với phụ nữ, bạn không nên khám tiền hôn nhân trong thời gian có kinh nguyệt. Hãy thực hiện gói khám này ít nhất 5 ngày trước kỳ kinh hoặc tối thiểu 5 ngày sau kỳ kinh. Hoặc nếu bạn đang đặt thuốc âm đạo thì cũng không nên khám trong giai đoạn này.
Nữ giới cũng cần thực hiện nhiều siêu âm, đặc biệt là có siêu âm ổ bụng. Để có thể hiển thị hình ảnh rõ ràng thì bạn hãy cố gắng uống nhiều nước và nhịn tiểu để làm căng bàng quang. Thói quen sử dụng sản phẩm khử mùi rất phổ biến tuy nhiên, bạn không nên dùng lăn khử mùi khi đi khám sức khỏe. Lý do bởi sản phẩm này chứa hợp chất nhôm sẽ hiển thị thành các đốm trắng khi X-quang vú. Những đốm này có thể bị chẩn đoán nhầm thành các nốt vôi hóa.
Khám tiền hôn nhân mang lại rất nhiều lợi ích nhưng nhiều người vẫn còn mang tâm lý e ngại. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về tầm quan trọng cũng như các lưu ý để chuẩn bị cho việc thăm khám thuận lợi hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.