Niềng răng (nắn chỉnh răng) là phương pháp hiện được sử dụng rộng rãi để khắc phục tình trạng hàm răng lệch lạc, khấp khểnh, không được như ý. Sau khoảng thời gian nhất định từ 1 – 2 năm nắn chỉnh răng vào đúng vị trí và ổn định thì quá trình niềng răng sẽ kết thúc và được tháo mắc cài. Tuy nhiên để có thể duy trì thành quả đó thì việc chăm sóc răng sau niềng đầy đủ và chính xác mỗi ngày là cực kì quan trọng.
Bạn đang đọc: Hướng dẫn chăm sóc răng sau niềng đúng cách
1. Tầm quan trọng của việc chăm sóc răng sau niềng
Các loại thức ăn, nước uống mà bạn ăn mỗi ngày là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến răng miệng nếu không vệ sinh sạch sẽ những phần còn sót tại răng. Đặc biệt là đối với những người đang đeo mắc cài niềng răng và sắp bước vào giai đoạn chăm sóc răng sau niềng, việc vệ sinh răng cần phải được thực hiện cẩn thận hơn so với người bình thường, thậm chí sau khi tháo niềng còn cần tuân thủ một số lưu ý để giữ gìn thành quả được bền đẹp.
Răng sau khi tháo niềng cần được chăm sóc kỹ
Hiện nay, có nhiều phương pháp niềng răng đa dạng và mỗi loại sẽ có cách chăm sóc khác nhau nhưng điều quan trọng cần lưu ý chung là phải vệ sinh răng sạch sẽ sau khi ăn để tránh thức ăn mắc vào kẽ răng, mắc cài hay các thun buộc tại chỗ, nếu không được xử lý sẽ rất dễ hình thành mảng bám và cao răng. Vi khuẩn tồn tại trong các mảng bám, cao răng ấy sẽ hấp thu đường và chuyển hóa thành acid gây các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm chóp răng…
Không chỉ vậy sau khi niềng hàm răng đã phải trải qua một thời gian dài chịu lực xiết của dây cung, cả răng và xương hàm đều còn nhạy cảm, yếu hơn bình thường và chân răng vẫn còn chưa ổn định trong xương ổ răng. Chính vì vậy, nếu bạn đã chăm sóc răng khi niềng 7 phần thì sau khi tháo niềng, để duy trì được hàm răng đều đẹp, khỏe mạnh lâu dài thì cần sự chăm sóc cẩn thận ở mức 9 – 10.
2. Vệ sinh và chăm sóc răng sau niềng như thế nào?
2.1 Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng
Dùng bàn chải thông thường không thể làm sạch hết vùng kẽ răng, nên việc sử dụng chỉ nha khoa là thiết yếu. Trước khi chải răng, bạn nên sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch các mẩu thức ăn mắc kẹt trong kẽ răng. Vì theo nghiên cứu, nếu chải răng không thôi thì bạn chỉ làm sạch được 40% vi khuẩn bám trên bề mặt răng. Bổ sung thêm bước làm sạch răng bằng chỉ nha khoa sẽ giúp đảm bảo vệ sinh răng miệng hơn và ngăn ngừa vi khuẩn có điều kiện sinh sôi.
Sau khi niềng răng đã đều, các kẽ răng khít và không có khoảng trống, thưa. Do đó để bảo tồn vị trí của răng ổn định, người niềng răng Tuyệt đối không được sử dụng tăm tre để xỉa răng, bởi vì không chỉ dễ gây chấn thương cho răng và nướu mà nó còn có thể khiến các kẽ răng ngày càng rộng hơn, phí công sức và thời gian niềng.
2.2 Chải răng đúng cách giúp chăm sóc răng sau niềng hiệu quả
Tuy đây là việc làm hằng ngày của tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng đều thực hiện đúng cách. Chải răng 2 lần 1 ngày nhưng qua loa thì cũng vô tác dụng, muốn ngăn chặn vi khuẩn gây hại phát triển cần chải răng kỹ càng và chải theo hình tròn một cách nhẹ nhàng, nhằm loại bỏ sạch sâu bên trong răng mà không gây tổn thương nướu, tránh mòn cổ răng. Mỗi lần vệ sinh bạn cần thực hiện đánh răng thật kỹ, tối thiểu 2 đến 3 lần/ngày sau các bước ăn chính khoảng 30 phút và phải chải cả mắc cài duy trì (nếu có).
Chải răng nhẹ nhàng và đúng cách để không làm tổn thương lợi và răng
Nên chọn loại bàn chải lông mềm có kích thước phù hợp, đầu bàn chải thuôn để dễ dàng len vào sâu bên trong các răng cuối cùng. Kết hợp với sử dụng kem đánh răng làm sạch nhẹ dịu, độ mài mòn không cao và nên chọn loại kem đánh răng có chứa thành phần fluoride để bảo vệ răng tốt hơn. Đối với phần mắc cài duy trì nếu có, bạn nên chải cả phần cao, phần thấp, phần bên để lấy sạch thức ăn và bên cạnh đó không quên làm sạch lưỡi bằng bàn chải để loại bỏ hết vi khuẩn trong khoang miệng. Thực tế, khoảng 70% vi khuẩn trong miệng tập trung ở lưỡi nên việc chải lưỡi vô cùng quan trọng đối với việc vệ sinh răng để ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi.
2.3 Dùng nước súc miệng để chăm sóc răng sau niềng
Đây là bước quan trọng trong quy trình chăm sóc sau niềng răng nhưng lại hay bị bỏ qua dù đã được các bác sĩ nha khoa khuyến khích. Theo khuyến cáo, trong quá trình và sau khi chỉnh nha, bạn nên sử dụng loại nước súc miệng có chứa fluoride để bảo vệ, giúp răng cứng chắc và đặc biệt giảm ê buốt răng trong giai đoạn nhạy cảm này.
Bước súc miệng này được khuyên nên sử dụng ngay sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa để thêm một lần nữa loại bỏ hết những vi khuẩn hoặc cặn thức ăn còn đọng lại trong khoang miệng. Bạn có thể dùng trực tiếp nước súc miệng diệt khuẩn hoặc cũng có thể pha loãng trước khi dùng với một lượng nước vừa đủ để giảm sự cay hoặc quá mạnh của nước súc miệng, cho khoang miệng được dễ chịu hơn mà vẫn đảm bảo độ lám sạch.
2.4 Thăm khám và vệ sinh răng tại nha khoa định kỳ
Một trong những điều hỗ trợ việc chăm sóc răng sau khi niềng mà bạn cần phải nhớ và thực hiện đầy đủ, đó chính là cần phải đi tới nha khoa định kì để được làm sạch răng chuyên sâu. Bên cạnh đó vì răng mới tháo niềng chưa đủ độ cứng chắc và ổn định hoàn toàn nên việc thăm khám đều đặn sẽ giúp bác sĩ xác định được trong quá trình tự chăm sóc tại nhà vị trí răng còn duy trì đúng không, có sự di chuyển nào dủ chỉ là nhỏ nhất không.
Khám răng định kì là việc nên làm đối với tất cả mọi người, nhưng với người đã tháo niềng răng thì điều này lại càng quan trọng. Bạn nên đi khám lại từ 2 – 3 lần/năm để bác sĩ kịp thời phát hiện những thay đổi của răng và từ đó có biện pháp ngăn ngừa và cải thiện phù hợp kịp thời.
Quyết định niềng răng nắn chỉnh nha, các bạn cần xác định rằng mình sẽ phải chăm chút thật kĩ cho hàm răng của mình. Nếu chưa biết cần phải làm sao để vệ sinh răng đúng cách, đừng ngại hỏi nha sĩ để có hàm răng khỏe mạnh và đều đẹp lâu dài.
3. Những lưu ý khác sau niềng răng
Bên cạnh việc thiết yếu như bao người là phải vệ sinh răng thật kỹ càng và cẩn thận thì những người đã được tháo niềng răng cần phải lưu ý thêm một số điều dưới đây để bảo vệ triệt để thành quả sau 2 năm niềng răng của mình. Note ngay những lưu ý dưới đây và hãy biến nó thành thói quen hàng ngày để việc chăm sóc răng sau niềng trở nên nhẹ nhàng và không mệt mỏi nhé!
3.1 Đeo hàm duy trì đầy đủ
Tương tự như các phương pháp thẩm mỹ, chỉnh hình nha khoa khác, niềng răng cũng yêu cầu có sự chăm sóc sau thực hiện để hiệu quả được duy trì lâu dài. Và đeo hàm duy trì đều đặn, đúng cách, đúng thời gian cũng là một trong những chế độ chăm sóc răng bắt buộc để bảo tồn kết quả.
Nguyên nhân của điều này là do nắn chỉnh răng là quá trình di chuyển vị trí của mọi chiếc răng trên hàm. Chính vì vậy tại thời điểm sau khi niềng, thường răng sẽ gặp áp lực mô mềm sau khi tháo dụng cụ hỗ trợ là mắc cài và dây cung, đồng thời xương hàm và răng cũng chưa kịp thích nghi với sự thay đổi rõ rệt này nên cần thời gian từ từ để ổn định. Ngoài ra răng vẫn cần hoạt động trong quá trình ăn uống nên răng dễ có xu hướng chạy về lại vị trí ban đầu.
Tìm hiểu thêm: Rối loạn kinh nguyệt uống thuốc gì? Tên thuốc và tác dụng?
Các loại hàm duy trì
Đeo hàm duy trì chính là vì mục đích giúp giữ răng ở đúng vị trí cho răng cố định hoàn toàn đó. Hàm duy trì sau niềng răng thường có 2 loại đó là hàm cố định và tháo lắp. Khí cụ này có nhiều loại khác nhau, tùy vào lựa chọn của người bệnh mà bác sĩ sẽ tiến hành theo nhu cầu. Thông thường nếu đeo hàm tháo lắp, người bệnh cần nhớ đeo đều đặn mỗi tối và vệ sinh khay thật tốt, còn đối với hàm cố định thì duy trì vệ sinh răng kĩ là được.
3.2. Tránh các đồ ăn cứng và cắn trực tiếp bằng răng cửa
Vì sau khi tháo niềng răng vẫn còn yếu, chưa ổn định cũng như đã mất đi sự hỗ trợ từ mắc cài và dây cung nên các thức ăn cứng như các loại hạt, kẹo cứng, sườn, chân gà, thịt bò… vẫn cần hạn chế. Bên cạnh đó bạn cũng cần tránh cắn bằng răng cửa các thức ăn như táo, ổi, thậm chí bánh sandwich, humburger… hoặc các đồ ăn có kết cấu nhiều lớp, tiềm ẩn nhiều thực phẩm dai, cứng ở trong, cho nên, bạn cần cắt nhỏ ra vừa miệng rồi mới ăn.
Ngoài ra nên xây dựng chế độ chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi để giúp răng chắc khỏe hơn. Những thực phẩm bạn nên ăn là thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…. nhưng được chế biến cho mềm và dễ nhai.
>>>>>Xem thêm: Khi nào cần phẫu thuật u xơ tử cung
Cần tránh tuyệt đối cắn đồ ăn cứng bằng răng cửa
3.3 Bỏ những thói quen xấu gây hại cho răng
Những thói quen xấu ảnh hưởng đến răng như cắn bút, cắn móng tay, đẩy lưỡi vào răng cửa, nghiến răng khi ngủ… đối với hàm răng mới được tháo niềng là cực kỳ nguy hiểm vì sẽ gây mòn và mẻ răng, chấn thương răng vì chân răng còn yếu, chưa cố định chắc chắn ở ổ xương hàm.. Răng lúc này có thể dễ bị chết tủy và bị nhiễm trùng, nếu không chữa đúng cách, nhiễm trùng có thể lan lên cả xương hàm. Với nhiều người, những thói quen này đã duy trì nhiều năm, rất khó bỏ nhưng bạn nên cố gắng vì một hàm răng đẹp lâu bền.
Vì niềng răng là một quá trình tốn cả công sức, tài chính và thời gian, chính vì vậy khi đã nhận được thành quả là một hàm răng đẹp như ý, bạn cần có ý thức chăm sóc răng cẩn thận. Tuy biết rằng việc chăm sóc răng sau niềng cũng có đôi lúc vất vả và phiền hà nhưng có nụ cười đẹp thì tất cả sẽ đều xứng đáng. Vì vậy hãy nhớ thực hiện vệ sinh răng và tuân thủ yêu cầu chăm sóc răng của bác sĩ để hàm răng được đẹp mãi nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.