Có cách làm tan xương cá nào nhanh chóng, an toàn và giải quyết vấn đề hóc nhanh chóng? Đây là một trong những vấn đề mà ai cũng mong muốn tìm lời giải đáp. Nhưng không phải vì thế mà bạn sẽ áp dụng mọi mẹo được chỉ để chữa hóc. Hãy tìm câu trả lời cho vấn đề này và cùng tìm cách chữa hóc xương cá phù hợp, hiệu quả để luôn sẵn sàng đối phó với tình huống này.
Bạn đang đọc: Giải đáp thắc mắc về cách làm tan xương cá
1. Một số lời đồn về cách làm tan xương cá
1.1. Biến chứng do xương cá và những mẹo liên quan
Hóc xương cá là một trong những tai nạn dị vật tai mũi họng rất dễ xảy ra, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Tình huống này thường do những bất cẩn hoặc vô tình trong ăn uống gây nên. Dù dễ gặp, nhưng hóc xương cá có thể để lại nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, gây biến chứng áp xe cổ, ngực, bụng, mưng mủ, nhiễm trùng huyết, thủng ruột, viêm phúc mạc. Thậm chí, hóc xương cá có thể gây nguy cơ tử vong trong nhiều tình huống.
Dù chưa biết hết những nguy hiểm của hóc xương cá, nhưng nhìn chung, chúng ta đều mong muốn giải quyết nhanh tình trạng này bởi những triệu chứng mà xương cá bị mắc lại gây ra. Trong đó, nhiều mẹo được đưa ra giúp làm tan xương cá như: ngậm chanh, uống giấm, soda, ngậm C sủi,…
Có nhiều mẹo thường được nghĩ đến khi chữa hóc, dù chưa được kiểm chứng
1.2. Nhận định về mẹo tan xương cá
Theo nhiều người, những mẹo trên có thể sử dụng độ chua hoặc ga để làm xương cá mềm và tan ra. Trên thực tế, với những đồ vật ở bên ngoài môi trường sống, tính axit hay ga cũng là điều kiện khiến quá trình phân hủy nhanh hơn. Tuy nhiên, việc phân hủy trên cần tốn nhiều thời gian và do sự tác động thường xuyên gây nên.
Với xương cá ở trong cổ họng hoặc cơ thể, chúng ta không thể tạo ra môi trường như thế do vấn đề liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, những mẹo này đều chưa có bất cứ nghiên cứu hay cơ sở khoa học nào khẳng định vấn đề. Chính vì thế, không nên áp dụng những cách này trong khi chữa hóc.
Các bác sĩ tai mũi họng TCI cũng cho biết: nhiều người bệnh cố gắng dùng mẹo để chữa hóc xương và để lỡ thời điểm chữa hóc với hình thức đơn giản, nhanh chóng. Việc xương cá hóc lâu ngày lại có thể nhiều nguy hiểm. Do đó, khi bị hóc, nên sớm đến các cơ sở y tế để được gắp xương cá với dụng cụ phù hợp và nhân viên chuyên khoa có trình độ.
2. Làm thế nào để xử lý nhanh khi bị hóc xương cá?
2.1. Hóc xương cá đơn giản
Những trường hợp xương cá đâm lợi hoặc xương cá được nhìn thấy đơn giản bằng mắt thường trong khoang miệng có thể được dễ dàng xử lý bằng việc dùng nhíp, kẹp phù hợp để gắp ra. Đây cũng là tình huống xương cá đơn giản nhất có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, cha mẹ cần cân nhắc thật cẩn thận để trẻ không nuốt xương cá xuống sâu hơn. Với những tình trạng bệnh nhân khó hợp tác cũng tương tự vậy. Để an toàn, chúng ta có thể nhờ bác sĩ tai mũi họng với thiết bị, dụng cụ chuyên biệt để giải quyết xương cá.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu bệnh viêm tai ngoài là gì?
Để an toàn và hiệu quả, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và lấy xương hóc đúng cách
2.2. Đến các cơ sở y tế để được gắp xương cá đúng cách
Việc gắp xương cá được các bác sĩ thực hiện theo từng trường hợp:
– Khi kiểm tra bằng đèn clar và phát hiện xương cá, bác sĩ sẽ dùng kẹp y tế để gắp xương cá ra nhanh cho người bệnh nhằm đảm bảo xương cá không bị sót và không gây tổn thương sâu hay tác động đến các bộ phận khác.
– Khi xương cá không được phát hiện qua đèn clar, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi để tìm xương cá. Việc nội soi gắp xương cũng là hình thức được sử dụng quen thuộc khi chữa hóc.
– Với các tình trạng hóc đặc biệt, khi xương cá rơi xuống sâu khu vực thực quản, đường thở hoặc bộ phận tiêu hóa, việc phẫu thuật cấp cứu là lựa chọn cần thiết.
3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ hóc xương cá và cách phòng ngừa
3.1. Những yếu tố nguy cơ
Có nhiều tình huống gây nên tình trạng hóc xương cá mà chúng ta bắt gặp trong đời sống. Một số thói quen hoặc đặc thù độ tuổi có thể là những yếu tố khiến cho việc hóc xương cá dễ xảy ra hơn:
– Thói quen đưa cả miếng cá vào miệng (bao gồm xương cá và thịt cá) và dùng môi, lưỡi, răng, khẩu cái để lọc và đưa xương cá ra ngoài chú không nhặt xương cá trước khi ăn.
– Vừa ăn vừa nói chuyện hay xem điện thoại/tivi/vi tính, hoặc ăn nhanh, nhai không kỹ…
– Đeo răng giả khi ăn, từ đó giảm sự nhạy bén trong việc cảm nhận xương cá trong miệng.
– Ăn cá bằng thìa, đũa hoặc nĩa chứ không dùng tay. Điều này được cho là việc dùng tay sẽ giúp cảm nhận xương cá và lọc bỏ xương ra ngoài tốt hơn.
– Trẻ chưa có đủ răng hoặc người già thiếu răng
– Người mới phẫu thuật có gây mê
3.2. Phòng ngừa đúng cách
Việc phòng ngừa xương cá gây hóc là điều cần thiết mọi người phải lưu ý và khuyến cáo thường xuyên của các chuyên gia. Từ những vấn đề trên, chúng ta nên chủ động phòng ngừa xương cá bằng những hình thức như:
– Cẩn trọng trong ăn uống, nên ăn chậm, nhai kỹ, nhặt xương cá kỹ trước khi cho người già, trẻ em hay khi bản thân ăn uống.
– Nhặt xương cá bằng tay.
– Không đùa giỡn khi ăn.
– Với người mới phẫu thuật, nên cho đồ ăn loãng và đảm bảo không có dị vật.
Cha mẹ cũng nên định hướng trẻ nhận thức về sự nguy hiểm của dị vật nói chung cũng như vấn đề hóc xương cá, từ đó, giúp trẻ tự ý thức và cẩn trọng trong việc ăn uống hơn.
>>>>>Xem thêm: Mẹ nên làm gì khi bé bị viêm họng?
Cần chủ động ngăn ngừa hóc và nhắc nhở trẻ trong nhà về sự nguy hiểm của tai nạn này
Trong trường hợp đối mặt với tình trạng hóc xương cá, cần lưu ý: không tự thực hiện các cách làm tan xương cá theo mẹo được đồn thổi. Nên sớm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và gắp dị vật ra nhanh chóng. Việc để xương cá lâu ngày có thể gây nên nhiều vấn đề nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của chúng ta. Bên cạnh đó, cần luôn cảnh giác trước tai nạn này bằng những hành động thiết thực và xây dựng thói quen ăn uống an toàn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.