Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Hà Nội, thời gian tới, dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục tăng mạnh. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ một số nguyên tắc trong cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà để tránh biến chứng, đọc ngay bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà
1. Nguyên tắc 1: Tránh hiểu sai về sốt xuất huyết
Các biểu hiện của sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu, như sốt cao đột ngột, liên tục; đau đầu, đau cơ xương khớp; đau bụng; buồn nôn và nôn; mệt mỏi;…; có thể làm bố mẹ nhầm lẫn sốt xuất huyết với cảm, sốt virus và một số bệnh truyền nhiễm cấp tính khác. Vì thế mà thay vì cho trẻ thăm khám để chẩn đoán xác định, bố mẹ thường chủ quan, tự điều trị cho trẻ tại nhà như cạo gió hoặc cho trẻ uống kháng sinh.
Một đặc điểm nữa của sốt xuất huyết cũng thường bị bố mẹ hiểu sai, dẫn đến chủ quan trong dự phòng bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Đó là: Không phải một, trẻ có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong suốt cuộc đời. Bởi sốt xuất huyết phát sinh do virus Dengue, mà virus Dengue lại có tới 4 tuýp là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Trẻ nhiễm tuýp virus Dengue nào thì sẽ có khả năng miễn dịch mạnh mẽ với tuýp virus đó, nhưng những tuýp còn lại thì trẻ không có miễn dịch chéo. Nếu nhiễm chúng, trẻ vẫn mắc sốt xuất huyết bình thường.
Có tới 4 tuýp virus Dengue là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.
2. Nguyên tắc 2: Tránh những sai lầm trong chăm sóc trẻ sốt xuất huyết
Nhiều phụ huynh có thói quen sử dụng thuốc tùy tiện nên khi trẻ sốt xuất huyết cũng áp dụng những phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng khoa học. Do quan niệm loại bỏ máu chứa virus Dengue sẽ khỏi sốt xuất huyết nên một số phụ huynh có thể sẽ nặn máu trẻ sốt xuất huyết. Đây là một sai lầm, bố mẹ tuyệt đối tránh.
Bên cạnh các phụ huynh thích áp dụng những phương pháp điều trị dân gian, còn có các phụ huynh thích cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Bố mẹ nên nhớ, nguyên nhân phát sinh sốt xuất huyết là virus Dengue. Thuốc kháng sinh không những không có tác dụng điều trị trong trường hợp này mà còn gây hại trên gan, thận và làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ.
Một sai lầm nữa trong chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà là bù nước cho trẻ bằng đường tĩnh mạch. Bù nước cho trẻ bằng đường này chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Tự ý truyền dịch cho trẻ sốt xuất huyết tại nhà có thể khiến trẻ sốc; rối loạn cân bằng muối – nước, gây ứ đọng nước tại mô và tổ chức, gây tràn dịch màng phổi; gây hại cho tim;…
3. Nguyên tắc 3: Cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Khi sốt xuất huyết, trẻ cần ăn đủ chất, tránh kiêng khem. Việc kiêng khem tuyệt đối nhiều thực phẩm khiến trẻ hồi phục chậm.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ sốt xuất huyết nhanh hồi phục phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn chủ yếu là thực phẩm giàu đạm, vitamin và khoáng chất; chế biến theo nguyên tắc 3L – Lỏng, lạt, lạnh.
Tìm hiểu thêm: Tất tần tật về biểu hiện bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ
Cho trẻ sốt xuất huyết ăn nhiều trái cây.
Bố mẹ tránh cho trẻ ăn thức ăn cứng; thực phẩm chua, cay, mặn, ngọt; thực phẩm chiên, xào; nước uống có chất kích thích, nước uống có ga;…
4. Nguyên tắc 4: Nhận biết sớm dấu hiệu nhập viện
Khi trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết, bố mẹ phải cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Sau thăm khám, nếu sốt xuất huyết nặng, trẻ cần điều trị nội trú còn nếu sốt xuất huyết nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà bởi bố mẹ.
Với những trẻ điều trị ngoại trú, bố mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe để kịp thời nhận biết những dấu hiệu trầm trọng của sốt xuất huyết và cho trẻ nhập viện sớm, tránh sốt xuất huyết biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng. Theo đó, các triệu chứng nặng cho thấy trẻ cần điều trị nội trú là: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, đại tiện ra phân đen hoặc phân máu, chảy máu âm đạo; nôn; đau bụng dữ dội, đau liên tục, tập trung ở vùng gan; lơ mơ, rối loạn tri giác;… Thông thường, các triệu chứng nguy hiểm này sẽ xuất hiện trong khoảng ngày thứ 3 – ngày thứ 7 của sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là gây tử vong cho trẻ. Ở thời điểm hiện tại, chưa có vắc xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chính vì vậy, bố mẹ cần chủ động dự phòng bệnh truyền nhiễm cấp tính này cho trẻ, bằng cách vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của gia đình và phối hợp với ngành Y tế trong những chiến dịch tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy,…
>>>>>Xem thêm: Bệnh còi xương ở trẻ em: 3 lưu ý điều trị chuyên gia khuyến cáo
Dự phòng sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của gia đình.
Phía trên là 4 nguyên tắc trong cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà tránh biến chứng. Để biết thêm các thông tin khác về bệnh truyền nhiễm cấp tính sốt xuất huyết, liên hệ Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.