Giải đáp thắc mắc: Có nên đi khám tiền hôn nhân hay không?

Có nên đi khám tiền hôn nhân không, khám tiền hôn nhân là gì, có những danh mục nào trong gói khám tiền hôn nhân?… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên và có hiểu biết tổng quan về dịch vụ khám tiền hôn nhân.

1. Hiểu đúng về khám tiền hôn nhân

Khám tiền hôn nhân là quy trình kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản của nam hoặc nữ giới trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, khái niệm này đang bị nhiều người hiểu nhầm, thực chất, khám tiền hôn nhân không chỉ dành cho người sắp bước vào cuộc sống hôn nhân.

1. 1. Có nên đi khám tiền hôn nhân trước khi tổ chức đám cưới?

Câu trả lời chắc chắn là có, bởi khám tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi hiểu rõ về tình trạng sức khỏe tổng quát, đặc biệt là khả năng sinh sản của bản thân. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các bác sĩ chuyên khoa đưa ra lời tư vấn cho cặp đôi về đời sống sinh hoạt tình dục lành mạnh. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường trong giai đoạn này, bạn sẽ được chỉ định điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới quá trình sinh hoạt sau này.

Tuy nhiên, có rất nhiều người lại lo sợ việc phát hiện bệnh tật trong giai đoạn trước hôn nhân, đặc biệt là các bệnh lý về sinh sản sẽ ảnh hưởng tới tình cảm của cặp đôi. Nhưng bạn cần phải hiểu rõ vai trò của việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Khi bệnh lý tiến triển nặng, ảnh hưởng tới đời sống hoặc khả năng sinh sản trong tương lai sẽ càng khiến mối quan hệ của cặp đôi đi xuống. Vì thế, thay vì lo sợ, bạn nên thể hiện trách nhiệm với người bạn đời bằng việc chủ động đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Giải đáp thắc mắc: Có nên đi khám tiền hôn nhân hay không?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là cách thể hiện trách nhiệm với người bạn đời của bạn

1.2. Có nên khám tiền hôn nhân trước khi chuẩn bị mang thai?

Kết quả khám sức khỏe thông thường được công nhận trong thời gian tối đa là 12 tháng. Nên nếu bạn kết hôn đã lâu hoặc đã khám tiền hôn nhân quá 12 tháng thì bạn nên tái khám khi có ý định mang thai. Trong giai đoạn này, từ những kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các kiến thức để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Đồng thời, bạn sẽ được kiểm tra loại trừ nguy cơ dị tật, bệnh lý di truyền cho em bé trong tương lai.

1.3. Người độc thân có nên đi khám tiền hôn nhân?

Khám tiền hôn nhân có trọng tâm chính là các bài kiểm tra sức khỏe sinh sản. Vì thế, không cần chờ tới khi lập gia đình bạn mới có thể tham gia thăm khám. Ngay từ khi các cơ quan sinh dục phát triển đầy đủ, bạn hoàn toàn có thể kiểm tra sức khỏe sinh sản. Cũng như khi khám sức khỏe xin việc hay đi học, việc nắm rõ sức khỏe sinh sản sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và có cách chăm sóc phù hợp.

2. Thời điểm nào nên tiến hành khám tiền hôn nhân?

Như giải thích ở trên, bạn hoàn toàn có thể tham gia khám tiền hôn nhân với mục đích kiểm tra khả năng sinh sản bất cứ khi nào bạn muốn. Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia về việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân:

  • Với những người có ý định lập gia đình thì nên đi khám trước đó tối thiểu 3 – 6 tháng.
  • Người có ý định mang thai nên đi khám trước thời điểm định mang bầu khoảng 3 – 6 tháng.
  • Với những người ở độ tuổi sinh sản, các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên đi khám 1 – 2 năm/lần.
  • Người ở độ tuổi 40 trở lên nên đi khám sức khỏe sinh sản 2 lần/năm. Bởi ở giai đoạn này, cơ thể chúng ta dễ mắc các bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng hay ung thư tử cung.

Giải đáp thắc mắc: Có nên đi khám tiền hôn nhân hay không?

Người độc thân hoàn toàn có thể chủ động tham gia khám sức khỏe sinh sản

3. Khám tiền hôn nhân có những danh mục nào?

Sau khi giải quyết câu hỏi có nên đi khám tiền hôn nhân hay không, nhiều người hẳn sẽ thắc mắc khám tiền hôn nhân gồm những danh mục nào? Chúng tôi xin phép được trả lời như sau: Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn sẽ được kiểm tra sức khỏe chung, xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, kiểm tra yếu tố truyền nhiễm và di truyền… Và danh mục khám ở nam và nữ giới sẽ có nhiều điểm khác nhau ở danh mục kiểm tra sức khỏe sinh sản. Lý do bởi cấu tạo và chức năng giới tính của cơ quan sinh dục ở hai giới có sự phân hóa rõ ràng. 

Danh mục khám tiền hôn nhân cho nam giới Danh mục khám tiền hôn nhân cho nữ giới
  • Khám tổng quát: đo cân nặng, chiều cao, kiểm tra huyết áp…
  • Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang…
  • Khám bộ phận sinh dục và những biểu hiện của sự phát triển tính dục như cương cứng, xuất tinh…
  • Kiểm tra tinh dịch đồ
  • Đánh giá hoóc-môn
  • Kiểm tra di truyền
  • Khám tổng quát: đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp…
  • Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang…
  • Khám phụ khoa lâm sàng: thăm khám bằng tay, siêu âm đầu dò, siêu âm ổ bụng…
  • Xét nghiệm dịch âm đạo
  • Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm tử cung, cổ tử cung, buồng trứng…

Giải đáp thắc mắc: Có nên đi khám tiền hôn nhân hay không?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm danh mục khám tổng quát và cận lâm sàng

4. Lưu ý khi khám sức khỏe tiền hôn nhân

  • Cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân như chu kỳ kinh nguyệt, tình trạng xuất tinh, quan hệ tình dục… Rất nhiều người  không theo dõi hoặc ngại ngùng khi đề cập những thông tin này, nhưng đây là cơ sở quan trọng để bác sĩ có thể đưa ra kết luận về sức khỏe sinh sản của các cặp đôi.
  • Cung cấp thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình (nếu có). Hiện nay, có nhiều bệnh lý nguy hiểm có tính di truyền, ví dụ như ung thư. Khi khai thác được thông tin về tiền sử bệnh lý, các bác sĩ có thể chỉ định bạn tham gia các xét nghiệm chuyên sâu hơn để đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của bạn
  • Nữ giới không nên đi khám trong kỳ kinh nguyệt hay đang đặt thuốc âm đạo.
  • Trước khi khám sức khỏe tiền hôn nhân 3 ngày, người khám cần kiêng quan hệ tình dục.
  • Nên mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi để tiện thực hiện các danh mục xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
  • Nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước khi khám để chuẩn bị cho các xét nghiệm. Lưu ý với một số xét nghiệm quan trọng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn lâu hơn.
  • Không sử dụng chất kích thích như ma túy, thuốc lá, rượu bia.

Giải đáp thắc mắc: Có nên đi khám tiền hôn nhân hay không?

Khám tiên hôn nhân gồm nhiều danh mục xét nghiệm yêu cầu người tham gia phải nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng

Chi phí khám tiền hôn nhân tùy thuộc vào quy định của từng cơ sở y tế và đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định khám tiền hôn nhân của các cặp đôi. Nhưng nhìn chung dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân không quá cao và lợi ích nó mang lại là rất lớn, giúp các cặp đôi an tâm xây dựng hạnh phúc gia đình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *