Siêu âm nội soi (EUS) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh kết hợp siêu âm với nội soi đường tiêu hóa. Để hiểu rõ siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì trong việc đánh giá sức khỏe, phát hiện và điều trị các bệnh lý, bạn đọc hãy tham khảo bài viết sau đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.
Bạn đang đọc: [Giải đáp] Siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì?
1. Định nghĩa siêu âm nội soi (EUS)
Là kỹ thuật kết hợp giữa nội soi và siêu âm, siêu âm nội soi (EUS) sử dụng đầu dò siêu âm áp sát các tổn thương cần thăm dò qua đường nội soi ống tiêu hóa. Phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng. Đồng thời EUS cũng được sử dụng để kiểm tra các cơ quan gần đường tiêu hóa gồm: gan, túi mật, tuyến tụy, phổi, các hạch bạch huyết,…
Đầu dò siêu âm có kích thước nhỏ được tích hợp trên đầu ống nội soi. Sóng âm thanh cao tần được phát ra nhằm ghi lại những hình ảnh siêu âm. Hình ảnh siêu âm thu được lúc này có chất lượng và độ chính xác cao hơn so với siêu âm cổ điển bên ngoài cơ thể.
Siêu âm nội soi (EUS) có khả năng đánh giá mức độ xâm lấn của tổn thương tại thành ống tiêu hóa. Từ đó, bác sĩ xác định giai đoạn của tổn thương cũng như đưa ra hướng can thiệp phù hợp. EUS kết hợp với MCE (nội soi phóng đại nhuộm màu) tạo thành công nghệ nội soi cao cấp MCU, được tiên phong ứng dụng tại Thu Cúc TCI.
2. Vai trò của siêu âm nội soi (EUS)
Kỹ thuật siêu âm nội soi (EUS) thu được hình ảnh siêu âm cung cấp nhiều thông tin hơn so với một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Cụ thể, kỹ thuật này có các ý nghĩa như sau:
2.1. Siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì? – Chẩn đoán bệnh lý
EUS được ứng dụng để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa và một số cơ quan lân cận:
– U dưới biểu mô đường tiêu hóa: Siêu âm nội soi phân biệt tổn thương dưới biểu mô bắt nguồn từ chèn ép bên ngoài hay khối u thuộc thành ống tiêu hóa. EUS đồng thời cho phép đánh giá vị trí, kích thước, lớp, bờ, cấu trúc âm, phân bố mạch máu của tổn thương, quan hệ của tổn thương với các cơ quan, hạch bất thường lân cận.
– Ung thư đường tiêu hóa: Xác định giai đoạn ung thư, mức độ xâm lấn và lan rộng đến các tuyến bạch huyết hay cấu trúc lân cận.
– Chẩn đoán nguyên nhân sụt cân bất thường, đau bụng kéo dài, đại tiện không tự chủ,…
– Chẩn đoán giai đoạn ung thư tuyến tụy, ung thư phổi.
– Đánh giá các bệnh lý về tụy: U nang tuyến tụy, viêm tụy mạn tính,…
– Chẩn đoán sỏi mật, u gan, kiểm tra tình trạng tăng sinh bất thường khác trong ống mật.
– Đánh giá các khối u, tổn thương đường tiêu hóa và tại một số cơ quan nội tạng khác đã được phát hiện trong nội soi, chụp X-quang, chụp CT,… trước đó.
– Đánh giá độ dày niêm mạc đường tiêu hóa.
– Đánh giá giai đoạn u bóng Vater – một trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa hiếm gặp.
Tìm hiểu thêm: Khó nuốt do trào ngược dạ dày thực quản: Lý giải cơ chế
2.2. Siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì? – Ứng dụng trong thủ thuật can thiệp
Siêu âm nội soi cũng được ứng dụng trong một số thủ thuật can thiệp như:
– Hỗ trợ điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa: EUS xác định mức độ xâm lấn của tổn thương, kết hợp kỹ thuật phóng đại nhuộm màu và sinh thiết tức thì xác định tính chất của tổn thương. Từ đó, bác sĩ có thể can thiệp loại bỏ các tổ chức tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm ngay trong quá trình nội soi, không cần phẫu thuật mở ổ bụng. Thu Cúc TCI hiện đang ứng dụng kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) và cắt tách dưới niêm mạc (ESD) giúp loại bỏ trọn khối tổn thương, ngăn ngừa biến chứng chảy máu, biến chứng thủng.
– Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn của nội soi siêu âm (còn gọi là EUS-FNA) nhằm chẩn đoán xác định bệnh lý. Thủ thuật chọc hút có thể được tiến hành tại: thành ống tiêu hóa, tụy, đường mật, gan, tuyến thượng thận, hạch lympho, khối sau phúc mạc, tổn thương trung thất sau.
– Hỗ trợ thực hiện dẫn lưu nang giả cũng như các tụ dịch bất thường khác trong ổ bụng.
– Hỗ trợ nhắm mục tiêu giúp phân phối thuốc và gan, tuyến tụy và một số cơ quan khác.
– Phong bế đám rối và hạch thân tạng giúp điều trị giảm đau cho người bệnh viêm tụy mạn và ung thư tụy.
3. Quy trình thực hiện siêu âm nội soi (EUS)
Sau khi nắm được siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì, hãy tiếp tục tìm hiểu quy trình thực hiện kỹ thuật thăm dò chức năng này.
3.1. Chuẩn bị trước khi tiến hành siêu âm nội soi (EUS)
– Người bệnh nhịn ăn ít nhất 6 tiếng và nhịn uống ít nhất 2 tiếng trước khi tiến hành siêu âm nội soi.
– Người bệnh làm sạch đường tiêu hóa trước khi nội soi nhằm đảm bảo hiệu quả chẩn đoán và an toàn cho quá trình thực hiện.
– Ngưng sử dụng một số loại thuốc trước khi siêu âm nội soi theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn việc dùng thuốc cho những người mắc bệnh lý mãn tính như: huyết áp cao, tiểu đường,…
– Hầu hết trường hợp siêu âm nội soi sẽ được gây mê (nội soi không đau). Do đó người bệnh có thể đi cùng người thân để hỗ trợ làm thủ tục và đưa người bệnh về sau khi hoàn tất nội soi.
3.2. Thực hiện siêu âm nội soi (EUS)
Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ, mềm dẻo và linh hoạt vào đường tiêu hóa qua đường miệng/mũi hoặc hậu môn. Đầu dò gắn ở đầu ống nội soi sẽ tạo ra sóng âm thanh và ghi lại hình ảnh siêu âm tại các vùng cần kiểm tra.
Trong trường hợp nội soi kết hợp với sinh thiết, bác sĩ sẽ đưa kìm sinh thiết vào đường tiêu hóa qua ống nội soi. Kìm sinh thiết sẽ lấy mẫu để tiến hành xét nghiệm mô bệnh học. Tại TCI, kết quả xét nghiệm chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa sẽ có sau vài giờ, thay vì 5 – 7 ngày như thông thường.
>>>>>Xem thêm: Chế độ ăn cho người bệnh viêm loét dạ dày
3.3. Sau khi tiến hành siêu âm nội soi (EUS)
Sau khi hoàn tất siêu âm nội soi, người bệnh sẽ nhận kết quả nội soi và đọc kết quả với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị, theo dõi phù hợp cho từng người bệnh. Người bệnh sau đó có thể trở về nhà, ăn uống và sinh hoạt bình thường nếu không có các hướng dẫn đặc biệt từ bác sĩ.
Như vậy câu hỏi “Siêu âm nội soi (EUS) có tác dụng gì?” đã được giải đáp chi tiết trong bài viết. EUS là kỹ thuật siêu âm tiếp cận gần nhất các mô ở vị trí cần kiểm tra, hình ảnh thường chi tiết và chính xác hơn phương pháp siêu âm ngoài cơ thể. Dựa vào hình ảnh siêu âm nội soi, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về giai đoạn của tổn thương và đưa ra hướng can thiệp y khoa hiệu quả.