Tai biến là một căn bệnh thường xuất hiện ở người già và để lại rất nhiều di chứng. Vậy cách chăm sóc người già bị tai biến như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số cách để giúp người bệnh sau tai biến giúp giảm thiểu được các triệu chứng và hồi phục hiệu quả.
Bạn đang đọc: Hướng dẫn chăm sóc người già bị tai biến
1. Hậu quả sau tai biến
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là tình trạng não bị tổn thương do lưu lượng máu cung cấp đến não bị gián đoạn. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi tế bào não bị suy giảm dẫn đến não bị chết trong vài phút.
Tai biến mạch máu não để lại những hậu quả rất nặng nề:
– Rối loạn nhận thức: Đây là một trong những di chứng nặng nề nhất của tai biến mạch máu não. Sau cơn đột quỵ, người bệnh thường bị sa sút trí tuệ, mắc chứng hay quên, thậm chí là không nhận ra người thân.
– Rối loạn ngôn ngữ: Người bệnh nói ngọng, nói lắp, khó để phát âm và không hiểu người khác nói gì.
– Rối loạn thị giác: Do thiếu máu võng mạc nên người bệnh sẽ bị giảm thị thực ở một hoặc cả hai mắt.
– Yếu hoặc liệt nửa người: Đây là biến chứng phổ biến nhất. Người bệnh sau tai biến có nguy cơ bị liệt chân tay, liệt mặt hoặc liệt nửa người gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Việc vận động bị hạn chế gây ra lở loét da, viêm hô hấp, viêm khớp,…cho người bệnh.
2. Khó khăn khi chăm sóc người già sau tai biến
Sau cơn tai biến, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt từ những việc nhỏ như ăn uống hay tiểu tiện. Vì vậy, họ cần sự hỗ trợ từ người thân. Đối với trường hợp bị liệt, bạn phải đảm nhiệm việc tắm rửa, cho người bệnh đi vệ sinh, đảm bảo bề mặt da luôn sạch sẽ và không bị lở loét.
Bên cạnh đó, bạn cần phải cùng bệnh nhân tập các bài tập vật lý trị liệu để hồi phục khả năng đi lại. Việc tập luyện cần kiên trì và đúng quy trình thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
3. Cách chăm sóc người già sau cơn tai biến
Chăm sóc cho người già sau khi bị tai biến không phải là một việc đơn giản, đòi hỏi người chăm sóc phải có tinh thần “thép” và sự kiên nhẫn. Những việc cần làm gồm:
3.1 Theo dõi tình trạng sức khỏe
Đối với người bị tai biến, quan trọng nhất là theo dõi huyết áp hàng ngày, lịch tái khám và uống thuốc. Bạn nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi và kiểm tra huyết áp thường xuyên. Khi huyết áp của người bệnh bất thường hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ để điều chỉnh, không nên tự ý cho người bệnh uống thuốc hoặc sử dụng các phương pháp truyền miệng.
Người bệnh sau tai biến phải sử dụng rất nhiều loại thuốc như thuốc hạ đường huyết, thuốc làm loãng máu, thuốc kiểm soát cholesterol,… Vì vậy, cần cho người bệnh uống thuốc đúng giờ và theo dõi trạng thái sau khi uống thuốc để kịp thời xử lý nếu xảy ra những bất thường. Bên cạnh đó, việc tái khám đúng hạn cũng vô cùng quan trọng. Bác sĩ là người nắm được tình hình bệnh rõ nhất và sẽ đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Dây thần kinh tọa nằm ở đâu và bệnh lý liên quan
3.2 Chế độ sinh hoạt trong chăm sóc người già bị tai biến
Người già bị tai biến có nguy cơ nhiễm trùng cao vì phải nằm một chỗ nên có thể gây ra các biến chứng như loét do tỳ đè, da bị phồng,…Vì vậy, bạn cần thường xuyên cho người bệnh trở mình, vệ sinh cơ thể và các vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, bạn nên thay ga trải giường, chiếu, tã, tấm lót,…đều đặn cho người bệnh.
Khi tắm rửa hoặc vệ sinh cá nhân cho người bệnh, nên thực hiện trong phòng kín gió, nhiệt độ ấm, sàn nhà không trơn trượt. Đặc biệt, không nên để người bệnh tắm lâu và tắm vào buổi tối.
Đối với bệnh nhân đột quỵ, việc đi đại tiểu tiện gặp khó khăn, vậy nên bạn có thể lựa chọn dùng bỉm tã và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm.
3.3 Chế độ dinh dưỡng trong chăm sóc người già bị tai biến
Sau tai biến, cơ thể người bệnh sẽ suy yếu, vì thế hãy bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và chế độ ăn phù hợp cho người bệnh. Chế độ dinh dưỡng không chỉ hỗ trợ cho quá trình phục hồi mà còn làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.
Các thực phẩm tốt cho người bệnh sau tai biến là các loại cá, rau củ nhiều chất xơ, sữa,… Đối với các bệnh nhân tự ăn được thì bữa ăn nên được cân đối dưỡng chất và ưu tiên các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, nước trái cây, sữa,… Còn đối với những người bệnh không thể tự ăn được mà phải đưa thức ăn qua ống thông dạ dày thì bạn nên chia nhỏ lượng thức ăn và điều chỉnh tốc độ ăn phù hợp với người bệnh.
3.4 Chế độ tập luyện trong chăm sóc người già bị tai biến
Phục hồi chức năng có hiệu quả tốt nhất đối với người bệnh trong ba đến sáu tháng đầu sau đột quỵ. Các bài tập vận động, giữ thăng bằng,…nên được duy trì tập luyện 2 – 3 lần trong ngày. Tuy nhiên, người bệnh rất dễ bị té ngã nên bạn phải luôn bên cạnh và hỗ trợ, đồng thời dọn dẹp các chướng ngại vật để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh luyện tập.
Đối với những người bệnh nằm liệt, bạn nên thường xuyên xoa bóp các cơ bắp, các khớp chân tay để giúp người bệnh lưu thông máu và ngăn ngừa tình trạng teo cơ. Quá trình phục hồi thường diễn ra chậm, đòi hỏi cả người bệnh và người nhà cần phải kiên nhẫn và duy trì tập luyện.
>>>>>Xem thêm: Đau nửa đầu dưới bên phải – Triệu chứng bạn cần đề phòng
3.5 Chăm sóc tâm lý cho người bệnh
Sau tai biến, người bệnh phải đối mặt với tình trạng rối loạn ngôn ngữ và liệt vận động. Việc này khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo âu, buồn chán. Khi các sinh hoạt bị phụ thuộc khiến họ cảm thấy tự ti, mặc cảm và thấy mình vô dụng.
Người nhà cần ở bên cạnh động viên tinh thần, ngoài ra có thể hỗ trợ người bệnh tự chăm sóc, sử dụng một số dụng cụ giúp người bệnh có thể tự ăn uống, vệ sinh. Như vậy, người bệnh sẽ cảm thấy bớt gánh nặng và lạc quan hơn.