Hẹp van 2 lá là bệnh lý van tim phổ biến, chiếm gần 60% trong tổng số các trường hợp có bất thường về van tim. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới và có thể gây nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là đột qụy, suy tim, nhồi máu cơ tim. Cùng tìm hiểu hẹp van tim 2 lá là gì và những đặc điểm của bệnh này trong bài viết sau đây nhé.
Bạn đang đọc: Hẹp van 2 lá là bệnh gì? Có gây nguy hiểm không?
1. Hẹp van 2 lá là bệnh gì?
Cấu tạo quả tim bình thường gồm hai tâm thất và hai tâm nhĩ. Nhĩ trái ngăn cách thất trái bằng van 2 lá. Còn nhĩ phải ngăn cách thất phải bằng van 3 lá.
Trong một chu trình tim bơm máu đi nuôi cơ thể, máu đi theo 1 chiều từ tâm nhĩ trái qua van 2 lá xuống tâm thất trái và từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải qua van 3 lá. Tâm thất trái co bóp đưa máu ra động mạch chủ, còn tâm thất phải có nhiệm vụ tống máu tới động mạch chủ để lên phổi trao đổi oxy.
Hẹp van hai lá xảy ra khi van này không mở hết khiến máu từ tâm nhĩ không thể tống hoàn toàn xuống tâm thất. Diện tích lỗ van 2 lá thường mở rộng khoảng 4 – 6cm2. Khi diện tích này nhỏ hơn 2cm2 thì có thể chẩn đoán bệnh nhân đã bị hẹp van tim.
Hẹp van hai lá làm giảm lượng máu xuống tâm thất. Máu bị ứ lại tại nhĩ trái có thể gây ứ máu tại phổi, dẫn đến khó thở, suy tim phải, suy tim xung huyết…
Hẹp van tim 2 lá là bệnh lý về tim phổ biến, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân gây bệnh hẹp van tim hai lá
Theo các bác sĩ, bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, với tỷ lệ 70-90% ca mắc bệnh. Nguyên nhân chính bao gồm:
2.1.Hẹp van 2 lá do chứng thấp tim
Nguyên nhân này chiếm tới 60% các ca bệnh. Bệnh gây ra do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A và thường khởi phát bằng tình trạng viêm hầu họng.
2.2. Hẹp van 2 lá do dị tật bẩm sinh
Nguyên nhân này chỉ chiếm một số ít trường hợp. Dạng dị tật bẩm sinh ở van 2 lá thường là van 2 lá hình dù hoặc van 2 lá có vòng thắt. Còn lại 20% ca bệnh không rõ nguyên nhân.
Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, bệnh hẹp van tim 2 lá cũng có thể xảy ra do một số nguyên do khác như:
– Sốt thấp khớp
– Tổn thương do xơ vữa
– Vôi hóa van hai lá
– Các bệnh hệ thống như u carcinoid, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, lắng đọng mucopolysaccharide…
– Các bệnh lý khác như bệnh cơ tim phì đại, bệnh thận mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao…
– Do tuổi tác khiến van tim kém linh hoạt, dễ bị vôi hóa, gây ra hạn chế lưu lượng máu đi qua
Tìm hiểu thêm: Bệnh lý sa sút trí tuệ tâm thần cần thăm khám sớm
Nguyên nhân chính gây hẹp van 2 lá do chứng thấp tim.
3. Triệu chứng điển hình của bệnh
Người bệnh có van tim 2 lá bị hẹp có thể gặp các dấu hiệu cảnh báo từ sớm, bao gồm:
– Khó thở: Là một triệu chứng điển hình của bệnh. Người bệnh thường khó thở dữ dội, khó thở dai dẳng, vật vã. Có thể khó thở khi gắng sức, khi nằm nghỉ ngơi, khó thở về đêm…
– Ho ra máu: Hiện tượng này xảy ra do nhĩ trái bị tăng áp lực làm giãn tĩnh mạch nhỏ của phế quản.
– Khó nuốt: Do nhĩ trái tăng áp lực đè vào thực quản.
– Rối loạn nhịp tim: Do rung nhĩ, biểu hiện đánh trống ngực, hồi hộp.
– Đau thắt ngực: Thường gặp ở những trường hợp hẹp van do xơ vữa.
– Hen tim, phù phổi cấp: Có tiếng rít ở phổi, khó thở dữ dội, ho ra bọt hồng…
– Khàn tiếng: Nhĩ trái tăng áp lực, giãn to chèn vào dây thanh quản quặt ngược trái.
– Tắc mạch: Nhĩ trái giãn có thể gây các khối máu đông trong buồng tim tạo ra biến chứng tắc mạch chi, tai biến mạch não…
– Suy tim phải: Biểu hiện phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
– Giảm khả năng thể lực: Người bệnh có thể cảm thấy tay chân yếu đi do không được cung cấp đủ máu.
Mỗi người bệnh sẽ gặp triệu chứng hẹp van tim 2 lá khác nhau. Một số bệnh nhân không hề xuất hiện triệu chứng nào dẫn đến tâm lý chủ quan, coi thường bệnh.
4. Bệnh hẹp van tim hai lá có gây nguy hiểm không?
Đây là bệnh lý liên tục suốt đời, có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính, đe dọa tính mạng, nguy hiểm nhất là đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp. Nếu đã bị tăng áp lực động mạch phổi nặng thì thời gian duy trì sự sống chỉ còn dưới 3 năm.
Các biến chứng khác có thể gặp ở người mắc bệnh hẹp van tim 2 lá là rối loạn nhịp tim, tắc mạch, suy tim phải… gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tỷ lệ tử vong ở người hẹp van 2 lá không điều trị ứ huyết ở phổi là 60-70%, do nhồi máu phổi 10%, do tắc mạch đại tuần hoàn 20-30%, do nhiễm trùng 1-5% ca bệnh.
5. Hẹp van 2 lá có điều trị khỏi được không?
Đây là căn bệnh nguy hiểm và cho đến nay, bệnh van tim 2 lá vẫn không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có thể tránh được biến chứng của bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp:
– Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tình trạng hẹp nhẹ thì bác sĩ có thể cho bệnh nhân điều trị tại nhà, thăm khám định kỳ, theo dõi tiến triển của bệnh.
– Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn, khi cơ thể có các dấu hiệu rõ rệt như khó thở, loạn nhịp tim, đau ngực…bác sĩ có thể chỉ định cho điều trị nội khoa dùng thuốc. Việc này giúp làm giảm triệu chứng và nguy cơ biến chứng.
– Nếu bệnh đã ở vào giai đoạn nghiêm trọng, van tim bị hỏng hoàn toàn và sử dụng thuốc không hiệu quả thì có thể sử dụng các phương pháp điều trị cao cấp hơn sẽ được sử dụng để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân bệnh mạch vành và cách điều trị cần biết
Hẹp van tim 2 lá là bệnh lý liên tục suốt đời, càng phát hiện và điều trị sớm càng tránh được những biến chứng nguy hiểm.
6. Có thể chủ động phòng tránh bệnh hẹp van tim hai lá không?
Mặc dù căn bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh thông qua duy trì lối sống lành mạnh. Việc có những thói quen ăn uống, sinh hoạt tốt cũng góp phần quan trọng trong việc giảm tiến triển của bệnh nếu không may mắc phải.
Một vài lời khuyên các bác sĩ trong việc phòng tránh bệnh hẹp van tim 2 lá như sau:
– Nên duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, bổ sung các thực phẩm tốt cho tim mạch, hạn chế rượu bia, thuốc lá, cafe…
– Hạn chế ăn mặn, nên ăn ít chất béo
– Hạn chế làm việc gắng sức, nên nghỉ ngơi hợp lý
– Chăm sóc răng miệng sạch sẽ, nếu có bệnh nha khoa nên điều trị sớm
– Nếu có các triệu chứng sốt, viêm họng…cần điều trị triệt để tránh bị viêm họng do liên cầu, tăng nguy cơ gây bệnh thấp tim
– Nên giữ cân nặng hợp lý, tránh để tăng cân, béo phì ảnh hưởng tới tim mạch
– Thường xuyên tập luyện, vận động để lưu thông tuần hoàn cơ thể
– Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe
Tóm lại, hẹp van 2 lá là bệnh nguy hiểm, không nên chủ quan. Nếu bạn và người thân nhận thấy những dấu hiệu bất thường như khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp, đau ngực…nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.