Viêm niêm mạc dạ dày là gì? Chắc rằng nhiều người còn xa lạ với tên bệnh lý này. Viêm niêm mạc có nguy hiểm hay không? Cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm câu trả lời cho những thắc mắc của bạn qua bài viết này.
Bạn đang đọc: Giải đáp thắc mắc về viêm niêm mạc dạ dày
1 . Viêm niêm mạc dạ dày là gì?
Dạ dày được cấu tạo gồm 5 lớp và niêm mạc là lớp trong cùng. Bộ phận này chứa các tuyến của dạ dày và có nhiệm vụ chiết ra các chất bảo vệ dạ dày. Bên cạnh đó chúng còn có vai trò nội tiết, tiêu hóa,…
Viêm niêm mạc được coi là biểu hiện nhẹ nhất trong các bệnh về dạ dày. Tuy nhiên không phải vì thế mà người bệnh chủ quan. Nếu viêm loét nặng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở đối tượng trung tuổi và cao tuổi. Gần đây số lượng người bị viêm niêm mạc dần trẻ hóa, thậm chí có trường hợp xảy ra ở bé dưới 2 tuổi.
2. Triệu chứng thường thấy của viêm niêm mạc dạ dày
Viêm niêm mạc dạ dày khi mới xuất hiện thường ở thể nhẹ nên có triệu chứng không rõ ràng hoặc đôi khi không có triệu chứng. Mọi người cần chú ý kỹ tới sự thay đổi bất thường của cơ thể khi có xuất hiện các triệu chứng như:
2.1 Khó tiêu
Khi niêm mạc dạ dày gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thực phẩm. Lượng thức ăn đưa vào cơ thể bị chuyển hóa chậm gây chướng bụng, khó tiêu.
2.2 Buồn nôn
Triệu chứng này thường đi kèm với khó tiêu. Khi tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc dạ dày, phản ứng của cơ thể là gây buồn nôn kể cả khi không có thức ăn trong dạ dày. Cơn buồn nôn có thể nặng hoặc nhẹ tùy theo tình trạng viêm loét. Thậm chí một số bệnh nhân còn nôn ra máu.
2.3 Đau nhức vùng thượng vị
Dấu hiệu rõ rệt nhất của viêm niêm mạc dạ dày là người bệnh thường đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Cơn đau xuất hiện khi vừa ăn xong hoặc đau nhiều về đêm khi dịch vị tiết ra nhiều. Trường hợp mới bị viêm người bệnh thường chỉ đau khi đói nhưng khi bệnh chuyển biến nặng thì bất cứ lúc nào bệnh nhân cũng cảm thấy đau.
2.4 Chán ăn, mất ngủ
Lượng thức ăn đưa vào cơ thể không được tiêu hóa hết sẽ lên men và thải khí gây đầy hơi khiến người bệnh luôn cảm thấy no, không muốn ăn. Cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều khiến bệnh nhân ngủ không ngon giấc. Các triệu chứng này lâu dần sẽ khiến người bệnh suy nhược, xanh xao.
2.5 Thay đổi tính chất phân
Niêm mạc dạ dày bị viêm sẽ làm rối loạn hệ tiêu hóa. Người bệnh sẽ bị táo bón kèm tiêu chảy. Phân sẽ lúc lỏng, lúc đặc, có màu đen hoặc đôi khi có lẫn cả máu.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Cũng giống như viêm dạ dày, viêm niêm mạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan do thói quen không tốt của người bệnh
3.1 Nhiễm khuẩn HP
Nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm niêm mạc là do vi khuẩn tên là Helicobacter pylori gây ra. Chúng thường có tên gọi tắt là khuẩn HP. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn tiết ra men urease gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
3.2 Sử dụng thuốc
Do sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc bổ sung sắt, kali và các loại thuốc điều trị ung thư. Các loại thuốc này khi sử dụng sẽ gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng tới dạ dày.
3.3 Bệnh lý
Một số loại bệnh khi mắc còn ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa như: Nhiễm nấm, lao, giang mai, bệnh lý tự miễn,…
Sau khi sử dụng các thủ thuật nội soi cũng có thể gây viêm niêm mạc.
3.4 Stress
Căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ khiến dạ dày tiết ra nhiều acid dễ gây tổn thương niêm mạc.
3.5 Chế độ ăn uống, sinh hoạt
Chế độ ăn uống mất cân bằng, ăn các đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ sẽ khiến kích thích dạ dày phải hoạt động nhiều dẫn tới viêm loét. Thức khuya, không ngủ đủ giấc cũng ảnh hưởng không tốt tới dạ dày.
3.6 Tuổi tác
Khi lớn tuổi, niêm mạc trong dạ dày sẽ mỏng dần đi. Chức năng của các bộ phận trong hệ tiêu hóa không còn đảm nhận tốt vai trò của chúng nên rất dễ bị tổn thương.
4. Viêm niêm mạc dạ dày gây ra biến chứng gì?
Viêm niêm mạc dạ dày được đánh giá bệnh lý thể nhẹ. Bệnh có thể xảy ra đột ngột ở dạng cấp tính hoặc xuất hiện từ từ ( mãn tính). Tuy nhiên nếu để tình trạng viêm kéo dài mà không chữa trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm không kém các bệnh lý khác.
4.1 Viêm loét, xuất huyết dạ dày
Viêm niêm mạc nếu để lâu ngày sẽ gây ra các ổ loét lớn ở dạ dày. Các vết loét có thể dẫn tới thủng các mạch máu gây xuất huyết dạ dày. Cơ thể sẽ giảm khả năng hấp thụ vitamin B12 cũng gây ra tình trạng thiếu máu.
4.2 Thủng dạ dày
Vết loét có thể bào mòn lớp niêm mạc gây thủng dạ dày. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ bị sốc nhiễm khuẩn rất nguy hiểm.
4.4 Hẹp môn vị
Các mô viêm xơ phát riển, phình ra làm hẹp lòng ruột ngay phía dưới dạ dày. Tình trạng này khiến cho thức ăn khó di chuyển qua đường tiêu hóa.
4.5 Ung thư
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm niêm mạc dạ dày chính là ung thư. Các khối u xuất hiện trong dạ dày với kích thước lớn. Nếu bệnh nhân bị ung thư dạ dày thì cơ hội chữa khỏi bệnh vô cùng thấp, thậm chí còn gây tử vong.
Tìm hiểu thêm: Bị nứt kẽ hậu môn ăn gì và kiêng gì?
5. Các biện pháp điều trị bệnh viêm niêm mạc dạ dày
Hiện nay, viêm niêm mạc dạ dày có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Để giúp việc điều trị được hiệu quả bác sĩ sẽ xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó tìm ra cách phù hợp.
5.1 Chữa viêm niêm mạc dạ dày bằng thuốc Tây
Thuốc Tây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm niêm mạc vì có kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà nên khám bệnh và uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
– Thuốc kháng acid nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP.
– Thuốc giúp trung hòa acid dịch vị giúp giảm đau.
– Thuốc chống tiết acid dịch vị trong dạ dày để ngăn ngừa và giảm tổn thương. Nhóm thuốc này thường sử dụng thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng H2
5.2 Cải thiện viêm niêm mạc dạ dày bằng dược liệu tự nhiên
Từ xa xưa, khi nền y học còn chưa phát triển như hiện nay thì ông cha ta đã có những bài thuốc dân gian để chữa bệnh. Phương pháp này được đánh giá là khá lành tính, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên cách này đòi hỏi người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
– Lá mơ lông: Lá mơ lông có thể dùng ăn sống hàng ngày sẽ giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra người bệnh có thể rán hoặc hấp cùng trứng gà.
– Tinh bột nghệ: Hòa tinh bột nghệ cùng nước ấm và uống vào mỗi sáng sẽ giúp chữa lành viêm loét. Nên uống kèm thêm một chút mật ong để tăng hiệu quả.
– Mật ong: Hòa mật ong cùng nước ấm rồi khuấy đều. Mỗi ngày uống 1 ly trước khi ăn sáng và 1 ly vào buổi tối trước khi đi ngủ để phát huy tác dụng tốt nhất.
– Lá tía tô tươi hoặc khô rửa sạch rồi sắc lấy nước uống thay nước lọc. Tía tô được coi là một loại kháng sinh tự nhiên rất tốt cho cơ thể.
6. Những điều cần nhớ để ngừa viêm niêm mạc dạ dày
– Tránh xa các thực phẩm có vị chua cay, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán
– Ngưng sử dụng thuốc lá và các đồ uống có cồn, chất kích thích
– Chia nhỏ các bữa ăn để dạ dày không phải làm việc quá tải
– Giảm căng thẳng, lo âu
– Sau khi ăn nên nghỉ ngơi. Không nên làm việc hoặc hoạt động mạnh để thức ăn có thời gian được nhào trộn kỹ ở dạ dày trước khi xuống ruột non
– Cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau vì chúng sẽ gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới dạ dày
– Luôn luôn nhớ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn
>>>>>Xem thêm: Bị viêm loét hang vị dạ dày nên ăn gì, kiêng gì?
Viêm niêm mạc dạ dày không phải là bệnh lý nghiêm trọng vì vậy bạn không nên quá lo lắng. Tuy nhiên khi phát hiện các triệu chứng của bệnh bạn nên thăm khám và điều trị ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.