Bạn có kế hoạch mang thai trong tương lai và dự định tiêm một vài loại vắc xin để bảo vệ bản thân và em bé sau này. Nhưng bạn không biết cần tiêm những loại nào và có cần làm xét nghiệm gì khi đi tiêm vắc xin hay không?
Bạn đang đọc: Giải đáp có cần xét nghiệm khi đi tiêm vắc xin trước mang thai
1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng trước khi mang thai
Tiêm phòng trước khi mang thai giúp mẹ và thai nhi có thể phòng tránh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì trong thời gian mang thai, phụ nữ rất dễ bị bệnh do hệ thống miễn dịch hoạt động kém hơn bình thường, sức đề kháng yếu ớt. Một khi mẹ nhiễm bệnh thì sẽ dễ dàng lây nhiễm sang thai nhi, có thể khiến thai nhi bị dị tật, chết lưu hoặc sinh non. Khi nhiễm bệnh dù có sự can thiệp y tế thì vẫn có thể nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của thai phụ lẫn thai nhi.
Theo các chuyên gia y tế, nữ giới trước khi mang thai nên tiêm phòng các loại vắc xin:
– Thủy đậu.
– Sởi.
– Quai bị.
– Rubella.
– Viêm gan B.
– Cúm.
– Bạch hầu.
– Ho gà.
– Uốn ván.
– HPV.
Các loại vắc xin được thực hiện ở từng thời điểm khác nhau chứ không thực hiện cùng một lúc. Vì vậy nữ giới cần chuẩn bị cho việc tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất 6 tháng – 1 năm.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh thì nữ giới cần hoàn thành các mũi tiêm vắc xin cần thiết
2. Có cần xét nghiệm máu khi đi tiêm vắc xin?
Bên cạnh việc cần tiêm những loại vắc xin gì để có một thai kỳ khỏe mạnh thì không ít người thắc mắc rằng “Khi đi tiêm vắc xin trước mang thai thì có cần làm xét nghiệm hay không?”
Hiện nay, chỉ có vắc xin phòng bệnh viêm gan B mới cần làm xét nghiệm máu trước tiêm. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ mới có thể biết được bạn có nhiễm virus hay chưa hoặc có lượng kháng thể phòng bệnh ở mức nào. Từ đó đưa ra phác đồ tiêm chủng phù hợp cho bạn.
Trong trường hợp sau, bạn cần tiêm đầy đủ liều cơ bản (3 mũi). Lịch tiêm ngừa có thể kéo dài trong 6 tháng.
– Chưa từng nhiễm viêm gan B.
– Không có kháng thể.
– Kháng thể từ liều tiêm trước không đủ khả năng bảo vệ.
Với vắc xin phòng bệnh viêm gan B thì cần thực hiện xét nghiệm máu trước khi tiêm
3. Các loại vắc xin không cần làm xét nghiệm máu trước khi tiêm
3.1. Vắc xin ngăn ngừa ba bệnh sởi – quai bị – rubella
Sởi, quai bị và rubella là 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cả mẹ và bé:
– Nếu mẹ mắc bệnh sởi thì nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Nhiễm bệnh trong quá trình mang thai còn có thể gây ra sinh non, thai lưu hoặc sảy thai.
– Nếu mẹ mắc bệnh quai bị thì có thể làm viêm nhiễm buồng trứng và phá hủy tế bào trứng. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Cũng tương tự như sởi, bệnh này gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai lưu. Nguy cơ tăng cao hơn nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong kỳ đầu và kỳ cuối trong quá trình mang thai.
– Nếu mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Đây là loại virus tấn công gây tổn thương đến não, tai, mắt và tim của thai nhi. Khi bé chào đời thì có nguy cơ đối mặt với di chứng nặng nề như: mù, điếc, xuất huyết dưới da, bệnh tim bẩm sinh,…
Vì vậy, nữ giới cần hoàn thành phác đồ tiêm chủng 3 bệnh này trước khi mang thai ba tháng.
3.2. Đi tiêm vắc xin thủy đậu không cần làm xét nghiệm
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm vẫn có thể mắc ở người trưởng thành dù lúc nhỏ không bị. Tuy đã mắc và khỏi bệnh thì virus này vẫn lưu lại ở hạch thần kinh có thể gây ra bệnh giời leo. Hơn nữa, virus thủy đậu có thể truyền qua nhau thai gây thủy đậu bẩm sinh, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm sau sinh ở bé như:
– Dị tật.
– Bại não.
– Viêm phổi.
Với trường hợp đã tiêm phòng thủy đậu từ khi còn nhỏ, nữ giới vẫn nên tiêm thêm một mũi để tăng cường cho hệ miễn dịch khi mang thai. Tốt nhất nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng.
Tìm hiểu thêm: Thông tin về việc vắc xin HPV Gardasil 9 mở rộng độ tuổi
Nữ giới cần tiêm phòng thủy đậu trước mang thai tốt nhất là 3 tháng
3.3. Vắc xin HPV
Vắc xin HPV là loại vắc xin phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh nguy hiểm do virus HPV gây ra. Vắc xin được đánh giá là quan trọng đối với nữ giới, cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Vắc xin HPV không có khuyến cáo làm xét nghiệm trước khi tiêm. Vắc xin gồm 3 mũi, thực hiện trong 6 tháng. Nếu mang thai, bạn cần tạm ngừng tiêm để không ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, khi có dự định mang thai trong tương lai, bạn cần tính toán thời gian phù hợp để thực hiện xong lịch tiêm cơ bản của vắc xin HPV.
3.4. Đi tiêm vắc xin cúm không cần làm xét nghiệm máu
Cúm là bệnh truyền nhiễm thường gặp hiện nay, không phân biệt đối tượng. Nếu phụ nữ mang thai mắc cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Vì vậy, tiêm phòng cúm là rất cần thiết không chỉ có ý định mang thai trong tương lai mà cần thực hiện tiêm phòng hàng năm. Với người muốn có em bé thì thời điểm tiêm phòng cúm tốt nhất là trước 1 tháng khi mang thai. Lúc này vắc xin có thể phát huy khả năng bảo vệ cao nhất.
3.5. Vắc xin phòng ba bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván
Phụ nữ không nên bỏ qua vắc xin phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Nguyên nhân là vì:
– Bệnh uốn ván có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh.
– Bệnh bạch hầu và ho gà lây truyền qua đường hô hấp nên thai phụ rất dễ nhiễm bệnh.
Hiện nay, có loại vắc xin phối hợp phòng cùng lúc 3 bệnh trên chỉ với 1 lần tiêm duy nhất. Nữ giới thực hiện tiêm trước khi mang thai mà không cần phải làm bất kỳ xét nghiệm máu nào.
>>>>>Xem thêm: Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ sơ sinh
Tiêm phòng là giải pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ cho mẹ và bé
Như vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh, nữ giới cần hoàn thành các mũi tiêm cần thiết trước khi thụ thai. Hầu hết các loại vắc xin đều không cần làm xét nghiệm máu trước khi tiêm. Duy nhất có vắc xin phòng bệnh viêm gan B là nữ giới cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra, đánh giá trong quá trình đi tiêm vắc xin trước mang thai.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.