Thông thường, hôi miệng thường chỉ là vấn đề của người lớn. Tuy nhiên, một số trẻ em cũng gặp vấn đề này. 5 thủ phạm có thể gây hôi miệng ở trẻ em có thể khiến chúng ta bất ngờ. Hãy cùng tìm hiểu bài viết này để tìm hiểu nguyên nhân và cách đẩy lùi hôi miệng cho bé nhé.
Bạn đang đọc: Hôi miệng ở trẻ em: 5 “thủ phạm” không ngờ tới và cách đẩy lùi
Nếu như bé bị hôi miệng mà ngay cả khi đánh răng cũng không loại bỏ hết mùi hôi khó chịu thì bạn buộc phải xem nguyên nhân tại sao trẻ bị hôi miệng, bước tiếp theo mới là các biện pháp khắc phục tình trạng này.
1. 5 “thủ phạm” gây hội miệng ở trẻ em có thể bạn không ngờ tới
1.1 Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém có thể là nguyên nhân gây ra hôi miệng ở trẻ em.
Đây là nguyên nhân đầu tiên chúng ta có thể nghĩ đến khi trẻ bị hôi miệng. Phụ huynh nên để ý tới thói quen đánh răng của bé. Việc này là rất quan trọng bởi đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn thừa – “thủ phạm” gây mùi hôi, đồng thời còn loại bỏ mảng bám. Các vi khuẩn tích tụ, có thể gây sâu răng, kích ứng nướu, khiến hơi thở có mùi. Cho dù là sâu răng, bệnh nướu răng hay lở miệng, nhiễm trùng miệng có thể tiết ra mùi hôi mà ngay cả cách đánh răng kỹ càng cũng khó có thể loại bỏ.
Chính vì vậy, ngoài việc nhắc nhở trẻ đánh răng thường xuyên, ba mẹ cần đưa con tới gặp nha sĩ thường xuyên để làm sạch mảng bám cũng như kiểm tra sức khỏe răng miệng.
1.2 Nhiễm trùng hoặc mắc một số bệnh
Nếu như đã loại trừ nguyên nhân đầu tiên, tức là bé đã vệ sinh răng miệng rất kỹ mà vẫn bị hôi miệng, thì một nguyên nhân khác ba mẹ cần nghĩ tới đó là triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng, bao gồm:
– Viêm xoang. Các vấn đề về xoang khiến chất lỏng tích tụ trong đường mũi và cổ họng, khiến nó trở thành cư trú hoàn hảo cho vi khuẩn. Kết quả là hơi thở của bé có mùi hôi, và không thể chữa khỏi bằng cách đánh răng hay dùng nước súc miệng.
Bạn có thể kiểm tra các triệu chứng khác của con như: đau họng, nóng rát mũi, chảy nước mũi… Hãy cho con đi khám ngay khi thấy bé có những triệu chứng này.
– Amidan sưng to. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây hôi miệng ở trẻ em. Để kiểm tra có phải do nguyên nhân này không, ba mẹ có thể lấy đèn pin soi vào miệng trẻ. Thông thường, amidan khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt và không có đốm. Ở những trẻ bị nhiễm trùng, amidan sưng đỏ, bị viêm, có những đốm trắng và có mùi hôi. Vi khuẩn có thể tích tụ trong các vết sưng tấy của amidan và kết hợp với mùi chua của nhiễm trùng, có thể gây hôi miệng.
Tìm hiểu thêm: Nội soi thực quản giá bao nhiêu?
Trẻ bị viêm amidan dễ dẫn tới hôi miệng, sưng đau vùng amidan…
Do đó, nếu thấy amidan của bé sưng đỏ, bạn nên cho trẻ tới bác sĩ nhi khoa để khám và tư vấn cách điều trị.
– Các bệnh như tiểu đường, nhiễm trùng dạ dày, suy thận, các vấn đề về gan và ung thư miệng. Những tình trạng hiếm gặp hơn này cũng được biết là nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ em. Nếu bé đang hóa trị và gặp phải tình trạng nhiễm nấm thì cũng có thể gây ra hôi miệng. Nếu trẻ gặp tình trạng này, bạn đừng ngại báo cáo cho bác sĩ biết để được tư vấn cách điều trị hợp lý.
1.3 Dị vật ở mũi
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao bé mới tập đi nhưng hơi thở đã có mùi hôi. Câu trả lời sau đây có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên! Hơi thở của bé có mùi có thể là kết quả do dị vật mắc kẹt trong đường mũi. Trẻ rất tò mò về mọi thứ xung quanh, và lỗ mũi của trẻ có thể nhét vừa các vật rất nhỏ như các loại hạt, phụ kiện đồ chơi hoặc thức ăn. Khi những dị vật này mắc kẹt trong đường mũi của trẻ, nó có thể tạo ra nhiễm trùng, gây ra có mùi khó chịu. Nếu nghi ngờ đây là nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ nhỏ, bạn có thể đưa bé đi khám để được kiểm tra và lấy dị vật ở mũi ra nếu có.
1.4 Khô miệng hoặc thở bằng miệng
Mút ngón tay, sử dụng núm ti giả, dùng một số loại thuốc hay trẻ bị mất nước nói chung đều có thể gây khô miệng ở trẻ em. Tương tự như vậy, ngáy hoặc thở bằng miệng vào ban đêm có thể khiến nước bọt bị bốc hơi, trong khi đó, nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc rửa sạch vi khuẩn gây mùi, thiếu nước bọt cũng có thể dẫn đến sâu răng. Hãy đảm bảo rằng con bạn được cung cấp đủ nước mỗi ngày để tránh tình trạng khô miệng gây ra hơi thở có mùi.
1.5 Chế độ ăn uống
Đôi khi, hơi thở có mùi của trẻ không liên quan gì đến hoạt động của vi sinh vật trong mũi hoặc miệng, mà một số loại thực phẩm và rau quả như tỏi, hành và các loại gia vị mạnh có thể tạo ra mùi khó chịu. Khi trẻ tiêu hóa và hấp thụ những thức ăn này, các phân tử có mùi sẽ đi vào máu và được đào thải dần ra ngoài qua phổi và hô hấp. Thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, cá và pho mát thậm chí có thể làm cho hơi thở có mùi nặng hơn. Nếu hơi thở của con bạn trở nên khó chịu, hãy cân nhắc hạn chế một số thực phẩm trên vào bữa ăn của bé.
2. Cách đẩy lùi tình trạng hôi miệng ở trẻ em
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu ung thư phổi di căn
Hướng dẫn và giám sát bé đánh răng thường xuyên để đẩy lùi các bệnh về răng miệng.
Để tránh hôi miệng, hãy bắt đầu bằng việc dạy trẻ thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, ba mẹ cần hướng dẫn con làm theo những lời khuyên sau đây:
– Cho trẻ đánh răng hai lần một ngày trong hai phút mỗi lần. Trẻ nhỏ thường không cẩn thận, do vậy bạn cần giám sát bé đến khi chắc chắn rằng con đã biết cách chải răng đúng cách.
– Với trẻ dưới 3 tuổi, lượng kem đánh răng đủ là cỡ 1 hạt gạo; Với trẻ lớn hơn, lượng kem đánh răng đủ là cỡ 1 hạt đậu. Hãy luôn nhắc nhở và hướng dẫn trẻ để bé không nuốt kem đánh răng vào, và biết cách nhổ nó ra.
– Khi đánh răng, hãy hướng dẫn bé cả cách làm sạch lưỡi, bởi đây là vị trí dễ dàng tích tụ vi khuẩn gây mùi.
– Với trẻ đã có nhiều răng, ba mẹ cần hướng dẫn con dùng chỉ nha khoa hàng ngày để làm sạch kẽ răng, điều này sẽ giúp loại bỏ các mảnh thức ăn gây mùi và giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám.
– Cho bé khám nha sĩ thường xuyên, 2 lần/ năm để kiểm tra sức khỏe răng miệng, đồng thời làm sạch các mảng bám cũng như chăm sóc các vấn đề răng miệng.
Tóm lại, tình trạng hôi miệng ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân gây ra, từ việc chăm sóc răng miệng không đúng cách cho tới các nguyên nhân đến từ bệnh lý. Với mỗi nguyên nhân cụ thể, chúng ta sẽ có những cách khắc phục khác nhau, do vậy việc đưa bé đi khám định kỳ là điều rất cần thiết để được điều trị hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.