Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn mãn tính, tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các dấu hiệu thường gặp là đau chướng bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy. Dưới đây là phương pháp chẩn đoán và điều trị hội chứng này.
Bạn đang đọc: Hội chứng ruột kích thích: Chẩn đoán và điều trị
1. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Ruột kích thích chủ yếu được chẩn đoán dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng.
1.1. Tiêu chí chẩn đoán
Hiện nay chưa có những bằng chứng thực thể để chẩn đoán chính xác hội chứng này. Việc chẩn đoán chính là quá trình loại trừ các bệnh lý khác. Hai bộ tiêu chuẩn đã được phát triển nhằm xác định tình trạng ruột kích thích và các rối loạn chức năng tiêu hóa khác.
Hai bộ tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn Rome và tiêu chí Manning. Cả hai đều dựa trên các dấu hiệu sau khi đã loại trừ các bệnh lý khác.
- Tiêu chuẩn Rome: Tiêu chuẩn này nêu rõ các triệu chứng để được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích. Trong đó tình trạng đau bụng và khó chịu là triệu chứng quan trọng nhất. Tình trạng này phải liên tục từ 3 ngày/ tháng trở lên và trong 3 tháng gần đây. Đồng thời đau bụng còn đi kèm với ít nhất 2 triệu chứng sau: số lần đại tiện tăng, tần suất hoặc độ đặc của phân thay đổi.
- Tiêu chí Manning: Tập trung vào các triệu chứng như giảm đau sau khi đại tiện, cảm giác đi ngoài không hết phân, thay đổi độ đặc của phân, có chất nhầy trong phân. Khả năng bị ruột kích thích càng cao nếu có càng nhiều dấu hiệu.
1.2. Dấu hiệu và triệu chứng báo động
Bác sĩ sẽ đánh giá tiêu chuẩn nào phù hợp với bạn. Đồng thời bác sĩ cũng xác định xem bạn có dấu hiệu nào cảnh báo các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Các dấu hiệu và triệu chứng báo động bao gồm:
- Người trên 50 tuổi
- Sốt
- Sụt cân
- Buồn nôn hoặc nôn tái phát
- Đau bụng, cơn đau xảy ra vào ban đêm, không hết sau khi đại tiện
- Tiêu chảy kéo dài
- Chảy máu trực tràng
- Thiếu sắt gây thiếu máu
Nếu bạn không có các triệu chứng báo động và phù hợp với các tiêu chuẩn trên, bạn có thể được chỉ định một phác đồ điều trị mà không cần kiểm tra bổ sung. Tuy nhiên bạn có thể phải thực hiện kiểm tra bổ sung nếu không đáp ứng với điều trị này.
1.3. Kiểm tra bổ sung để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Để loại trừ các nguyên nhân khác, bạn có thể phải thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm. Các kiểm tra thường gặp là chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu.
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất là:
- Nội soi đại tràng sigma (bằng ống mềm – ống nội soi đại tràng sigma): để kiểm tra phần dưới của đại tràng.
- Nội soi đại tràng: Phương pháp này giúp kiểm tra toàn bộ đại tràng. Khảo sát này được chỉ định cho một số trường hợp, đặc biệt là những người trên 50 tuổi hoặc có các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý khác nguy hiểm hơn.
- Chụp X-quang: nhằm mục đích thu hình ảnh của đại tràng.
- Chụp CT vùng bụng và khung chậu nhằm loại trừ các nguyên nhân gây ra triệu chứng (nhất là triệu chứng đau bụng).
Tìm hiểu thêm: Chữa viêm loét dạ dày như thế nào và lưu ý những gì?
Các xét nghiệm khác
Bên cạnh phương pháp chẩn đoán hình ảnh, một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán chứng ruột kích thích như:
- Xét nghiệm không dung nạp lactose: Để tiêu hóa đường trong các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, cơ thể cần tiết enzyme lactase. Nếu thiếu hụt enzyme này, bạn sẽ có các triệu chứng tương tự người bị ruột kích thích như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy,… Để xác định đây có phải là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng kể trên, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra hơi thở. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tư vấn chế độ ăn uống không có sữa và các sản phẩm từ sữa trong vòng vài tuần.
- Kiểm tra hơi thở: Xét nghiệm này giúp chẩn đoán tình trạng loạn khuẩn. Vi khuẩn đại tràng tăng trưởng trong ruột non gây ra chứng loạn khuẩn. Từ đó dẫn đến các triệu chứng chướng tức ở bụng, tiêu chảy. Những người bị tiểu đường hoặc mắc một số bệnh làm chậm quá trình tiêu hóa, hoặc đã thực hiện phẫu thuật ruột thường gặp phải tình trạng này.
- Xét nghiệm máu: Giúp loại trừ bệnh Coeliac. Đây là tình trạng nhạy cảm với protein trong lúa mì, lúa mạch,… gây ra các biểu hiện giống với hội chứng ruột kích thích.
- Xét nghiệm phân: Bạn có thể được chỉ định làm xét nghiệm kiểm tra phân để tìm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, đặc biệt nếu bạn bị tiêu chảy mãn tính.
2. Điều trị hội chứng ruột kích thích
Hội chứng này gây ra bởi các nguyên nhân không rõ ràng. Do đó, việc điều trị sẽ tập trung làm giảm các triệu chứng, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt.
Triệu chứng của ruột kích thích mức độ nhẹ có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, tránh căng thẳng. Nếu hội chứng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, bạn có thể phải dùng các loại thuốc.
2.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để làm giảm các biểu hiện của ruột kích thích, bạn nên:
- Tránh các thực phẩm gây đầy hơi: Nếu bị chướng bụng, trung tiện nhiều, bạn nên hạn chế các loại rau củ như bắp cải, bông cải xanh/ trắng, trái cây sống, đồ uống có gas,…
- Tránh sử dụng gluten (lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen) nhằm cải thiện triệu chứng tiêu chảy.
- Hạn chế thực phẩm FODMAPS (nhóm thực phẩm chứa đường có thể lên men gồm đường fructose, lactose, fructan,…): Bạn có thể ăn ít ngũ cốc, các thực phẩm từ sữa, rau củ, trái cây để giảm các triệu chứng. Sau đó bạn có thể bắt đầu ăn trở lại từng ít một.
>>>>>Xem thêm: Viêm hang vị dạ dày là gì? biến chứng của bệnh
2.2. Sử dụng thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích
Để điều trị táo bón, bác sĩ có thể chỉ định thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng thẩm thấu hoặc thuốc nhuận tràng kích thích và một số loại thuốc khác. Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ đòi hỏi bạn phải uống nhiều nước trước khi sử dụng.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu giúp đại tiện dễ dàng hơn nhờ công dụng giữ nước trong đại tràng, làm mềm phân. Bạn cần uống nhiều nước để tránh bị mất nước. Thuốc nhuận tràng kích thích khiến cơ vùng ruột co bóp để bài tiết phân. Sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến việc lờn thuốc, không có tác dụng. Do đó bạn không nên sử dụng nhiều loại thuốc này.
Các loại thuốc được gọi là chất kết dính acid mật có thể giúp kiểm soát tiêu chảy. Tuy nhiên chúng có thể gây chướng bụng.
Thuốc kháng acetylcholin và chống co thắt được dùng để làm giảm cơn đau gây ra bởi co thắt ruột.
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc nếu bạn có triệu chứng đau bụng và trầm cảm. Người bị đau bụng nhưng không trầm cảm có thể được tư vấn dùng thuốc với liều thấp hơn.
Bạn nên lưu ý rằng, việc dùng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Bạn không nên tự ý sử dụng, tránh những biến chứng nguy hiểm.
2.3. Tư vấn
Các triệu chứng ruột kích thích có xu hướng xấu đi dưới ảnh hưởng của tình trạng căng thẳng, trầm cảm. Bạn có thể kiểm soát điều này nhờ liệu pháp tư vấn.
2.4. Thiết lập lối sống khoa học
Những thay đổi trong lối sống và thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể làm giảm các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Hệ thống Y tế Thu Cúc gợi ý một số biện pháp mà bạn có thể tham khảo như sau:
- Điều chỉnh từ từ lượng chất xơ trong chế độ ăn trong vài tuần: Theo dõi sự thay đổi, trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi có diễn tiến bất thường.
- Không sử dụng các thực phẩm gây ra triệu chứng.
- Ăn uống điều độ, đều đặn cùng khoảng thời gian mỗi ngày để điều chỉnh chức năng ruột, không bỏ bữa.
- Thận trọng khi dùng các sản phẩm từ sữa.
- Uống nhiều nước mỗi ngày: Lưu ý chỉ sử dụng các loại nước có lợi như nước lọc, nước canh,… Bạn cần tránh uống rượu bia, đồ uống có gas, đồ uống chứa caffeine.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục để kích thích nhu động ruột, giảm căng thẳng và nhẹ đi các triệu chứng.
Hội chứng ruột kích thích tác động tiêu cực đến sinh hoạt và tinh thần của người bệnh. Khi có các triệu chứng bất thường như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón,… bạn hãy nhanh chóng đến kiểm tra tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.