Theo dõi tiêm chủng cho bé là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vắc xin. Để giúp bố mẹ theo dõi và chăm sóc bé sau tiêm chủng hiệu quả hơn, hãy cùng theo dõi bài viết này của Thu Cúc TCI để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
Bạn đang đọc: Hướng dẫn bố mẹ theo dõi sau tiêm chủng cho bé hiệu quả
1. Tại sao theo dõi sau tiêm chủng cho bé lại quan trọng?
Tiêm vắc xin bản chất là đưa vào cơ thể một chất lạ có tính kháng nguyên tạo miễn dịch chủ động, khi đó bé có thể gặp phải một số phản ứng. Mức độ phản ứng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: tính chất vắc xin, đáp ứng miễn dịch của bé, tình trạng sức khỏe… Do đó mà bố mẹ cần theo dõi bé để đảm bảo an toàn cho bé sau tiêm chủng.
Theo dõi sau tiêm giúp phát hiện sớm các phản ứng phụ mà còn giúp bố mẹ chăm sóc bé tốt hơn sau tiêm chủng.
– Theo dõi sức khỏe sau khi tiêm nhằm xử lý sớm các phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm, đảm bảo an toàn cho bé.
– Kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra với bé.
– Giúp bố mẹ chăm sóc bé đúng cách và hiệu quả hơn
2. Bố mẹ cần làm những gì sau khi bé tiêm vắc xin?
2.1 Theo dõi tiêm chủng cho bé ngay sau khi tiêm
Bé sau khi tiêm cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để đảm bảo an toàn và phát hiện kịp thời mọi biểu hiện bất thường có thể xảy ra, bao gồm:
– Nôn trớ
– Thở khò khè
– Thở nhanh hoặc ngắt quãng
– Da mẩn đỏ và các dấu hiệu khác
Ngay khi phát hiện có biểu hiện nào khác thường, bố mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
2.2 Theo dõi sau tiêm chủng cho bé tại nhà
Bố mẹ cần tiếp tục theo dõi bé tại nhà tối thiếu là 24 tiếng, cần chú ý đến các dấu hiệu như tinh thần, tình trạng ăn ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, và các dấu hiệu tại vị trí tiêm. Bố mẹ cũng không nên chủng quan vì cho rằng lần tiêm trước bé không có phản ứng phụ.
– Đối với phản ứng nhẹ như sốt nhẹ, đau, sưng tại chỗ tiêm, hãy mặc áo quần thông thoáng cho bé và duy trì chế độ ăn uống bình thường.
– Bú mẹ nhiều hơn và đảm bảo cho bé uống đủ nước.
– Tránh chạm vào vết tiêm lúc bế bé.
– Nếu có sưng, đau, nóng, đỏ tại chỗ tiêm, bố mẹ có thể chườm lạnh để giúp giảm bớt tình trạng đau, sưng.
– Không xoa dầu, chườm nóng, đắp khoai tây hoặc sử dụng các phương pháp không rõ nguồn gốc có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
– Trong trường hợp sốt cao, nên sử dụng thuốc hạ sốt cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.3 Cách xử trí nếu bé bị sốt cao
Khi bé gặp tình trạng sốt cao, bố mẹ cần thực hiện các bước sau:
– Hãy đặt bé nằm ở nơi có không khí thông thoáng, tránh tình trạng đông người xung quanh.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của vắc-xin
Bố mẹ cần lưu ý các tư vấn của bác sĩ sau tiêm chủng cho bé
– Sử dụng nhiệt kế đặt dưới nách hoặc hậu môn của bé để kiểm tra nhiệt độ. Giữ nhiệt kế trong nách tối thiểu 3 phút, cánh tay áp sát vào ngực. Nhiệt độ đo được sẽ tăng thêm khoảng 0,3 – 0,4 độ so với nhiệt độ thực tế.
Nếu nhiệt độ dưới 38°C, hãy cởi bớt quần áo, không đắp chăn, chỉ mặc quần áo mỏng và đo nhiệt độ thường xuyên.
Nếu nhiệt độ 38 – 38,5°C, bố mẹ cũng có thể cởi bớt quần áo, kết hợp chườm mát và sử dụng thuốc hạ sốt thông thường.
Hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5°C: Cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo đúng liều lượng và khoảng cách giữa các lần uống được ghi trong hướng dẫn sử dụng. Tránh sử dụng nhiều loại thuốc có chung thành phần hạ sốt cho bé cùng lúc. Nếu bé buồn nôn, có thể sử dụng viên hạ sốt dạng nhét hậu môn. Tránh mặc nhiều đồ hay đắp chăn dày cho bé khi đang sốt cao, bởi có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể của bé, làm gia tăng tình trạng sốt. Chườm đá trong khi bé đang sốt rất nguy hiểm vì có thể làm co mạch ngoại vi.
– Cho bé uống nhiều nước để giữ cân nước, đặc biệt là nước Oresol.
– Nếu nhiệt độ bé vượt quá 38,5°C, cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tìm nguyên nhân gây sốt.
2.4 Các phản ứng nghiêm trọng cần đưa bé đi khám ngay
Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường dưới đây, bố mẹ cần đưa ngay bé đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
– Bé bị sốt cao kéo dài trên 39 độ C
– Quấy khóc liên tục, kém tương tác, bé mệt mỏi, li bì và hôn mê.
– Nôn mửa, bỏ bú, phát ban, co giật
– Thở nhanh, khó thở, môi và tay chân tím tái, da nổi vân tím
– Hoặc các dấu hiệu bất thường nào khác mà bố mẹ cảm thấy lo lắng hãy liên hệ cơ sở tiêm chủng hoặc bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn.
2.5 Chế độ dinh dưỡng cho bé sau khi tiêm chủng
Sau khi trải qua quá trình tiêm chủng, chế độ ăn cũng rất quan trọng để giúp bé phục hồi nhanh, tăng cường sức khỏe và tránh các phản ứng phụ không mong muốn.
>>>>>Xem thêm: Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin HPV cho nam
Bố mẹ nên quan tâm đến chế độ ăn uống sau tiêm chủng cho bé
– Chọn thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo, súp, hoặc các loại thực phẩm giàu nước như hoa quả và rau xanh.
– Bổ sung protein từ thịt gia cầm, cá, đậu nành, hoặc sữa để hỗ trợ tái tạo tế bào và cung cấp năng lượng.
– Các loại thực phẩm như rau quả, cà chua, dưa hấu, cà rốt giúp cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng cho bé
– Phân chia bữa ăn thành các phần nhỏ, thường xuyên để giảm áp lực trên dạ dày và tạo cảm giác thoải mái cho bé
– Hạn chế thực phẩm có thể gây kích ứng như thực phẩm chua cay, nồng, hoặc có thể gây dị ứng.
– Đảm bảo bé được đủ nước, bố mẹ có thể bổ sung các loại nước ép trái cây khác
Chế độ ăn cho bé sau khi tiêm chủng không chỉ giúp bé phục hồi nhanh chóng mà còn là một phần quan trọng của việc duy trì sức khỏe tổng thể. Bố mẹ nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để quá trình chăm sóc bé sau tiêm chủng hiệu quả hơn.
Trên đây là những thông tin hữu ích đến bố mẹ trong việc theo dõi tiêm chủng cho bé. Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay tới phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được giải đáp kịp thời,
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.