Sốt siêu vi là loại bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, số lượng trẻ nhập viện vì sốt virus tăng cao đột biến. Đó là do trong những năm tháng đầu đời, sức đề kháng của trẻ còn yếu, nên chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường sống, cũng như dễ bị virus xâm nhập. Các bậc cha mẹ cần hiểu rõ về bệnh để biết cách ứng phó cũng như chăm sóc con phù hợp.
Bạn đang đọc: Giải đáp từ A-Z về sốt siêu vi ở trẻ em
1. Khái niệm về sốt siêu vi
Sốt siêu vi (hay còn gọi là sốt virus) là tình trạng thân nhiệt của người bệnh tăng cao đột ngột (dao động khoảng 39-40 độ C) do nhiễm các loại vi trùng (virus). Có hơn 200 loại virus khác nhau, điển hình có thể kể đến như Rhinovirus, Adenovirus, virus cúm,… Hiện tượng sốt ở trẻ chính là phản ứng của cơ thể chống lại các loại virus, ngăn ngừa chúng gây hại cho cơ thể.
Sốt siêu vi có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên, bệnh hay gặp nhất ở trẻ em, do đây là đối tượng có sức đề kháng còn yếu. Bệnh đặc biệt thường bùng phát vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, hoặc từ lạnh sang nóng, ấm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với người bệnh cũng khiến cho trẻ em dễ bị lây bệnh.
- Sốt siêu vi là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ.
2. 5 Dấu hiệu cho thấy trẻ bị sốt virus
Ở giai đoạn ủ bệnh, trẻ thường không có dấu hiệu gì, bé có thể hơi mệt mỏi, khó chịu, ít chơi hơn. Ở giai đoạn toàn phát, trẻ có các dấu hiệu thường gặp nhất đó là:
2.1. Sốt cao, khoảng 39-40 độ C
Biểu hiện đầu tiên và rõ ràng nhất cho thấy trẻ có khả năng bị sốt virus đó chính là thân nhiệt tăng cao. Trẻ có xu hướng sốt về buổi chiều, và sốt nhiều hơn trong những ngày đầu tiên. Một số trẻ, nhiệt độ đo được cao nhất có thể lên tới 41 độ C. Sốt sẽ kéo dài khoảng 5 ngày, sau đó giảm dần, và kết thúc sau khoảng 7 ngày.
2.2 Trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Ngoài sốt, trẻ có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như: tiêu chảy, phân lỏng… Sau khi hết sốt, triệu chứng này sẽ được cải thiện.
2.3. Phát ban
Một số trẻ khi bị sốt siêu vi sẽ có biểu hiện phát ban khắp người. Các vết đỏ này thường xuất hiện trong khoảng 2-3 ngày sau khi bé bị sốt. Đây là biểu hiện cho thấy trẻ đã qua thời kỳ ủ bệnh và đang phát bệnh.
- Một số trẻ có thể bị phát ban sau sốt virus.
2.4. Trẻ bị đau nhức toàn thân, mệt mỏi
Sốt cao kéo dài khiến cho trẻ mệt mỏi, đau nhức toàn thân đặc biệt các cơ bắp và đau đầu. Đối với các trẻ nhỏ chưa biết nói, trẻ thường quấy khóc, cáu gắt, bỏ bú, lờ đờ, mệt mỏi…
2.5. Viêm đường hô hấp
Trẻ bị sốt virus còn có các triệu chứng ho, sổ mũi, sưng hạch bạch huyết ở cổ…
Hãy cho bé đi khám ngay, nếu có các triệu chứng trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Trẻ sốt siêu vi kéo dài trong bao lâu?
Sốt virus ở trẻ em thường kéo dài khoảng 7-10 ngày khi được điều trị đúng cách. Thông thường 5 ngày đầu tiên bé sẽ sốt cao và mệt mỏi nhiều, sau đó sốt sẽ giảm dần và kết thúc.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
- Sốt virus thường kéo dài 7-10 ngày.
4. Trẻ em bị sốt virus có nguy hiểm không?
Thực tế, sốt virus có thể tự khỏi, do vậy nhiều bậc phụ huynh chủ quan, không đưa bé đi thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, sốt virus có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, có thể kể tới như: viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thanh quản…, thậm chí còn gây ảnh hưởng tới não. Chính bởi vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt virus, cần cho bé đi khám để được điều trị ngay.
5. Sốt siêu vi có lây bệnh không?
Câu trả lời là có. Sốt virus lây qua đường hô hấp và tiêu hóa. Khi người bệnh ho, hắt hơi, ngáp… đều có thể khiến virus bắn qua nước bọt và lây cho trẻ em ở gần. Chính vì vậy, khi trẻ bị bệnh, ba mẹ không nên cho bé ra ngoài để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Đồng thời, với những trẻ khỏe mạnh, bạn nên tránh cho con tiếp xúc với những người bị bệnh để phòng lây nhiễm.
6. Điều trị và chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi như thế nào?
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu bệnh viêm amidan ở trẻ em từ A – Z
- Cha mẹ nên cho trẻ uống hạ sốt theo đúng hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.
Quá trình sốt virus thường kéo dài nên khiến trẻ rất mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ giúp con nhanh chóng phục hồi sức khỏe hơn.
Các phương pháp điều trị cho bé bị sốt virus:
– Đo nhiệt độ thường xuyên để theo dõi thân nhiệt của bé
– Hạ sốt cho trẻ: Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, phụ huynh cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Thông thường đối với sốt virus, trẻ được dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần. Để giúp con nhanh hạ sốt hơn, ba mẹ cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, thường xuyên chườm ấm, lau người, vùng trán, nách, bẹn… cho bé.
– Bù nước và điện giải: Nếu bạn đang cho con bú, tích cực cho bé bú nhiều hơn sẽ giúp bù nước cho cơ thể của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cho con uống bù nước với Oresol theo đúng hướng dẫn. Rất nhiều trẻ không hợp tác khi được cho uống Oresol, trong trường hợp này, bạn có thể dùng bông thật sạch, chấm Oresol vào môi, miệng bé thường xuyên để tránh bị thiếu nước và điện giải.
– Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bé ở giai đoạn này rất mệt mỏi, và gặp nhiều triệu chứng khó chịu, do vậy ba mẹ nên tăng cường các món nhiều nước, lỏng và mềm như cháo, súp, nước canh, nước hoa quả, sinh tố…
– Chống bội nhiễm cho trẻ: Khi bị sốt virus, trẻ có thể bị nổi ban đỏ, viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp… Do vậy, ba mẹ cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cho bé bằng nước ấm trong phòng kín, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm vi khuẩn.
Lưu ý: Khi trẻ sốt cao và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, có biểu hiện ngủ li bì, hoặc sốt cao co giật, bé đau đầu nhiều, buồn nôn…. hãy gọi cho bác sĩ hoặc tới bệnh viện ngay để bác sĩ có các biện pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Tóm lại, sốt siêu vi là bệnh rất phổ biến ở trẻ em. Trong những tháng năm đầu đời, hầu hết đứa trẻ nào cũng gặp. Do vậy trang bị những kiến thức đầy đủ về bệnh sẽ giúp các bậc cha mẹ vững tâm hơn để đối phó kịp thời khi con không may mắc phải tình trạng này. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.