Giải mã các giai đoạn của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Việc nắm được các giai đoạn của bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ sẽ giúp bố mẹ sớm nhận biết được con đã mắc bệnh, đồng thời có cách điều trị kịp thời và phù hợp nhất. Nhờ đó, bệnh của bé sẽ chóng khỏi, cơ thể cũng nhanh phục hồi, hạn chế tối đa những biến chứng hay tổn thương có thể xảy ra khi bé mắc thủy đậu.

1. Thủy đậu ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan

Thủy đậu, còn được gọi là bệnh trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Loại virus này có khả năng lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc qua đường hô hấp. Bệnh thủy đậu thường xảy ra phổ biến hơn ở đối tượng trẻ em, dù vậy vẫn có khá nhiều người lớn mắc thủy đậu hằng năm.

Bệnh thủy đậu ở trẻ rất dễ lây lan, nhất là trong các môi trường như nhà trẻ và trường học. Thông qua các hoạt động như nói chuyện, ho hay hắt hơi của trẻ mắc thủy đậu, virus Varicella Zoster sẽ theo đường truyền là nước bọt và dịch tiết phát tán và lây lan bệnh.

Giải mã các giai đoạn của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Thủy đậu ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan

Không chỉ dễ lây lan bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp, bệnh thủy đậu ở trẻ còn dễ lây truyền qua các cách sau:

– Lây truyền qua tiếp xúc với quần áo, ga trải giường có chứa chất dịch từ miệng hoặc mũi của bé đã mắc bệnh;

– Lây truyền từ mẹ sang con, tức là trong thời gian mang thai, nếu người mẹ mắc thủy đậu thì virus gây bệnh có thể được truyền sang thai nhi, chỉ cần có điều kiện thuận lợi, bệnh thủy đậu có thể phát triển ở thai nhi.

2. Các giai đoạn của bệnh thủy đậu mà trẻ sẽ phải trải qua

Các giai đoạn của bệnh thủy đậu trẻ sẽ phải trải qua là gì? Đây hiện là thắc mắc của không ít phụ huynh.

Thực tế, khi mắc thủy đậu, dù là trẻ em hay người lớn thì đều sẽ phải trải qua đủ 4 giai đoạn của bệnh:

2.1. Giai đoạn ủ bệnh thủy đậu ở trẻ

Ủ bệnh là giai đoạn đầu tiên trẻ sẽ phải trải qua khi mắc thủy đậu, kéo dài từ 10 – 21 ngày. Giai đoạn này được tính từ thời điểm trẻ tiếp xúc với virus gây bệnh.

Ở giai đoạn ủ bệnh, virus gây bệnh thủy đậu xâm nhập và tấn công cơ thể trẻ, tuy nhiên bé lại không xuất hiện bất kì triệu chứng bất thường nào. Do đó trong giai đoạn này, bố mẹ gần như không thể nhận biết và phát hiện trẻ đã mắc thủy đậu.

2.2. Giai đoạn khởi phát bệnh thủy đậu ở trẻ

Giai đoạn khởi phát bệnh thủy đậu ở trẻ xuất hiện ngay sau khi giai đoạn ủ bệnh kết thúc, kéo dài từ 3-5 ngày. Ở giai đoạn này, virus gây bệnh thủy đậu đã gây nhiễm trùng trong cơ thể trẻ. Các bé mắc bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, khó chịu, chán ăn và sốt nhẹ. Vào cuối giai đoạn khởi phát, trẻ mắc thủy đậu sẽ xuất hiện phát ban nhẹ và những vết loét ở miệng.

Giải mã các giai đoạn của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Ở giai đoạn khởi phát, trẻ mắc thủy đậu xuất hiện phát ban nhẹ

Vì các triệu chứng trong giai đoạn khởi phát ở trẻ mắc thủy đậu vẫn chưa phải điển hình nên nhiều bố mẹ có thể nhầm lẫn với các bệnh như cúm hay sốt thông thường. Để chắc chắn về bệnh của con, bố mẹ có thể theo dõi thêm. Hoặc cách khác, bố mẹ hãy cho bé đi khám bác sĩ để được phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh sớm, giúp bé chóng khỏe lại.

Lưu ý, với đối tượng trẻ sơ sinh hay trẻ mới sinh vài tháng, khi xuất hiện các triệu chứng như sốt kèm phát ban, có các vết loét ở miệng, bố mẹ đừng chủ quan mà hãy cho bé đi khám ngay để xác định bệnh và được hỗ trợ điều trị kịp thời. Vì các bé ở độ tuổi này còn quá nhỏ và non nớt, nếu mắc thủy đậu bệnh diễn tiến rất nhanh, dễ trở nặng và có thể gây hậu quả khôn lường, nặng nhất là tử vong.

2.3. Giai đoạn toàn phát bệnh thủy đậu ở trẻ

Sau giai đoạn khởi phát, bệnh thủy đậu ở trẻ chuyển sang giai đoạn toàn phát. Trong giai đoạn này, virus gây bệnh thủy đậu tiếp tục xâm nhập vào hệ bạch huyết của trẻ. Bé bắt đầu trải qua những triệu chứng nhiễm trùng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và đau cơ. Đồng thời, cơ thể bé cũng xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng của bệnh thủy đậu như nổi nốt phát ban trên mặt, thân thể, cánh tay và da đầu.

Những nốt ban trên da trẻ lúc này sẽ dần biến thành mụn nước, kích thước lớn hơn và gây cảm giác rất ngứa ngáy. Các nốt mụn nước theo thời gian sẽ lan rộng khắp cơ thể trẻ, thậm chí có thể xuất hiện ở những vị trí không thoải mái như mí mắt, niêm mạc miệng, bàn tay, mông hoặc cơ quan sinh dục khiến bé khó chịu vô cùng. Nếu không được điều trị và chăm sóc tốt, bé mắc thủy đậu ở giai đoạn toàn phát có nguy cơ cao bị nhiễm trùng da, viêm da hoặc biến chứng nặng gây nhiễm trùng huyết.

Giải mã các giai đoạn của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Sang giai đoạn toàn phát, nốt ban trên da trẻ sẽ biến thành mụn nước, kích thước lớn hơn và gây cảm giác rất ngứa ngáy

Trẻ mắc thủy đậu ở giai đoạn toàn phát thật sự rất cần được bố mẹ chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận. Bố mẹ và người chăm sóc hãy luôn ở bên để đảm bảo bé không gãi hay có hành động gây trầy xước các nốt thủy đậu. Bố mẹ cần vệ sinh cho bé đúng cách để tránh những viêm nhiễm có thể xảy ra với trẻ.

2.4. Giai đoạn phục hồi bệnh thủy đậu ở trẻ

Đây là giai đoạn cuối cùng mà trẻ mắc thủy đậu sẽ phải trải qua, thường kéo dài từ 7-10 ngày. Trong giai đoạn này, các mụn nước bắt đầu khô và hình thành vảy, gây ra các vết lõm nhỏ trên da. Bệnh thủy đậu của trẻ ở giai đoạn này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm đi nhiều.

Mặc dù là giai đoạn phục hồi, nhưng các bố mẹ vẫn cần quan sát trẻ, không để con có hành động gãi hay cào các vết mụn nước đang khô lại để tránh gây nhiễm trùng. Việc vệ sinh cẩn thận cho bé trong giai đoạn này cũng rất quan trọng, nhằm tránh viêm nhiễm do tụ cầu và liên cầu.

3. Thời gian trẻ mắc thủy đậu có thể khỏi bệnh

Bệnh thủy đậu khiến bé cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu. Do đó, nhiều bố mẹ lo lắng và quan tâm bao lâu bé có thể khỏi bệnh.

Hầu hết các trường hợp trẻ mắc thủy đậu đều có thể hồi phục sau khoảng 2 tuần kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị đúng cách, thủy đậu có thể kéo dài và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Một số biến chứng nguy hiểm trẻ mắc thủy đậu nếu không được điều trị kịp thời hay chăm sóc tốt có thể gặp phải như: viêm da do bội nhiễm, viêm màng não, biến chứng viêm tai giữa và viêm tai trong, biến chứng gây các vấn đề về đường hô hấp như viêm phổi hay viêm thanh quản.

Giải mã các giai đoạn của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Tiêm vaccine phòng thủy đậu hiện là hiệu quả giúp trẻ phòng bệnh

Như vậy, để bé mắc thủy đậu mau khỏi bệnh và không xảy ra biến chứng nguy hiểm, bố mẹ cần quan tâm con, sớm phát hiện và cho bé điều trị bệnh kịp thời. Bố mẹ cũng cần trang bị kiến thức chăm sóc bé đúng đắn, khoa học trong các giai đoạn của bệnh thủy đậu. Sau khi trẻ khỏi bệnh, bố mẹ nên cho bé tiêm vắc xin phòng thủy đậu để ngăn ngừa tối đa nguy cơ bệnh có thể tái lại. Mọi thắc mắc về vắc xin phòng thủy đậu cho trẻ, bố mẹ hãy liên hệ ngay Phòng tiêm chủng Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI được tư vấn tận tình và chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *