Nếu như trước đây, polyp đại tràng thường gặp ở người lớn tuổi (từ 50 tuổi) thì hiện nay, các trường hợp có polyp ở người trẻ tuổi ngày một phổ biến. Tìm hiểu về polyp và phương pháp điều trị để chủ động đối phó đúng cách với bệnh.
Bạn đang đọc: Hiểu về polyp đại tràng và phương pháp điều trị
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là tổ chức tăng sinh phát triển lồi lên bất thường bên trong lòng ống tiêu hóa. Polyp có 2 dạng là polyp có cuống và polyp không có cuống.
Về nguyên nhân hình thành polyp vẫn chưa thể kết luận chính xác. Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành polyp như sau:
– Độ tuổi. Người từ 45 tuổi có nguy cơ mắc polyp cao hơn.
– Có thành viên trong gia đình là bố mẹ, anh chị em ruột bị mắc polyp đại trực tràng.
– Ăn uống không đảm bảo tính khoa học, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn nhiều chất bảo quản, ăn ít chất xơ,…
– Người hút thuốc lá.
– Người béo phì.
– Người lười vận động.
Polyp phát triển lồi bất thường bên trong lòng đại tràng.
2. Các loại polyp đại trực tràng
Các loại polyp gặp phổ biến là polyp tăng sản và polyp tuyến. Trường hợp hiếm gặp và nguy hiểm là polyp ác tính.
2.1. Polyp đại tràng tăng sản
Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, nằm ở phần cuối của đại tràng (gồm đại tràng sigma và trực tràng). Polyp tăng sản hầu như không có khả năng trở thành ác tính nên không quá đáng lo ngại. Dựa vào ngoại hình sẽ không dễ dàng phân biệt được là polyp tăng sản hay polyp tuyến. Thông thường, bác sĩ sẽ cần dựa vào kết quả giải phẫu mô bệnh học sau khi đã cắt bỏ polyp để kết luận về loại polyp.
2.2. Polyp tuyến
Hai phần ba polyp ở đại tràng là polyp tuyến. Hầu hết các polyp tuyến cũng không phát triển thành ung thư nhưng khả năng biến đổi tế bào thành ác tính vẫn có và cao hơn ở polyp tăng sản. Mức độ nguy hiểm của polyp tuyến sẽ phụ thuộc vào kích thước, hình dạng nhẵn hay có cấu trúc răng cưa và các đặc điểm cụ thể của polyp như có sung huyết không, có loét không,…
Về cơ bản, kích thước của polyp tuyến khi càng lớn thì khả năng trở thành ung thư sẽ càng cao. Do đó, các polyp lớn (lớn hơn 2-5mm) nên được loại bỏ sớm để ngăn ngừa nguy cơ phát triển thành ung thư và thực hiện sinh thiết làm giải phẫu bệnh để xác định tính chất tổn thương.
2.3. Polyp đại tràng ác tính
Polyp đại tràng ác tính là những polyp có chứa tế bào ung thư. Việc điều trị tối ưu cho polyp ác tính sẽ cần phụ thuộc vào mức độ ung thư (theo kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh) và các yếu tố cá nhân khác. Ở giai đoạn ung thư sớm, việc điều trị sẽ thuận lợi hơn và mang hiệu quả chữa khỏi bệnh lên tới 90-95%.
3. Phương pháp chẩn đoán polyp
Phương pháp chẩn đoán chính và tối ưu được thực hiện, mang độ chính xác cao đối với polyp đại trực tràng là nội soi đường tiêu hóa dưới. Nội soi giúp xác định vị trí polyp, quan sát rõ ngoại hình polyp, tiên lượng tốt tính chất tổn thương. Đặc biệt, không dừng lại ở giá trị chẩn đoán, bác sĩ có thể thực hiện lấy mẫu làm sinh thiết giải phẫu bệnh kết luận về nguy cơ ác tính và can thiệp loại bỏ polyp ngay qua nội soi. Đây cũng là ưu điểm vượt trội mà các phương pháp chẩn đoán khác không thể thực hiện.
Nội soi đại tràng là thủ thuật có xâm lấn nên đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt trước nội soi để thủ thuật được diễn ra thuận lợi và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Khi có kế hoạch nội soi dạ dày đại tràng, bạn nên chủ động liên hệ đặt lịch trước để được nhân viên y tế hướng dẫn chi tiết về các yêu cầu này.
Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm dạ dày HP: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả
Nội soi đại tràng giúp phát hiện và điều trị polyp hiệu quả.
4. Polyp có bắt buộc phải điều trị không? Điều trị như thế nào?
Phần lớn polyp là lành tính nhưng theo thời gian nguy cơ biến đổi tế bào thành ác tính là vẫn có. Theo thống kê, có đến 50% các ca ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp. Loại bỏ polyp sớm cho hiệu quả phòng chống ung thư đường tiêu hóa lên đến 80%.
Phương pháp điều trị polyp phổ biến hiện nay với lợi thế không đau, không mổ mở, thời gian hồi phục nhanh là can thiệp cắt polyp qua nội soi. Bác sĩ khi phát hiện polyp sẽ đánh giá chi tiết về polyp để ra chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:
– Polyp nhỏ (nhỏ hơn 2mm), không có dấu hiệu ác tính: Trường hợp này có thể chưa cần điều trị, người bệnh thực hiện thăm khám kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn.
– Polyp lớn từ 2mm-2cm: Thực hiện can thiệp cắt polyp ngay qua nội soi.
– Polyp kích thước từ 2cm hoặc polyp nghi ngờ ác tính: Bác sĩ sẽ cần thực hiện các kỹ thuật nội soi hiện đại, đánh giá đầy đủ về polyp và thực hiện cắt qua nội soi khi có thể. Trường hợp polyp đại tràng là ác tính có thể sẽ phải chuyển qua điều trị phẫu thuật mổ mở.
>>>>>Xem thêm: Viêm đại tràng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết bệnh
Can thiệp cắt polyp qua nội soi cho hiệu quả điều trị tốt, không đau, không chảy máu.
5. Phòng ngừa giảm nguy cơ mắc polyp đại tràng
Để giảm nguy cơ bị mắc polyp đại trực tràng cũng như để phòng ngừa nguy cơ polyp phát triển ác tính, việc thăm khám nội soi kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thiết cần được chú trọng thực hiện. Song song với đó cần xây dựng thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo bạn sẽ có một sức khỏe hệ tiêu hóa ổn định, đề kháng tốt giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.
Muốn vậy chúng ta nên:
– Tăng cường thêm nhóm chất xơ thể rau xanh, trái cây, ăn các loại hạt vào chế độ ăn uống;
– Nên hạn chế bia rượu và bỏ thuốc lá;
– Bổ sung thêm vitamin D, canxi đúng cách theo chỉ định của bác sĩ;
– Tập thể dục đều đặn, duy trì luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày;
– Giữ tinh thần được thoải mái, tránh việc phải chịu áp lực/stress nặng trong thời gian dài;
– Sinh hoạt theo khung giờ giấc ổn định sẽ góp phần tránh bị rối loạn tiêu hóa
– Chủ động thăm khám tiêu hóa, nội soi tiêu hóa định kỳ. Điều này đặc biệt cần thiết với những người có tiền sử gia đình bị polyp đại trực tràng.
Không thể chủ quan với polyp đại tràng, biện pháp phòng ngừa hiệu quả là cắt bỏ sớm ngay qua nội soi. Cắt polyp là thủ thuật khó đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe vì vậy bạn hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín thực hiện nội soi công nghệ hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giỏi để được thăm khám và điều trị polyp hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.