Hiện nay, hen phế quản đang được xem là một trong những gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Bệnh để lại nhiều hậu quả lớn về sức khỏe với tỷ lệ mắc cao, thậm chí gây tử vong trong các trường hợp nặng. Do đó, việc trang bị kiến thức về cơ chế bệnh sinh của hen phế quản cũng như các vấn đề liên quan là rất quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
Bạn đang đọc: Giúp bạn hiểu về cơ chế bệnh sinh của hen phế quản
1. Yếu tố nguy cơ và cơ chế bệnh sinh của hen phế quản
1.1. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh
Yếu tố cơ địa của người bệnh
– Tính di truyền.
– Béo phì/suy dinh dưỡng.
– Đẻ non.
– Yếu tố giới tính.
Yếu tố do môi trường
– Dị nguyên trong nhà như: mạt bụi nhà, lông thú, gián, nấm, mốc, hóa chất, thuốc men.
– Dị nguyên ngoài nhà như: bụi đường phố, nấm mốc, phấn hoa, các hóa chất, chất lên men, yếu tố nhiễm trùng, các loại hương khói.
– Bị nhiễm siêu vi.
– Các yếu tố nghề nghiệp như bụi bông, hoá chất, than,…
– Hút thuốc lá.
– Ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông, các loại khói nhà máy, xí nghiệp.
Yếu tố nguy cơ gây kích phát cơn hen
– Sự thay đổi thời tiết, khí hậu, không khí lạnh.
– Khi bạn phải vận động quá sức.
– Hít phải mùi vị đặc biệt, khói bụi nhất là thuốc lá hoặc do cảm xúc mạnh.
Có nhiều yếu tố gây nên căn bệnh hen phế quản
1.2. Nắm rõ về cơ chế bệnh sinh của hen phế quản
Nhìn chung, cơ chế bệnh sinh của hen phế quản khá phức tạp. Tuy nhiên, có thể mô tả tóm tắt bằng sự tương tác của 3 quá trình bệnh lý cơ bản đó là: tăng đáp ứng của phế quản, viêm mạn tính đường thở và co thắt phế quản, phù nề xuất tiết phế quản. Trong đó, tình trạng viêm mạn tính đường thở là trung tâm.
Quá trình tương tác này chịu sự tác động bởi các yếu tố chủ thể của người bệnh, các yếu tố kịch phát làm xuất hiện các triệu chứng hen và cơn hen.
Tình trạng bị viêm mạn tính đường thở sẽ có sự tham gia của:
– Tế bào viêm (đại thực bào, tế bào Th1, Th2, tế bào mast, lympho bào, eosinophil, tế bào biểu mô, tế bào nội mô).
– Chất trung gian hóa học, chủ yếu là các chất trung gian tiên phát (serotonin, histamin, bradykinin, PAF, ECF,…).
– Chất trung gian thứ phát (prostaglandin, leucotrien, các neuropeptid), các cytokin (interleukin, TNF a, INF g,…).
Tăng tính đáp ứng đường thở với các yếu tố nội sinh và ngoại lai là nguyên nhân và hậu quả của quá trình viêm mạn tính làm co thắt các cơ trơn. Điều này dẫn tới phù nề niêm mạc và tăng xuất tiết.
Kết quả xuất hiện những triệu chứng của bệnh hen như: khó thở, khò khè, nặng ngực và ho. Tình trạng này thường xuất hiện hoặc nặng hơn vào ban đêm và sáng sớm bởi có liên quan tới chức năng hệ phó giao cảm.
2. Bệnh hen phế quản gây ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?
Trong trường hợp người bệnh kiểm soát triệu chứng kém sẽ có thể xảy ra những vấn đề:
– Cảm giác căng thẳng, lo âu.
– Tình trạng nhiễm trùng phổi (hoặc viêm phổi).
– Ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người bệnh như: ngủ không ngon, hạn chế hoạt động thể lực, cản trở tới công việc hàng ngày.
– Khi cơn hen nặng ập tới, người bệnh rất dễ phải nhập viện.
– Trẻ bị hen không kiểm soát tốt sẽ có khả năng chậm phát triển.
– Biến chứng do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh hen phế quản.
– Thậm chí, cơn hen nặng có thể đe doạ tới tính mạng bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: Bệnh học u xơ tử cung: phân loại, nguyên nhân, triệu chứng
Bệnh hen phế quản gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe
3. Phương pháp phổ biến trong chẩn đoán bệnh hen phế quản
Dưới đây là một số biện pháp để chẩn đoán bệnh hen phế quản:
– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ căn cứ vào lý do nhập viện của bệnh nhân cùng các triệu chứng khai thác được. Từ đó, định hướng chẩn đoán và thực hiện khám lâm sàng. Việc này không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh mà còn loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
– Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được làm hô hấp kí, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi dùng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi được cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân có khả năng cao sẽ bị hen phế quản.
– Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang ngực hay CT Scan có thể cho ra những hình ảnh bất thường trong bệnh hen phế quản.
– Các phương pháp xét nghiệm khác: Xét nghiệm Methacholin, xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đàm,… có thể hữu ích trong một số trường hợp.
4. Một số lưu ý cần biết khi điều trị hen phế quản
– Bệnh hen phế quản khó có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị thì hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là hết sức cần thiết giúp ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.
– Mục tiêu dài hạn của điều trị hen đó là kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ từ thuốc.
– Điều trị hen là chu trình liên tục gồm: đánh giá mức độ của bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và đánh giá đáp ứng, có thể tăng hoặc giảm bậc điều trị hen.
– Hen phế quản không phải là một bệnh truyền nhiễm, không do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Do đó, nó không lây truyền từ người này qua người khác. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân sẽ không làm lây lan căn bệnh này. Tuy vậy, hen phế quản lại có tính chất di truyền.
– Những triệu chứng của hen phế quản về cơ bản có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng để lại biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân cần phải theo dõi hơi thở hàng ngày và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
5. Tư vấn cách phòng ngừa bệnh
– Hạn chế tiếp xúc với tác nhân dị ứng như bụi, lông động vật, phấn hoa,…
– Thực hiện vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hằng ngày.
– Tránh ăn, uống loại thực phẩm bệnh nhân bị dị ứng.
– Thực hiện các biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
– Tránh việc lo âu và căng thẳng quá mức.
– Không nên hút thuốc lá nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
>>>>>Xem thêm: U xơ tuyến tiền liệt là một dạng u lành tính
Bạn nên tránh hút thuốc lá để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh
Tóm lại, hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, được khởi phát bởi yếu tố kích thích (thường là tác nhân dị ứng). Bệnh liên quan tới cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.