Glocom góc mở là một loại của bệnh lý tăng nhãn áp Glocom (thiên đầu thống). Bệnh nguy hiểm và có thể tiến triển mạn tính, gây ra nhiều tổn thương nặng nề cho mắt của người bệnh. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý, nguyên nhân, triệu chứng cũng như các cách phòng tránh bệnh, hãy cùng tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Glocom góc mở: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Bệnh tăng nhãn áp Glocom
Tăng nhãn áp Glocom (thiên đầu thống) là nhóm bệnh lý ở đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh được biểu hiện đặc trưng bởi sự tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị, nhãn áp cao và có thể tiến triển mạn tính.
Glocom là nhóm bệnh lý ở đầu dây thần kinh thị giác
Để phân loại bệnh Glocom, người ta thường chia thành:
– Glocom nguyên phát (được quan tâm nhiều nhất), gồm: Glocom góc đóng nguyên phát; Glocom góc mở nguyên phát
– Glocom thứ phát: Thường xuất hiện sau những rối loạn ở mắt và toàn thân như chấn thương, viêm màng bồ đào, đục thể thủy tinh,…
Bệnh Glocom nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ rất khó hồi phục được những tổn thương mà bệnh gây ra. Vì vậy, bệnh cần phải được phát hiện càng sớm càng tốt.
2. Tăng nhãn áp Glocom góc mở
2.1 Glocom góc mở là gì?
Glocom góc mở là một loại của tăng nhãn áp Glocom. Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh của nó vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nhận rằng ở bệnh có sự xơ hóa của vùng bè, làm thể dịch giảm thoát lưu. Quá trình xơ hóa sẽ tăng dần theo tuổi tác. Do đó, những người cao tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.
2.2 Nguyên nhân gây ra Glocom góc mở
2.2.1 Do các bệnh khác ở mắt
– Glocom giả bong bao: Tình trạng lắng đọng quá nhiều các sợi fibrin và albumin lên nhãn cầu và các cơ quan trên cơ thể. Điều này vô tình gây ứ đọng thủy dịch và làm tăng nhãn áp.
– Glocom sắc tố: Hiện tượng áp lực tiền phòng cao hơn hậu phòng dẫn tới chênh lệch áp lực đảo ngược. Điều này khiến mống mắt vùng trung bị đẩy ra sau và cọ vào xích đạo thể thủy tinh, dây Zinn. Nhiều sắc tố mống mắt từ đó được giải phóng. Sau đó lắng đọng tại các khe kẽ vùng bè củng – giác mạc gây ra tắc nghẽn.
– Glocom thể mi: Thể mi tăng tiết thủy dịch để phản ứng với một số dị nguyên. Điều này góp phần gây ra cơ chế tăng nhãn áp.
– Do chất thể thủy tinh: Bao bị rạn nứt do thể thủy tinh đục quá chín hoặc chấn thương khiến protein được phóng thích. Chúng đi vào tiền phòng gây viêm hoặc tắc nghẽn ở vùng bè. Đồng thời nhân thủy tinh thể cũng có thể gây tắc nghẽn vùng bè. Đây đều là những nguyên nhân gây ra tăng nhãn áp.
– Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết nội nhãn: Lúc này, các tế bào hồng cầu đi từ dịch kính ra tiền phòng. Điều này gây tắc nghẽn vùng bè và dẫn đến Glocom góc mở.
2.2.2 Do sử dụng thuốc khi điều trị bệnh
– Thuốc corticosteroid: Loại thuốc này có thể làm biến đổi tổ chức ngoại bào vùng bè củng – giác mạc. Điều này khiến cho các khe kẽ ở vùng bè bị thu hẹp lại. Trong giai đoạn sớm, nhãn áp có thể trở về bình thường được nếu dừng thuốc đúng lúc. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn khi vùng bè đã bị xơ hóa thì nhãn áp lúc này không thể phục hồi.
2.2.3 Nguyên nhân khác
– Yếu tố di truyền: Các chuyên gia đã chỉ ra rằng Gen GLC1A trên nhiễm sắc thể số 1 có thể gây bệnh Glocom trên người dưới 18 tuổi; Gen GLC1B, GLC1C trên nhiễm sắc thể số 2 và 3 có thể gây bệnh Glocom trên người trưởng thành.
– Tuổi tác: Người có tuổi đời càng cao thì càng dễ mắc Glocom do tăng xơ hóa vùng bè.
– Bệnh tim mạch: Người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị tổn hại thị thần kinh nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự suy yếu các mạch máu của đĩa thị.
– Bệnh đái tháo đường
– Chủng tộc cũng là một trong những yếu tố được đề cập đến. Cụ thể là người da đen thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– …..
2.3 Triệu chứng Glocom góc mở
Tìm hiểu thêm: Ước tính giá tròng kính râm cận tại Việt Nam
Người mắc Glocom góc mở thường xuất hiện nhiều triệu chứng ở mắt
Khi mắc bệnh, sẽ một số triệu chứng mà các bệnh nhân có thể gặp phải như:
– Nhìn mờ
– Thị lực kém
– Căng tức ở vùng mắt
– Chảy nhiều nước mắt
– Nhạy cảm và sợ ánh sáng
– Phù giác mạc
– Giãn đồng tử
– Dính góc tiền phòng
– Xuất huyết tiền phòng
– Thoái hóa biểu mô sắc tố ở mống mắt
– Phù gai thị
– …..
2.4 Các biện pháp điều trị
2.4.1 Trường hợp bệnh do các bệnh khác tại mắt gây ra
– Do Glocom giả bong bao:
Điều trị bằng cách sử dụng thuốc tra mắt giúp hạ nhãn áp. Ban đầu có thể dùng thuốc hạ nhãn áp một thành phần. Nếu nhãn áp không điều chỉnh thì có thể bổ sung thuốc hạ nhãn áp khác hoặc thuốc phối hợp.
Trường hợp thuốc hạ nhãn áp không còn có tác dụng thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Lúc này, bệnh nhân sẽ được thực hiện laser tạo hình bè hoặc phẫu thuật tùy theo từng trường hợp.
– Do Glocom sắc tố:
Trước tiên nên sử dụng thuốc tra hạ nhãn áp. Tuy nhiên, cần tránh các loại thuốc có thể gây giãn đồng tử. Đồng thời người bệnh cũng cần kiểm tra võng mạc chu biên trước khi tra thuốc. Nguyên nhân là bởi thuốc có thể làm tăng nguy cơ bong võng mạc.
Nếu thuốc không thể điều chỉnh được tình trạng của nhãn áp, bệnh nhân cần chuyển lên tuyến trên. Lúc này, bệnh nhân sẽ được thực hiện laser hoặc phẫu thuật tùy theo từng trường hợp.
VD: Laser tạo hình bè; Laser cắt mống mắt chu biên; Cắt bè củng giác mạc bằng phẫu thuật; Phẫu thuật đặt van tiền phòng hoặc quang đông thể mi
– Do Glocom thể mi:
Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc chống viêm Steroid (VD: Dexamethasone 0.1% tra mắt 4 lần/ngày). Cùng với đó là thuốc hạ nhãn áp dạng uống dùng trong 3 đến 5 ngày. Sau đó duy trì bằng cách sử dụng thuốc hạ nhãn áp tra mắt.
Nếu nhãn áp vẫn không được điều chỉnh, bệnh nhân sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để được phẫu thuật.
– Do chất thể thủy tinh:
Dùng thuốc hạ nhãn áp cả ở mắt và toàn thân. Nếu không có tiến triển thì cần chuyển lên bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật.
– Do xuất huyết tiền phòng, hoặc xuất huyết nội nhãn:
Bệnh nhân sử dụng thuốc hạ nhãn áp (có thể kết hợp cho toàn thân). Nếu không hiệu quả sẽ cần chuyển lên bệnh viện tuyến trên để chọc và rửa máu tiền phòng. Có thể sẽ cần cắt dịch kính để làm sạch máu. Sau đó phẫu thuật tạo lỗ rò hoặc đặt shunt nếu nhãn áp tăng dai dẳng.
2.4.2 Trường hợp bệnh do sử dụng thuốc
– Do sử dụng nhiều thuốc corticosteroid:
Biện pháp đầu tiên cần thực hiện là ngừng sử dụng corticosteroid. Sau đó dùng thuốc hạ nhãn áp hoặc phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
– Do hậu phẫu thuật nội nhãn:
Điều trị hạ nhãn áp tại chỗ và toàn thân. (VD: Thuốc giãn đồng tử, ức chế AC, chẹn beta,…) Trong một số trường hợp khẩn cấp có thể dùng đồng thời cả 2 đến 3 loại thuốc hạ nhãn áp.
Nếu không thể kiểm soát tăng nhãn áp bằng thuốc, bệnh nhân cần được chuyển lên tuyến trên để thực hiện phẫu thuật phù hợp.
2.4.3 Trường hợp do tăng áp lực tĩnh mạch thượng củng mạc
Dùng thuốc hạ nhãn áp cho toàn thân và tại chỗ. Nếu không có hiệu quả thì tiến hành thực hiện laser hoặc phẫu thuật.
>>>>>Xem thêm: Tân mạch võng mạc: Triệu chứng và điều trị
Phòng bệnh từ sớm vẫn tốt hơn chữa bệnh
Tuy nhiên, phòng bệnh từ sớm vẫn tốt hơn chữa bệnh. Để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, mỗi chúng ta nên duy trì thói quen kiểm tra mắt thường xuyên. Kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Tóm lại, trên đây là những thông tin về Glocom góc mở mà Hệ thống y tế Thu Cúc TCI muốn gửi đến bạn. Nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào khác, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất bởi đội ngũ chuyên gia nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.