Khi bé bị tiêu chảy cấp cần xử lý như thế nào, cách chăm sóc bé khi bị bệnh ra sao, tất cả những thắc mắc thường gặp của phụ huynh sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Bạn đang đọc: Hướng dẫn cách xử lý khi bé bị tiêu chảy cấp
1. Tìm hiểu bệnh tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là tình trạng trẻ đi tiêu nhiều hơn bình thường và tính chất phân cũng bị thay đổi, phân lỏng như nước hoặc phân có máu.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em thường là do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Trong đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, đây là loại virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay hoặc các bề mặt rắn.
Tiêu chảy cấp thường có biểu hiện điển hình như: Tiêu chảy, nôn ói, đau bụng và dễ mất nước, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Trẻ bị tiêu chảy cấp thường đi cầu nhiều hơn bình thường
2. Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp
Để xác định con có bị tiêu chảy cấp hay không, phụ huynh có thể dựa vào một số dấu hiệu như:
– Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thường có tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 đến 10 lần/ ngày hoặc có thể nhiều hơn. Phân của trẻ nhìn sệt, lỏng, có màu vàng hoặc xanh. Với trẻ bú sữa mẹ có thể đi ngoài ra nhiều phân hơn và phân cũng có nhiều nước hơn so với trẻ uống công thức.
– Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, thông thường có khoảng từ 1 đến 2 lần đi tiêu một ngày. Khi bị tiêu chảy cấp, phân thường ở dạng lỏng, có mùi hôi tanh.
– Nôn ói là một trong những biểu hiện xuất hiện đầu tiên. Trẻ thường nôn nhiều, sau đó thường đỡ dần và tiếp theo là đến tiêu chảy
– Trẻ dễ có các dấu hiệu mất nước như: Khô môi, mắt trũng, hay thấy khát, quấy khóc nhiều. Khi tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị sụt cân và sinh dinh dưỡng
– Một số dấu hiệu nặng như: Thở mạnh, môi đỏ, chướng bụng, rối loạn nhịp tim…
3. Trẻ bị tiêu chảy cấp khi nào cần đưa đến bệnh viện?
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi khi có biểu hiện tiêu chảy cấp bắt buộc phải được đưa tới bệnh viện ngay vì ở độ tuổi này, trẻ dễ bị mất nước đồng thời các triệu chứng cũng nhanh trở nặng hơn.
Ở độ tuổi trẻ lớn hơn cần được đưa đến bệnh viện nếu có các biểu hiện sau đây:
– Phân có máu, trẻ có dấu hiệu mất nước
– Trẻ nôn, trớ nhiều, khi nôn ói thấy dịch màu xanh lá cây
– Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc liên tục, ngủ li bì, khó đánh thức
– Tiêu chảy không hết sau 7 ngày
– Trẻ đau bụng dữ dội, sốt
Tìm hiểu thêm: Cha mẹ cần để ý bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh
Đau bụng dữ dội là biểu hiện nghiêm trọng khi bé bị tiêu chảy cấp
4. Một số biện pháp xử lý khi bé bị tiêu chảy cấp
Như đã đề cập đến ở trên, trẻ đi ngoài ra phân nhiều nước nên thường bị mất nước, khi cơ thể thiếu nước sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, khi trẻ bị tiêu chảy cấp thì đường ruột vẫn có thể hấp thu nước được, vì vậy nên phụ huynh lưu ý phải cho trẻ uống bù nước.
Nhìn chung, điều trị tiêu chảy cấp chủ yếu là bù nước và điện giải trên nguyên tắc đánh giá đúng tình trạng mất nước.
Phụ huynh có thể sử dụng một số dung dịch bù nước thông dụng như: Dung dịch ORS (oresol), ORS dạng pha sẵn, viên hoặc gói. Chú ý pha đúng theo hướng dẫn trên bao bì, dung dịch bù nước đã pha nếu quá 24 giờ không uống thì nên bỏ đi. Tuy nhiên phụ huynh lưu ý tuyệt đối không nên sử dụng dung dịch điện giải khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ để tránh những rủi ro không đáng có.
Ngoài ra thì biện pháp bù nước chỉ áp dụng cho các trường hợp mất nước nhẹ. Với các trường hợp trẻ bị mất nước nặng và xuất hiện những biểu hiện như: Mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo… cần phải được đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để bù nước bằng truyền tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, khi điều trị tiêu chảy cấp, ngoài bù nước hoặc sử dụng thuốc ra thì phụ huynh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thích hợp. Đối với trẻ bị tiêu chảy, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn trở nên kém đi, do đó thức ăn cần đảm bảo phải được chế biến kỹ, nấu nhuyễn dễ tiêu hóa hợp khẩu vị. Đồng thời, phụ huynh chú ý đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, không nên kiêng khem quá mức. Riêng với trường hợp trẻ có biểu hiện nôn, trớ nhiều, phụ huynh nên khuyến khích cho trẻ ăn, uống chậm lại hoặc ăn một lượng thức ăn ít hơn để giảm thiểu các triệu chứng nói trên.
Những biện pháp kể trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt hơn hết, trẻ cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như phương hướng điều trị phù hợp.
5. Cách phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ
Phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ qua một số biện pháp như sau:
– Thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày
– Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn, hoặc khi cho trẻ ăn
– Cho trẻ bú sữa mẹ đến 6 tháng tuổi bởi sữa mẹ cung cấp nguồn dưỡng chất giúp tăng sức đề kháng và nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ
– Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh bừa bãi
– Không để trẻ tiếp xúc với người bệnh
>>>>>Xem thêm: Bố mẹ cần làm gì khi trẻ biếng ăn
Khoa Nhi của Bệnh viện Thu Cúc là một trong những địa chỉ khám Nhi uy tín, chất lượng nhất hiện nay
Hi vọng qua bài viết trên, phụ huynh đã nắm được những kiến thức quan trọng để chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời khi bé bị tiêu chảy cấp. Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tự hào là một trong những địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý sơ sinh của trẻ nhỏ uy tín và chất lượng nhất hiện nay. Không chỉ là nơi quy tụ nhiều bác sĩ đầu ngành với kiến thức và chuyên môn cao, khoa Nhi còn luôn đề cao tiêu chí “Thăm khám tận tình”, phục vụ tận tâm, chu đáo, khoa Nhi Thu Cúc xứng đáng là địa chỉ thăm khám uy tín.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.