Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Đường kính niệu đạo trung bình ở người trưởng thành là 4 – 6mm, đủ rộng để nước tiểu chảy qua dễ dàng. Niệu đạo bị thu hẹp sẽ gây cản trở dòng nước tiểu. Hẹp niệu đạo chủ yếu xảy ra ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hẹp niệu đạo.
Hẹp niệu đạo điều trị bằng cách nào?
Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo
Niệu đạo bị thu hẹp có thể là do viêm mô hoặc do mô sẹo. Mô sẹo có thể là kết quả của nhiều vấn đề khác nhau. Những bé trai đã phẫu thuật điều trị lỗ tiểu lệch thấp (một dị tật bẩm sinh trong đó lỗ tiểu nằm ở mặt dưới của quy đầu) và nam giới cấy thể hang nhân tạo có nguy cơ bị hẹp niệu đạo cao hơn.
Va đập ở vùng chậu là một loại chấn thương phổ biến có thể dẫn đến hẹp niệu đạo.
Các nguyên nhân khác có thể gây hẹp niệu đạo gồm có:
- Gãy xương chậu
- Đặt ống thông tiểu
- Xạ trị
- Phẫu thuật tuyến tiền liệt
- Phì đại tuyến tiền liệt
Các nguyên nhân hiếm gặp gồm có:
- Khối u gần niệu đạo
- Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị hoặc tái đi tái lại
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như bệnh lậu hoặc chlamydia
Ai có nguy cơ bị hẹp niệu đạo?
Hẹp niệu đạo có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng nam giới có nguy cơ cao hơn nhiều, đặc biệt là những người:
- bị một hoặc nhiều bệnh truyền qua đường tình dục
- gần đây đã sử dụng ống thông tiểu (ống hẹp, mềm được đưa vào cơ thể để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang)
- bị viêm niệu đạo, có thể do nhiễm trùng
- bị phì đại tuyến tiền liệt
Triệu chứng hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo có thể gây ra nhiều triệu chứng, từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng của hẹp niệu đạo gồm có:
- Dòng nước tiểu yếu, ngắt quãng hoặc giảm lượng nước tiểu
- Buồn tiểu đột ngột
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu không hết bãi
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Tiểu không tự chủ
- Đau ở vùng chậu hoặc bụng dưới
- Dịch tiết bất thường từ niệu đạo
- Sưng đau dương vật
- Máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu
- Nước tiểu sẫm màu
- Không thể đi tiểu (đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng rất nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức)
Chẩn đoán hẹp niệu đạo
Các phương pháp chẩn đoán hẹp niệu đạo gồm có:
Hỏi về triệu chứng và bệnh sử
Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng gặp phải cũng như bệnh sử và các thủ thuật y tế đã từng thực hiện trước đây để xem có yếu tố nguy cơ nào liên quan đến hẹp niệu đạo hay không.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng ở vùng sinh dục sẽ giúp bác sĩ phát hiệ các dấu hiệu của chứng hẹp niệu đạo, ví dụ như vết đỏ, dịch tiết từ niệu đạo, các vùng cứng hoặc sưng tấy.
Khám cận lâm sàng
Khám lâm sàng là chưa đủ để xác nhận chẩn đoán hẹp niệu đạo mà sẽ phải thực hiện thêm các phương pháp khám cận lâm sàng sau đây:
- Đo niệu động học (đo tốc độ dòng nước tiểu)
- Xét nghiệm nước tiểu (quan sát các đặc điểm của nước tiểu và đo nồng độ các chất trong mẫu nước tiểu để em có vi khuẩn, bạch cầu hoặc máu hay không)
- Nội soi bàng quang: đưa một ống dài, hẹp có gắn camera qua niệu đạo để quan sát bên trong bàng quang và niệu đạo (giúp trực tiếp phát hiện tình trạng hẹp niệu đạo)
- Đo kích thước lỗ niệu đạo
- Xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia (hai bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây hẹp niệu đạo)
Điều trị hẹp niệu đạo
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Phương pháp điều trị không phẫu thuật
Phương thức điều trị không phẫu thuật chính cho chứng hẹp niệu đạo là nong giãn niệu đạo. Đây là một thủ thuật ngoại trú, nghĩa là người bệnh không cần phải nằm viện. Trước tiên, bác sĩ đưa một que nhỏ qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh để bắt đầu làm giãn niệu đạo, sau đó tăng dần kích thước que nong (hoặc bóng) để mở rộng niệu đạo.
Một phương thức điều trị không phẫu thuật khác là đặt ống thông tiểu vĩnh viễn. Đây là một giải pháp thường dành cho những trường hợp hẹp niệu đạo nghiêm trọng. Đặt ống thông tiểu vĩnh viễn tiềm ẩn một số rủi ro, chẳng hạn như kích ứng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Phẫu thuật
Đôi khi, hẹp niệu đạo cần điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là một giải pháp cho những trường hợp hẹp niệu đạo trong thời gian dài và nghiêm trọng. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ đoạn niệu đạo bị hẹp và tái tạo lại niệu đạo. Kết quả tùy thuộc vào mức độ hẹp niệu đọa.
Chuyển lưu dòng tiểu
Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phải thực hiện thủ thuật chuyển lưu dòng tiểu. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ tạo một lỗ mở trên bụng của người bệnh và sử dụng một đoạn ruột để nối niệu quản với lỗ mở. Sau phẫu thuật, nước tiểu sẽ chảy từ thận qua niệu quản đến lỗ mở vào một túi chứa mà người bệnh đeo ở bụng dưới. Chuyển lưu dòng tiểu thường chỉ được thực hiện khi bàng quang bị tổn thương nghiêm trọng hoặc cần phải cắt bỏ bàng quang.
Phòng ngừa hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Vì bệnh lây truyền qua đường tình là một trong các nguyên nhân nên việc sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục có thể giúp giảm nguy cơ hẹp niệu đạo. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây hẹp niệu đạo không thể phòng ngừa một cách tuyệt đối, ví dụ như chấn thương hay các tình trạng bệnh lý.
Điều quan trọng là phải đi khám ngay khi gặp phải các triệu chứng hẹp niệu đạo. Điều trị sớm là cách tốt nhất để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Tiên lượng về lâu dài
Nhiều người có tiên lượng tốt sau khi điều trị hẹp niệu đạo. Người bệnh cũng có thể cần phải tiếp tục điều trị trong tương lai nếu tình trạng hẹp niệu đạo là do mô sẹo.
Trong một số trường hợp, hẹp niệu đạo dẫn đến bí tiểu, tình trạng không thể đi tiểu do tắc nghẽn hoàn toàn ở niệu đạo. Đây là một tình trạng nguy hiểm. Người bệnh phải đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng hẹp niệu đạo và không thể đi tiểu.