Sỏi niệu đạo có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy câu hỏi sỏi niệu đạo có nguy hiểm không sẽ được giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Bạn đang đọc: Giải đáp mắc sỏi niệu đạo có nguy hiểm không
1. Sỏi niệu đạo là gì?
Sỏi niệu đạo là sỏi xuất hiện tại đường ống dẫn nước tiểu mà không bài xuất được ra bên ngoài cơ thể thông qua quá trình đi tiểu. Sỏi kẹt tại niệu đạo chủ yếu là do sỏi đường tiết niệu phía trên di chuyển xuống là sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi thận. Thông thường sỏi sẽ có một viên và có ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.
2. Mối nguy hiểm của sỏi niệu đạo người bệnh cần lưu ý
2.1 Những ảnh hưởng ban đầu của sỏi niệu đạo đối với sức khỏe
Niệu đạo là một đường ống duy nhất dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Vì vậy khi sỏi kẹt tại niệu đạo lâu ngày và đạt đến những kích thước gây khó khăn trong việc di chuyển ra bên ngoài, sẽ dễ hình thành những triệu chứng gây gián đoạn quá trình sinh hoạt và làm việc hiệu quả.
– Tiểu khó, bí tiểu, tiểu đau, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu không hết nước hoàn toàn, đi tiểu nhiều lần
– Tia tiểu nhỏ, yếu, đột ngột ngắt quãng hoặc dừng
– Nước tiểu có thể lẫn máu – nước tiểu màu hồng nhạt
– Xuất hiện cơn đau bàng quang bụng dưới, đau bộ phận sinh dục khi đi tiểu, cơn đau có thể tăng khi nước tiểu không được đào thải ra ngoài gây áp lực và căng phồng cho bàng quang. Trong trường hợp nước tiểu hoàn toàn không được đưa ra ngoài, người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời để thông tiểu
2.2 Sỏi niệu đạo có nguy hiểm không – Biến chứng của sỏi niệu đạo ảnh hưởng đến niệu đạo, bàng quang
Nước tiểu liên tục không được đào thải hoàn toàn, ứ đọng lâu trong bàng quang có thể tiến triển thành những biến chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Đầu tiên là tăng nguy cơ hình thành sỏi bàng quang khi nước tiểu ứ đọng mà không bài xuất được ra bên ngoài. Tiếp theo khi sỏi cọ xát liên tục vào niệu đạo gây trầy xước, chảy máu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu không được điều trị triệt để sẽ gây khó khăn cho quá trình sử dụng các phương pháp điều trị tán sỏi công nghệ cao.
2.3 Sỏi niệu đạo có nguy hiểm không – Biến chứng ảnh hưởng đến niệu quản, thận
Diễn biến tiếp tục ảnh hưởng xa hơn là nước tiểu sẽ đẩy ngược vào niệu quản và lên thận gây giãn niệu quản, thận ứ nước, giãn đài bể thận, thận ứ mủ. Các tình trạng này kéo dài khiến chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu và bài tiết bị ảnh hưởng khiến sức khỏe cũng suy giảm nhanh chóng. Tiếp tục giữ sỏi người bệnh có thể phải cắt bỏ thận, ghép thận hoặc chạy thận suốt đời.
Sỏi niệu đạo hoặc ngay cả sỏi bàng quang, sỏi thận nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu
3. Điều trị triệt để sỏi niệu đạo hạn chế đối mặt với biến chứng
Ngay khi xác định được chính xác tình trạng bệnh thông qua những xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
3.1 Điều trị nội khoa sỏi niệu đạo
Trường hợp bệnh nhân được nhận định có thể sử dụng thuốc để bào mòn sỏi, làm giãn cơ trơn… để có thể tống xuất sỏi ra ngoài, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị theo phương pháp này. Người bệnh nên phối kết hợp chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao điều độ để kết quả điều trị đạt hiệu quả. Tuyệt đối sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc của bệnh nhân khác…
3.2 Điều trị ngoại khoa ít xâm lấn sỏi niệu đạo
Khi sỏi niệu đạo không có khả năng di chuyển ra bên ngoài, tiếp tục giữ sỏi sẽ khiến người bệnh nhanh chóng phải đối mặt với biến chứng thì điều trị ngoại khoa bằng phương pháp tán sỏi công nghệ cao sẽ được chỉ định sử dụng. Cụ thể là tán sỏi nội soi ngược dòng, với kỹ thuật tán sỏi niệu đạo qua đường tự nhiên của cơ thể này người bệnh vừa có cơ hội loại sạch sỏi đồng thời hạn chế tối đa xâm lấn giúp ít đau, nhanh phục hồi, giảm biến chứng hậu phẫu. Cũng như tên gọi của phương pháp tán sỏi công nghệ cao này, sỏi sẽ được loại bỏ hoàn toàn qua quá trình nội soi đi ngược từ lỗ tiểu vào niệu đạo và sử dụng năng lượng laser bắn phá sỏi thành vụn nhỏ để đưa ra ngoài.
Lưu ý cần thiết cho người bệnh sau tán sỏi niệu đạo là phải theo dõi tình trạng sức khỏe và báo ngay cho bác sĩ các tình trạng, vấn để như bác sĩ nhắc nhở như: Tiểu máu, tiểu đau buốt, các cơn đau hay gặp tình trạng sốt cao, buồn nôn. Đặc biệt phải tái khám theo lịch trình yêu cầu để đánh giá được hiệu quả sạch sỏi và điều trị bổ sung nếu cần thiết.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về bệnh viêm đường tiết niệu
Bệnh nhân thực hiện tán sỏi niệu đạo tại Thu Cúc TCI
3.2 Lưu ý quan trọng trong điều trị sỏi niệu đạo
Không chỉ dừng lại ở việc điều trị sỏi niệu đạo, bệnh nhân cần điều trị triệt để nguyên nhân gây sỏi. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sỏi niệu đạo như đã nói ở phía trên là do sỏi đường tiết niệu trên rơi xuống. Do vậy nếu người bệnh vẫn còn sỏi thận, sỏi bàng quang hay sỏi niệu quản dù là một viên hay nhiều viên với kích thước lớn hoặc nhỏ thì đều cần xử lý triệt để, tránh sỏi tiếp tục rơi kẹt tại niệu đạo.
Trong và sau quá trình điều trị sỏi niệu đạo nói chung người bệnh nên uống nhiều nước, tránh nhịn tiểu, tránh ngồi lâu một chỗ, tránh ăn nhiều muối, đạm động vật. Nên sử dụng nhiều rau xanh, sử dụng các loại nước ép hoa quả như nước cam, bưởi, chanh… Và đặc biệt nên luyện tập thể dục hoạt động thể chất hàng ngày bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe để dự phòng nguy cơ sỏi tái phát.
>>>>>Xem thêm: Phương pháp nội soi tán sỏi niệu quản – Hiệu quả và chi phí
Để bảo vệ và dự phòng những nguy cơ mắc sỏi tiết niệu như sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo người bệnh nên uống đủ nước
Vậy là sỏi niệu đạo có gây ra những nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh nếu không kịp thời điều trị. Do vậy phát hiện bệnh sớm và chủ động điều trị sẽ gia tăng hiệu quả điều trị, giúp quá trình điều trị đơn giản hơn. Và từ đó cũng hạn chế những biến chứng rình rập có thể ập đến bất cứ lúc nào nếu chủ quan giữ sỏi trong người hoặc điều trị bằng những phương pháp không chính thống, không được cấp phép.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.