Hở van động mạch chủ nhẹ là mức độ hở van tim nhẹ nhất, thường không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, không thể coi thường căn bệnh này vì nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Vậy cần xử trí như thế nào khi được chẩn đoán bị hở van động mạch chủ?
Bạn đang đọc: Hở van động mạch chủ nhẹ: Chớ coi thường!
1. Thế nào là hở van động mạch chủ nhẹ?
Như các bạn đã biết, máu nuôi cơ thể được hình thành nhờ hệ tuần hoàn. Máu được tạo ra nhờ sự co bóp của các buồng tim. Sau khi được vận chuyển qua các buồng tim, máu giàu oxy sẽ được tống từ tâm thất tới động mạch chủ, sau đó được phân chia thành các nhánh nhỏ đi nuôi các cơ quan.
Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ và van giúp máu đi theo một chiều. Nhưng khi van này không đóng được hoàn toàn, một phần máu sẽ bị phụt ngược trở lại tâm thất trái. Hiện tượng này gọi là hở van động mạch chủ.
Cũng như các loại hở van tim khác, hở van động mạch chủ có 4 cấp độ: ¼ (nhẹ), 2/4 (trung bình), 3/4 (nặng), 4/4 (rất nặng). Hở van động mạch chủ 1/4 là mức độ nhẹ nhất với tỷ lệ dưới 25%.
Hở van động mạch chủ là hiện tượng van động mạch chủ không thể đóng hoàn toàn
2. Hở van động mạch chủ mức độ nhẹ có nguy hiểm không?
Hở van động mạch chủ là một bệnh lý rất nguy hiểm. Bởi loại hở van tim này gây nên tình trạng quá tải cả về thể tích và áp lực, khiến tim vừa bị giãn ra, vừa phải co bóp nhiều hơn để tống máu đi nuôi cơ thể.
Thông thường, hở van 2 lá, 3 lá 1/4 chỉ là hở van tim sinh lý và không cần điều trị. Nhưng với hở van động mạch chủ thì dù ở mức độ nhẹ nhất cũng là hở van tim bệnh lý và cần phải điều trị sớm. Bởi chủ quan không điều trị sẽ khiến người bệnh tự đẩy mình vào tình thế vô cùng nguy hiểm.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, theo thời gian, tâm thất trái sẽ dần giãn ra và phì đại do lượng máu ứ đọng quá nhiều. Hình dáng thay đổi theo hướng tròn hơn, hay còn gọi là tim to. Quá trình này có khi diễn ra âm thầm trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ mà người bệnh không hề hay biết.
Hở van động mạch chủ ít nguy hiểm khi:
– Hiệu suất tống máu trên 50%
– Tâm thất trái không giãn hoặc giãn rất ít
– Bệnh nhân chưa có triệu chứng
Hở van chủ 1/4 vẫn đặc biệt gây nguy hiểm khi người bệnh xuất hiện những cơn đau thắt ngực, khó thở – dấu hiệu của suy tim, hiệu suất tống máu dưới 50%, buồng tim giãn nhiều.
3. Nguyên nhân gây hở van động mạch chủ
Có nhiều nguyên nhân gây hở van động mạch chủ như các bệnh lá van, bệnh ở gốc động mạch chủ. Ở nước ta, thấp tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Sự xâm nhập của vi khuẩn liên cầu nhóm A gây viêm nhiễm, khiến lá van dày lên, xơ cứng, vôi hoá; các mép van có thể bị dày, dính, không còn khả năng đàn hồi và đóng chặt.
Các nguyên nhân gây hở van động mạch chủ khác:
– Sa lá van
– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, dễ gây thủng van tim
– Sa van động mạch chủ do thông liên thất
– Các bệnh lý gây nên tình trạng giãn gốc động mạch chủ: phình động mạch chủ, tăng huyết áp kéo dài, …
– Các bệnh di truyền như hội chứng Marfan, bệnh Fallot 4 giai đoạn muộn
Tìm hiểu thêm: Bệnh hở van tim có nguy hiểm không? Xử trí như thế nào?
Thấp tim là một trong những nguyên nhân gây hở van động mạch chủ
4. Các triệu chứng của bệnh
Hầu hết các trường hợp hở van động mạch chủ đều có ít triệu chứng cho đến giai đoạn cuối của bệnh. Các triệu chứng của hở van động mạch chủ có thể rất mờ nhạt, từ từ. Nhưng đôi khi các triệu chứng cũng có thể xảy ra rầm rộ, đặc biệt trong những trường hợp hở van do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Các triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân hở van là:
– Khó thở khi gắng sức
– Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
– Hồi hộp đánh trống ngực, tim đập mạnh
– Một số trường hợp có thể đau ngực hoặc ngất (ít xảy ra)
4. Các phương pháp điều trị hở van động mạch chủ
Sử dụng thuốc và thay đổi lối sống là 2 phương pháp chủ yếu để điều trị hở van 1/4s.
4.1 Sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân hở van động mạch chủ nhẹ
Nếu bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng thì chưa thể đưa ra phác đồ điều trị, trừ trường hợp hở van tim do hậu quả của các bệnh tim mạch khác. Trong những trường hợp này, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông, thuốc giãn mạch…để điều trị nguyên nhân và ngăn ngừa bệnh nặng hơn gây biến chứng.
4.2 Xây dựng lối sống lành mạnh – Rất quan trọng trong điều trị hở van động mạch chủ nhẹ
Van động mạch chủ bị hở khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bù lại lượng máu bị thiếu hụt. Bởi vậy bạn cung cấp thêm năng lượng và dinh dưỡng cho tim bằng cách:
– Chế độ ăn
Ăn nhiều loại thực phẩm tốt cho tim như: cần nhiều rau củ quả, các loại đậu, sữa chua hoặc các loại sữa ít béo, thịt gia cầm, các loại cá, đặc biệt là cá biển, ngũ cốc nguyên hạt hay các loại quả hạch (hạt lanh, hạt điều, hạnh nhân, óc chó…). Tránh xa rượu, bia, thuốc lá vì những chất này có thể gây tăng huyết áp, khiến tim phải làm việc nhiều hơn… Hạn chế cà phê, trà, chocolate.
Hạn chế ăn mặn để tránh làm tăng huyết áp, từ đó giảm áp lực cho tim, giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng bệnh hở van nặng hơn.
>>>>>Xem thêm: Phòng tai biến đột quỵ từ chế độ ăn lành mạnh
Ăn ít muối giúp ngăn ngừa bệnh hở van động mạch chủ diễn tiến nặng hơn
– Chế độ sinh hoạt
Một số thay đổi trong chế độ sinh hoạt có thể giúp cải thiện bệnh, tăng khả năng hoạt động của hệ tuần hoàn. Cụ thể, vận động thường xuyên, hoạt động nhẹ nhàng đi bộ, chăm sóc cây cảnh, làm vườn…giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, giảm căng thẳng trong cuộc sống, ăn ngủ ngon hơn. Kiểm soát stress, giảm bớt áp lực trong công việc, đồng thời kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, nóng giận, căng thẳng…
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu: tuy là mức độ hở van tim ít nguy hiểm nhất nhưng không thể chủ quan trước bệnh hở van động mạch chủ nhẹ. Các thông tin trên đây cũng chỉ có tính chất tham khảo và không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Tốt nhất, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có thể phát hiện bệnh sớm, hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Đặc biệt, nếu có những dấu hiệu của suy tim, hãy đi khám ngay để được xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Nếu cần tư vấn về bệnh hoặc phương pháp điều trị, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.