Đau mắt đỏ dễ phát sinh vào mùa Xuân. Đây là bệnh lý nhãn khoa không quá nguy hiểm nhưng luôn đi kèm với những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống. Đau mắt đỏ có lây không, nếu có thì đau mắt đỏ lây qua đâu? Thông tin này bạn nhất định phải biết để dự phòng đau mắt đỏ, bảo tồn chất lượng cuộc sống hiệu quả.
Bạn đang đọc: Giải đáp chi tiết: Đau mắt đỏ lây qua đâu?
Đau mắt đỏ là bệnh lý nhãn khoa có triệu chứng vô cùng rõ ràng. Theo đó, bạn có thể dễ dàng nhận biết sự tồn tại của bệnh lý nhãn khoa này thông qua một số dấu hiệu như: Sưng, đỏ mắt (do tình trạng giãn mạch máu và tăng tiết dịch), ngứa mắt, đau nhức mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng (ánh sáng cường độ mạnh có thể làm tăng cảm giác đau nhức tại mắt và xung quanh mắt), tiết mủ mắt (trong trường hợp đau mắt đỏ phát sinh do vi khuẩn), xuất hiện giả mạc (giả mạc chỉ xuất hiện trong trường hợp đau mắt đỏ nặng).
1. Giải đáp: Đau mắt đỏ có lây không, nếu có thì đau mắt đỏ lây qua đâu?
1.1. Đau mắt đỏ có lây không?
Khác với suy nghĩ của nhiều người là 100% đau mắt đỏ lây, không phải trường hợp đau mắt đỏ nào cũng thế. Đau mắt đỏ có lây không, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Được biết, bệnh lý nhãn khoa này thường phát sinh do 1 trong 3 nguyên nhân sau:
– Thứ nhất, vi khuẩn: Đau mắt đỏ phát sinh do nguyên nhân này gọi là đau mắt đỏ vi khuẩn. Trong rất nhiều vi khuẩn có thể gây đau mắt đỏ, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Chlamydia trachomatis… là những vi khuẩn phổ biến nhất.
Staphylococcus aureus là một trong những vi khuẩn gây đau mắt đỏ phổ biến.
– Thứ hai, virus: Đau mắt đỏ phát sinh do nguyên nhân này gọi là đau mắt đỏ virus. Những virus gây đau mắt đỏ phổ biến nhất là Adenovirus (xuất hiện nhiều vào hai mùa, xuân và hè), Herpes simplex virus (HSV) (virus này có thể gây ra nhiều tình trạng nhiễm trùng khác nhau và đau mắt đỏ chỉ là một trong những triệu chứng của các tình trạng nhiễm trùng đó), Varicella-zoster virus (VZV) (đau mắt đỏ cũng có thể chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh truyền nhiễm cấp tính thủy đậu, phát sinh do virus này).
– Dị ứng: Ở người có cơ địa dị ứng, tiếp xúc với các dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, bụi, hóa chất, một số thuốc… cũng có thể gây đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus lây còn đau mắt đỏ do dị ứng thì không.
1.2. Đau mắt đỏ lây qua đâu?
Đau mắt đỏ lây qua đâu? Đau mắt đỏ vi khuẩn và đau mắt đỏ virus có thể lây từ người sang người thông qua nhiều trung gian chứa vi khuẩn, virus, như nước mắt, mủ mắt, dịch mũi, dịch họng… Người không đau mắt đỏ có thể tiếp xúc với những trung gian này bằng nhiều cách. Một số cách phổ biến nhất chúng ta có thể kể đến ở đây là:
– Trực tiếp: Hít phải dịch mũi, dịch họng chứa vi khuẩn, virus người bệnh ho, hắt hơi ra không khí.
– Gián tiếp: Dùng tay dính vi khuẩn, virus do sờ/chạm vào các bề mặt đồ đạc sinh hoạt chứa chúng (ví dụ như mặt bàn, mặt ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…) để sờ/chạm mắt mũi miệng. Sử dụng đồ đạc sinh hoạt cá nhân của người bệnh (ví dụ như chăn, gối, khăn mặt, bàn chải đánh răng, bát, đũa…).
Ngoài những trung gian trên, một số loại vi khuẩn, virus gây đau mắt đỏ cũng có thể chứa trong các dịch khác của cơ thể. Mặc dù không phổ biến, quan hệ tình dục với người bệnh cũng có thể khiến một người mắc bệnh lý nhãn khoa này. Đây là thông tin không phải ai cũng biết về đau mắt đỏ.
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về bệnh lẹo mắt
Hít phải dịch mũi, dịch họng của người bệnh có thể khiến một người đau mắt đỏ.
2. Hướng dẫn một số biện pháp dự phòng đau mắt đỏ hiệu quả
Đau mắt đỏ dễ lây nhưng cũng dễ dự phòng. Để là người “ngoài cuộc” trong các đợt bùng phát dịch đau mắt đỏ, hãy thực hiện nghiêm túc những biện pháp dự phòng bệnh lý nhãn khoa này được gọi ý dưới đây:
– Tiếp xúc ít hoặc không tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ: Tốt nhất là không tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là khi họ chảy nước mắt, tiết mủ mắt. Trong trường hợp không thể không tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang; sau đó, rửa tay thật sạch sẽ.
– Rửa tay thường xuyên: Xem xét những đường lây đau mắt đỏ phía trên, chúng ta có thể thấy trong rất nhiều trường hợp, tay đã trở thành phương tiện hữu dụng để vi khuẩn, virus tiếp xúc với người bệnh. Rửa tay thật sạch sẽ là một trong những biện pháp dự phòng đau mắt đỏ quan trọng nhất. Bạn nên rửa tay bằng nước và xà phòng, trong ít nhất là 20 giây, đặc biệt nên rửa tay sau khi về nhà từ nơi công cộng cũng như trước khi nấu nướng và ăn uống.
– Rèn luyện thói quen không sờ/chạm tay lên mắt mũi miệng: Thói quen này không chỉ giúp bạn hạn chế nguy cơ đau mắt đỏ mà còn giúp bạn hạn chế nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác.
– Các thành viên trong gia đình không sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt cá nhân: Mỗi người, chỉ nên sử dụng đồ đạc sinh hoạt cá nhân như chăn, gối, khăn mặt, bàn chải đánh răng, bát, đùa… của chính mình, để hạn chế nguy cơ phát tán vi khuẩn, virus gây đau mắt đỏ (nếu có).
– Giữ gìn vệ sinh không gian sinh hoạt của gia đình: Những hoạt động vệ sinh không gian sinh hoạt của gia đình như lau chùi bề mặt đồ đạc sinh hoạt (mặt bàn, mặt ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…), giặt chăn, gối, quần áo… nên thường xuyên thực hiện.
>>>>>Xem thêm: Tất tần tận về phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể
Giữ gìn vệ sinh không gian sinh hoạt là rất cần thiết để dự phòng đau mắt đỏ.
Nếu bạn và người thân có triệu chứng đau mắt đỏ, thăm khám càng sớm càng tốt với chuyên gia là vô cùng cần thiết để được chẩn đoán nguyên nhân cũng như chỉ định phương pháp điều trị đau mắt đỏ phù hợp. Vì với mỗi nguyên nhân, bệnh lý nhãn khoa này lại đòi hỏi một phương pháp điều trị riêng nên bạn tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Làm vậy khả năng cao là bạn không thể thu lại hiệu quả điều trị như mong muốn. Không những thế, bạn còn có thể sẽ phải đối diện với nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.