Ô nhiễm không khí khiến con người phải tiếp xúc trực tiếp với các hạt mịn trong không khí, tạo điều kiện cho chúng xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và gây ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh nhiễm trùng hô hấp thậm chí ung thư phổi. Tuy nhiên, hậu quả của ô nhiễm không khí không chỉ dừng lại ở đó.
Bạn đang đọc: Hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe
1. Thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Thành phố Hà Nội là một trong những khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất trên cả nước. Có nhiều thời điểm bụi mịn bao phủ cả bầu trời, hạn chế tầm nhìn và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Từ năm 2010 đến nay, nồng độ bụi mịn PM 2.5 luôn có xu hướng tăng mạnh, tình trạng cao điểm ô nhiễm xảy ra thường xuyên ở thành phố.
Chỉ số AQI dao động trong mức 150 – 250 tức mức báo động rất nguy hiểm. Cụ thể AQI là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày với 5 chất ô nhiễm cơ bản trong không khí là bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3. Ứng dụng AirVisual cũng ghi nhận lúc 8 giờ sáng ngày 3/12/2023, thành phố Hà Nội đứng thứ 3 trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xếp sau Karachi và Lahore (Pakistan).
Vào 13 giờ 25 phút chiều ngày 13/12/2023, chỉ số AQI trên hệ thống quan trắc của thành phố có đến 7 vị trí hiện màu nâu tương ứng chỉ số AQI dao động từ 101 – 150 (tức kém). Ở mức này, những người nhạy cảm dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe, người khỏe mạnh ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cần chú ý.
Thành phố Hà Nội là một trong những khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất trên cả nước.
2. Hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người và động vật
Không khí sạch sẽ, trong lành là nguồn tài nguyên cực kỳ quý giá cho sức khỏe và cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh.
2.1. Hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người
Một trong những hậu quả đáng lo ngại nhất của ô nhiễm không khí là những tác động tiêu cực lên sức khỏe. Những chất ô nhiễm như PM2.5, PM10, SO2, NO2, CO và O3 có thể thâm nhập sâu vào phổi gây viêm phổi, hen suyễn, bệnh tim mạch thậm chí ung thư.
Đặc biệt PM 2.5 có khả năng gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và tử vong sớm. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cung cấp bằng chứng về mối tương quan giữa tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tiểu đường tuýp 2, viêm hệ thống, Alzheimer và mất trí nhớ.
Trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương trước không khí ô nhiễm.
Tìm hiểu thêm: Trật khớp vai tái diễn càng trẻ càng dễ bị
Những tổn thương sức khỏe do không khí ô nhiễm trong giai đoạn phát triển có thể dẫn đến nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý trong tương lai.
2.2. Hậu quả của ô nhiễm không khí đến động thực vật
Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí còn gây ảnh hưởng lên động thực vật.
Các chất như PM2.5, SO2, NO2, CO và O3 có thể gây ra những vấn đề sức khỏe cho động vật như viêm phổi hay tim mạch. Động vật hoang dã, đặc biệt là chim hay các loài có vú nhỏ rất dễ chịu tác động của môi trường. Ngoài ra tình trạng ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của động vật khi chúng gây ra sự biến đổi gen làm giảm khả năng sinh sản. Nhìn chung, ô nhiễm không khí làm thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, giảm chất lượng môi trường sống và tác động đến khả năng tồn tại của động vật.
Các chất ô nhiễm như PM2.5 có thể gây ra các vấn đề cho thực vật như giảm sự phát triển, giảm năng suất thậm chí chết cây. Những loài nhạy cảm như thông hay sồi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm. Hậu quả của ô nhiễm không khí cũng tác động tiêu cực tới môi trường sống của thực vật, giảm khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời từ đó cản trở quá trình quang hợp. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sinh trưởng của thực vật và còn gây ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái, tác động tiêu cực đến cân bằng sinh thái.
2.3. Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên nền kinh tế
Hậu quả kinh tế rõ nét nhất của ô nhiễm không khí là chi phí y tế tăng cao. Các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí từ những bệnh hô hấp thông thường cho đến bệnh tim mạch, ung thư,… đều cần điều trị. Chi phí cho vấn đề này có thể lên đến hàng tỷ đô mỗi năm, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế và kinh tế xã hội.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây giảm sút năng suất lao động. Khi một người lao động mắc bệnh do không khí ô nhiễm, họ phải nghỉ làm, từ đó gây giảm năng suất lao động và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Việc các mắt xích đứt đoạn không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia.
Theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia vào năm 2016, chỉ riêng ở thành phố Hà Nội, ước tính chi phí khám chữa bệnh hô hấp và thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500vnđ/ người/ ngày. Với khoảng 3.5 triệu dân nội thành tại thời điểm đó, tổng thiệt hại kinh tế ước tính rơi vào 2.000 tỷ đồng/năm.
Cuối cùng, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến giá trị bất động sản. Những khu vực có chất lượng không khí kém thường có giá trị bất động sản giảm sút so với những khu khác. Vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng đến người sống trong khu vực mà còn giảm thu nhập từ thuế bất động sản của chính phủ.
3. Bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng
Để sở hữu một nền tảng sức khỏe tốt trước tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, ngoài việc hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm nhiều nhất có thể như hạn chế luyện tập ngoài trời, đeo khẩu trang chống bụi khi phải di chuyển,… thì chúng ta cần bảo vệ và chăm sóc bản thân từ bên trong. Chính vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng, bắt đầu từ việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học là rất quan trọng.
Cụ thể mỗi người nên bổ sung đầy đủ bốn nhóm dưỡng chất gồm tinh bột, chất béo, đạm, các vitamin và khoáng chất. Để phòng ngừa ảnh hưởng xấu của các chất oxy hóa, chúng ta nên bổ sung thêm vào thực đơn trái cây và rau xanh.
Ngoài ra mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, tần suất mỗi năm từ một đến hai lần đều đặn để nắm bắt được tổng quan tình hình sức khỏe, thể trạng bản thân, phát hiện sớm những bất thường cũng như nghe tư vấn từ chuyên gia về những phương pháp bảo vệ, cải thiện sức khỏe hiệu quả, an toàn và phù hợp nhất.
>>>>>Xem thêm: Quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân từ A đến Z cần biết
Mọi người nên chủ động khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe hiệu quả trước tình hình ô nhiễm hiện nay.
Ô nhiễm không khí đe dọa đến sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến tình trạng này. Do đó mỗi người hãy nâng cao nhận thức cá nhân, hành động ngay hôm nay vì sức khỏe chính bản thân và cộng đồng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.