Ho có đờm là một triệu chứng rất thường gặp, đặc biệt khi người bệnh mắc các bệnh lý hô hấp. Theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị triệu chứng này.
Bạn đang đọc: Ho có đờm: Nguyên nhân và cách điều trị
1. Ho có đờm là tình trạng gì?
Đờm là từ dùng để chỉ chung loại dịch được tiết ra ở các bộ phận của đường hô hấp như khí phế quản, hốc mũi, xoang trán, họng,… Thành phần đờm có thể gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ, các chất độc khác.
Ho có đờm là tình trạng ho kèm với các chất dịch được tiết ra từ đường hô hấp, có thể thông qua đường mũi và/hoặc đường miệng. Ho có đờm là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
Ho đờm là một triệu chứng rất phổ biến ở những người có vấn đề về sức khỏe.
2. Nguyên nhân gây ho đờm kéo dài là gì?
Nguyên nhân gây tình trạng ho và đờm khá đa dạng nhưng chủ yếu liên quan đến một số loại bệnh lý về hô hấp sau:
2.1 Bệnh lao phổi
Những người mắc bệnh lao phổi thường xuất hiện các cơn ho kèm theo đờm trong nhiều ngày. Đờm tiết ra ở các bệnh nhân này thường có màu trắng đục, có thể lẫn máu trong một số trường hợp. Tình trạng đờm mủ kéo dài có mùi hôi gây khó chịu. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy đau tức ngực ở vùng phổi bị viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tăng nặng, biến chứng dẫn đến suy hô hấp, gây tử vong.
2.2 Bệnh viêm phổi
Tần suất ho của người bệnh viêm phổi thường dày hơn so với người bị lao phổi. Khi ho, dịch đờm sẽ theo các cơn ho tống ra ngoài, thường có màu vàng đậm hoặc vàng nhạt. Người bệnh có thể cảm thấy tức ngực, khó thở, đặc biệt là khi ho nhiều.
2.3 Viêm phế quản
Ở những giai đoạn đầu của bệnh này, người bệnh chỉ xuất hiện những cơn ho khan. Sau đó chuyển sang ho có đờm. Đờm trong trường hợp này thường nhớt và tập trung phần lớn ở phế quản và được tiết ra nhiều nhất vào buổi sáng. Màu sắc có thể là trắng đục, vàng, xanh.
2.4 Giãn phế quản
Đây là biến chứng của bệnh viêm phế quản nếu bệnh không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm. Đờm thường tiết ra nhiều vào buổi sáng sớm, gây kích thích cổ họng và gây ho nhiều nhất vào khoảng thời gian này trong ngày. Đờm ở bệnh nhân bị giãn phế quản thường có màu trắng đục như mủ, kết cấu chắc, rất khó để đánh bật ra ngoài.
2.5 Viêm nhiễm đường thở
Tình trạng viêm nhiễm đường thở lâu ngày có thể khiến niêm mạc thu hẹp, làm suy giảm hệ miễn dịch. Các cơn ho đờm cũng bởi vậy mà kéo dài dai dẳng không khỏi.
2.6 Cảm cúm
Ho kèm theo đờm cũng là một trong những triệu chứng cảm cúm. Trước đó, người bệnh thường sẽ có các cơn ho gió, ho khan.
2.7 Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
COPD là dạng bệnh lý tắc nghẽn lưu thông khí ở phổi do đường thở bị thu hẹp. Các triệu chứng điển hình của bệnh: ho kèm theo đờm màu trắng đục, xanh lá, vàng xanh dai dẳng, có thể kèm tức ngực, thở gấp.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường như ô nhiễm, bụi bẩn, nhiều khói, nguồn nước nhiễm khuẩn là những tác nhân gây ra ho kèm đờm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đường thở.
Tìm hiểu thêm: Ho ban đêm phải làm sao? có mức độ nguy hiểm cao
Ho tiết nhiều đờm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng thường liên quan đến bệnh lý hô hấp.
3. Các triệu chứng thường đi kèm ho có đờm
Tùy vào loại bệnh, tình trạng ho kèm theo đờm sẽ xuất hiện cùng các triệu chứng khác như:
– Sốt
– Khó thở
– Đau đầu
– Tiêu chảy, buồn nôn
– Đau tức ngực
4. Làm sao để cải thiện tình trạng ho đờm?
Khi có biểu hiện ho đờm kéo dài lâu ngày không khỏi, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để xác định chính xác nguyên nhân, điều trị thích hợp, hiệu quả để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này.
4.1 Biện pháp cải thiện ho có đờm không dùng thuốc
Khi người lớn hoặc trẻ bị ho có kèm theo đờm, các chuyên gia khuyến cáo biện pháp giảm nhẹ gồm:
– Cải thiện chế độ sinh hoạt
– Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích thích gây ngứa họng ho và sinh đờm
– Súc miệng hàng ngày, nên dùng nước muối sinh lý
– Uống nhiều nước
– Tăng cường ăn các loại thực phẩm như hoa quả, rau xanh chứa nhiều vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể
Nếu đờm quá nhiều, người bệnh có thể sử dụng thiết bị y tế như máy xông mũi họng, máy hút dịch và rửa mũi, máy hút đờm… để loại đờm ra khỏi cơ thể.
4.2 Biện pháp chữa ho có đờm bằng cách dùng thuốc
Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định để bệnh nhân dùng một số loại thuốc giảm ho, long đờm tại nhà như: Terpin hydrat, Acetylcystein, Bromhexin hydroclorid… Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc, sử dụng với liều lượng phù hợp để mang lại hiệu quả cao và hạn chế tác dụng phụ.
Ngoài ra, có thể áp dụng một số bài thuốc từ gừng tươi, củ cải trắng để giúp thuyên giảm các triệu chứng.
5. Phòng tránh ho kèm theo đờm dai dẳng
Để phòng ngừa tình trạng ho kèm theo đờm, cần phải phòng tránh các tác nhân gây bệnh. Một số biện pháp được khuyến cáo đối với những bệnh nhân bị ho đờm:
– Đeo khẩu trang đúng cách, đặc biệt là khi tiếp xúc với những người mắc bệnh, khi ra đường hoặc tới những khu vực công cộng
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngăn virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể
– Vệ sinh nơi ở, tạo không gian thoáng mát giúp không khí được lưu thông, tránh ở những nơi có độ ẩm cao
– Hạn chế tiếp xúc với người đang có biểu hiện ho, sốt
– Tăng cường chăm sóc sức khoẻ đặc biệt là trong thời điểm giao mùa bằng cách bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tập thể dục thể thao đều đặn, vận động thường xuyên
– Trong trường hợp bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, cần đi khám và điều trị sớm, tránh bệnh diễn tiến nặng hơn thành mạn tính, gây nguy hiểm.
>>>>>Xem thêm: Viêm phổi ở người lớn và cách điều trị, phòng ngừa
Khi gặp tình trạng ho kèm đờm, bệnh nhân nên thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân.
Như vậy, ho có đờm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi gặp tình trạng này, người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám chuyên khoa hô hấp sớm để tìm chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị kịp thời. Nếu có nhu cầu thăm khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.