Đau mắt đỏ là bệnh lý nhãn khoa chúng ta có thể dễ dàng mắc nhiều lần trong suốt cuộc đời. Có người cho rằng một người có thể mắc bệnh lý nhãn khoa này chỉ bằng việc nhìn người bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp. Vậy, quan điểm nào là đúng? Bài viết sau của Thu Cúc TCI chia sẻ câu trả lời cho câu hỏi này, đọc ngay bạn nhé.
Bạn đang đọc: Giải đáp chi tiết: Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp không?
1. Tổng quát về bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ
1.1. Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là bệnh lý nhãn khoa, được xác định khi kết mạc của một người bị nhiễm trùng. Được biết, kết mạc là lớp niêm mạc mỏng, bao phủ mặt trong mí mắt và nhãn cầu. Lớp này có nhiệm vụ bảo vệ mí mắt và nhãn cầu trước các tác nhân tiêu cực từ môi trường. Nó cũng chứa nhiều tuyến nước mắt; nước mắt tiết bởi các tuyến này giúp bôi trơn và đảm bảo chức năng nhãn cầu.
1.2. Đâu là dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ?
Một người có thể phỏng đoán sự tồn tại của đau mắt đỏ ở bản thân nếu có các triệu chứng như mắt sưng, đỏ, mắt ngứa, mắt đau nhức, mắt tăng tiết nước mắt và tăng tiết dịch, mắt nhạy cảm với ánh sáng (ánh sáng cường độ mạnh có thể làm cảm giác đau nhức ở trong và xung quanh mắt gia tăng), xuất hiện giả mạc – màng mỏng, đục, bao phủ mặt trong mí mắt.
Sưng mắt là một dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ.
1.3. Bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ có những biến chứng nào?
Đau mắt đỏ không biến chứng trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc cẩn thận, tình trạng nhiễm trùng tại kết mạc sau khi kết thúc, có thể để lại sẹo, làm suy giảm thị lực người bệnh. Đau mắt đỏ cũng có thể tiến triển đến viêm giác mạc, mặc dù trường hợp đó không nhiều.
2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp không?
2.1. Nguyên nhân phát sinh bệnh lý đau mắt đỏ
Nguyên nhân phát sinh bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ rất đa dạng. Trong đó, phổ biến nhất là ba nguyên nhân sau:
– Vi khuẩn: Gây đau mắt đỏ chủ yếu là các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Chlamydia trachomatis…
– Virus: Adenovirus, Herpes simplex virus (HSV), Varicella-zoster virus (VZV), Enterovirus… là những virus gây đau mắt đỏ chủ yếu. Đau mắt đỏ do các virus này nhiều khi chỉ là triệu chứng của một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính khác, cũng do chúng gây ra.
– Dị ứng: Người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với các dị nguyên như lông động vật, phấn hoa, nấm mốc, bụi, hóa chất sinh hoạt và công nghiệp… cũng có thể đau mắt đỏ.
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh bị đi ngoài phải làm sao để nhanh khỏi?
Phấn hoa là một dị nguyên phổ biến khiến nhiều người đau mắt đỏ.
2.2. Đau mắt đỏ có lây không?
Đau mắt đỏ có lây, nhưng không phải lây trong 100% các trường hợp. Cụ thể, đau mắt đỏ do dị ứng chỉ phát sinh ở người có cơ địa dị ứng. Nếu bạn không có cơ địa này, dù tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người bệnh, bạn cũng không thể đau mắt đỏ do dị ứng. Đau mắt đỏ do vi khuẩn và đau mắt đỏ do virus thì khác. Bạn có thể lây đau mắt đỏ do hai nguyên nhân này nếu tiếp xúc với người bệnh, dù bạn là ai.
2.3. Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp hay lây qua đường nhìn?
Một người có thể đau mắt đỏ chỉ bằng việc nhìn người bệnh là quan điểm rất phổ biến trong dân gian. Vì quan điểm này, người bệnh thường được những người xung quanh yêu cầu đeo kính. Khi người bệnh đeo kính, những người xung quanh cũng thoải mái tiếp xúc với người bệnh, vì tin rằng nhờ kính mà người bệnh đeo, nguy cơ đau mắt đỏ của mình đã được “xóa sổ”.
Y học phát triển đã chứng minh quan điểm này hoàn toàn sai. Bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ không lây qua việc nhìn. Và đeo kính không giúp ngăn chặn sự phát tán của bệnh lý nhãn khoa này. Thực tế, dịch cơ thể mới là trung gian chứa vi khuẩn, virus. Bởi thế, tiếp xúc với nước mắt, mủ mắt, dịch mũi, dịch họng… người bệnh mới có thể khiến một người đau mắt đỏ. Theo đó, chúng ta có thể kể đến ở đây một số phương thức tiếp xúc với dịch cơ thể người bệnh cụ thể như sau: Hít phải dịch mũi, dịch họng người bệnh giải phóng ra không khí khi ho, hắt hơi; sờ/chạm tay lên mắt, mũi miệng bằng bàn tay sờ/chạm vào bề mặt đồ đạc sinh hoạt chứa dịch cơ thể người bệnh; dùng chung đồ đạc sinh hoạt với người bệnh…
Như vậy, vì dịch mũi, dịch họng là trung gian lây đau mắt đỏ nên có thể nói, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp.
>>>>>Xem thêm: Cách xử trí nhanh khi trẻ sốt 39 độ C
Dịch mũi, dịch họng là trung gian lây đau mắt đỏ nên có thể nói, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp.
3. 5 biện pháp dự phòng bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ
Dự phòng đau mắt đỏ không khó. Bệnh lý nhãn khoa này có thể được dự phòng hiệu quả bằng các biện pháp dưới đây:
– Tiếp xúc ít hoặc tốt nhất là không tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là khi người bệnh có các triệu chứng chảy nước mắt, tiết mủ mắt. Trường hợp không thể không tiếp xúc, bạn hãy đeo khẩu trang đầy đủ và sau đó, hãy rửa tay sạch sẽ.
– Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi về nhà từ nơi công cộng và trước khi nấu nướng, ăn uống. Việc rửa tay nên được thực hiện bằng nước và xà phòng, trong ít nhất 20 giây.
– Không sờ/chạm tay lên mắt mũi miệng, đặc biệt là khi chưa rửa tay.
– Không dùng chung đồ đạc sinh hoạt với người thân, đặc biệt là người có triệu chứng đau mắt đỏ.
– Thường xuyên vệ sinh không gian sinh hoạt của bản thân và gia đình.
Nếu đã thực hiện nghiêm túc tất cả các biện pháp dự phòng trên nhưng vẫn có dấu hiệu đau mắt đỏ, bạn và người thân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín gần nhất để thăm khám với bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị bệnh lý nhãn khoa đau mắt đỏ. Bởi đau mắt đỏ phát sinh do nguyên nhân khác nhau cần thuốc điều trị khác nhau. Ví dụ như, đau mắt đỏ do vi khuẩn cần thuốc kháng sinh để điều trị; trong khi đó, đau mắt đỏ do virus cần thuốc kháng virus còn đau mắt đỏ do dị ứng cần thuốc kháng histamin. Khi và chỉ khi thăm khám với bác sĩ, bạn và người thân mới được chẩn đoán xác định nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.