Sốt virus ở trẻ em thường là bệnh lành tính. Nếu được xử trí và chăm sóc tốt, bé sẽ khỏi bệnh và không để lại biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường biểu hiện bằng cơn sốt cao, đột ngột có thể lên tới 39-40 độ C, tốc độ lây lan rất nhanh, do đó khiến các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Cùng đọc để hiểu sốt virus ở trẻ em bao lâu thì khỏi và có cách xử trí đúng khi trẻ bị sốt virus.
Bạn đang đọc: Giải đáp thắc mắc: Sốt virus ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
1. Sốt virus ở trẻ em là gì?
Sốt virus hay sốt siêu vi thường sốt cao có thể lên tới 38-39 độ C
Hiện tượng sốt virus gặp ở trẻ em còn gọi là sốt siêu vi. Đây là bệnh lý thường gặp, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng lên vào thời điểm giao mùa. Virus gồm rất nhiều loại và các chủng khác nhau. Theo thống kê trên thế giới hiện nay, có tới 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết và có tới hàng triệu dạng virus khác nhau, mỗi loại virus lại được phân ra thành rất nhiều chủng.
Điều đặc biệt, là virus không có thuốc điều trị dứt điểm như vi khuẩn (vi khuẩn có thuốc kháng sinh để điều trị dứt điểm). Điều trị virus chủ yếu là điều trị kết hợp với chăm sóc làm giảm nhẹ các triệu chứng, sau một thời gian hệ miễn dịch trong cơ thể bé sẽ tự “đào thải” virus, bệnh của con sẽ tự khỏi.
Hiện nay, có một số loại thuốc kháng virus hay thuốc chống virus. Tuy nhiên, phần lớn sốt virus ở trẻ em là những virus hay gặp và lành tính. Vì vậy việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus cần có sự cân nhắc thật kỹ và có chỉ định từ bác sĩ nhi khoa, dựa trên căn cứ vào tình trạng bệnh, loại virus, mức độ nguy hiểm và sức khỏe của con.
2. Nguyên nhân gây sốt virus ở trẻ em
Sốt virus thường do các loại virus sống ký sinh ở đường hô hấp, tiêu hóa gây nên. Một số loại virus gây bệnh hay gặp là: Entero virus, Coxakie, Myxo virus, Sởi, Rubella…
Trẻ bị sốt virus có thể do tự nhiễm bệnh hoặc bị lây từ người khác, trẻ khác.
– Tự nhiễm bệnh: ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm, vệ sinh cá nhân đặc biệt là vệ sinh tay trẻ không sạch sẽ, môi trường sống ô nhiễm (khói, bụi, hóa chất,…), cảm lạnh,… khiến virus xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây bệnh.
– Do lây truyền: những loại virus này có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác, trẻ sang người lớn hoặc người lớn sang trẻ một cách dễ dàng khi ho, hắt hơi… qua tiếp xúc gần. Người lớn có thể là người lành mang trùng (người có mang virus ở vùng mũi họng nhưng không bị sốt) và lây virus sang cho trẻ khi chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với trẻ như bế, thơm trẻ… Ngoài ra, virus có thể tồn tại trên các đồ vật như nền nhà, bàn ghế, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, các đồ dùng cá nhân của người bị nhiễm virus. Do đó, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lớn hay những trẻ đang có biểu hiện mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
3. Trẻ bị sốt virus thường kéo dài bao lâu?
Tìm hiểu thêm: Nguyên tắc điều trị viêm họng liên cầu khuẩn cho trẻ
Sốt siêu vi khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, sức đề kháng kém
– Đa số trẻ sốt virus thường kéo dài trong 3 ngày, một số ít trường hợp kéo dài đến 5 hoặc 7 ngày.
– Phần lớn sốt virus không gây nguy hiểm cho trẻ, một số ít trường hợp có thể có co giật do sốt cao.
– Một số trẻ sau sốt virus có thể bị bội nhiễm vi khuẩn biểu hiện như: trẻ ho tăng lên, sốt trở lại… Trường hợp này cần tái khám để bác sĩ kê thuốc kháng sinh.
– Một số trẻ sau sốt virus có thể có phát ban, ban đỏ thường khởi phát ở vùng đầu sau đó lan xuống cổ, ngực, bụng, lưng… . Nếu ban ít thì trẻ sẽ không ngứa và không có biểu hiện khó chịu như quấy khóc, … trường hợp này không cần điều trị gì sau vài ngày ban sẽ tự bay đi. Nếu ban mọc nhiều và dày trẻ sẽ có biểu hiện khó chịu như quấy khóc, dụi mắt, gãi nhiều… trường hợp này cần phải cho trẻ uống thuốc kháng Histamin.
4. Các biện pháp xử trí khi trẻ bị sốt virus
4.1 Cặp nhiệt độ
Chính xác nhất là dùng nhiệt kế thủy ngân cặp ở nách hoặc hậu môn trong 5 phút. Chú ý trước khi cặp phải vẩy nhiệt kế cho cột thủy ngân về mức thấp nhất.
4.2 Uống thuốc hạ sốt
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5ºC; giữa các lần uống thuốc cách nhau ít nhất từ 4 – 6 giờ và không quá 6 lần/24h. Thuốc thường dùng là: Paracetamol với liều từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần. Ngoài ra cho trẻ mặc quần áo mỏng, lau trán – nách – bẹn bằng khăn nhúng nước ấm. Tuyệt đối không chườm bằng khăn nhúng nước lạnh.
4.3 Thuốc chống co giật
Nếu trẻ sốt cao trên 39ºC, có biểu hiện run chân tay… có nguy cơ co giật phải cho trẻ uống thêm thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ.
4.4 Bù nước và điện giải
– Với trẻ nhỏ: cho trẻ bú nhiều hơn bình thường.
– Với trẻ lớn hơn: cho trẻ uống nhiều nước Oresol theo nhu cầu.
4.5 Chống bội nhiễm
Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 3 – 4 lần/ngày, mỗi bên mũi từ 2 – 4 giọt để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
4.6 Dinh dưỡng
Nên cho trẻ ăn những đồ ăn dễ tiêu như cháo, súp… có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu cần. Cho trẻ uống thêm nước hoa quả nếu trẻ không bị tiêu chảy phân lỏng.
5. Cần cho bé đi khám ngay khi nào?
>>>>>Xem thêm: Bé bị sốt không rõ nguyên nhân mẹ đừng bỏ qua điều này
Thăm khám kịp thời sẽ giúp con nhanh khỏi, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm
Phụ huynh cần cho bé đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa nhi, khám ngay khi con có biểu hiện sau:
– Sốt trên 38,5 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt (uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, hết thuốc bé lại sốt).
– Trẻ ngủ li bì, mệt mỏi, bỏ ăn.
– Bé kêu đau đầu nhiều, xuất hiện tình trạng co giật.
– Có biểu hiện nôn khan, buồn nôn nhiều lần trong ngày.
– Sốt kéo dài trên 5 ngày đã áp dụng các biện pháp chăm sóc trên nhưng không đỡ.
Nên cho con đi khám cấp cứu khi:
– Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi sốt cao, nghi ngờ sốt virus.
– Trẻ sốt cao co giật.
– Trẻ mất ý thức hoặc thay đổi trí giác.
– Khó thở, thở nhanh.
– Trẻ có tiền sử mắc bệnh mãn tính kéo dài đang điều trị thuốc kéo dài.
6. Phòng ngừa sốt virus ở trẻ em
– Ăn chín, uống sôi; thức ăn, nước uống cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
– Vệ sinh môi trường sống, cá nhân cho trẻ sạch sẽ. Người chăm sóc trẻ hàng ngày hay tiếp xúc gần với trẻ, cần vệ sinh sạch sẽ trước khi ôm, bế bé.
– Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho con
– Theo dõi các biểu hiện của trẻ, nếu có dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên cho con đi thăm khám với bác sĩ nhi khoa. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh hay cho trẻ uống các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp phụ huynh phần nào yên tâm hơn khi bé bị sốt virus và cách xử trí tốt cho con. Hãy tham khảo thêm các bài viết ở chuyên mục “Bệnh trẻ em” để có thêm kiến thức giúp quá trình chăm sóc bé được tốt hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.