Làm sạch mảng bám là vô cùng cần thiết để hạn chế nguy cơ sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu và nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm khác. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn cách làm sạch mảng bám trên răng tại nhà, đừng bỏ lỡ bạn nhé!
Bạn đang đọc: Hướng dẫn làm sạch mảng bám trên răng tại nhà
1. Mảng bám là gì?
Về bản chất, mảng bám là thức ăn thừa tích tụ trên bề mặt răng. Bạn có thể hiểu đơn giản cơ chế hình thành mảng bám như sau: Sau khi ăn khoảng 15 phút, một màng mỏng thức ăn thừa sẽ xuất hiện trên bề mặt răng. Màng này mềm và có thể loại bỏ dễ dàng bằng bàn chải. Trong trường hợp răng không được vệ sinh, màng này sẽ dày lên theo thời gian. Đến một độ dày nhất định, nó được gọi là mảng bám.
2. Mảng bám nguy hiểm ra sao?
Mảng bám là tiền thân của cao răng. Cụ thể, từ mảng bám, cao răng được hình thành như sau: Ban đầu, mảng bám cũng mềm và có thể loại bỏ dễ dàng bằng bàn chải như màng mỏng tiền thân của nó. Tuy nhiên, nếu răng tiếp tục không được vệ sinh, mảng bám sẽ bị vôi hóa bởi các muối vô cơ có trong nước bọt, trở nên cứng và bám rất chắc trên bề mặt răng. Lúc này mảng bám đã trở thành cao răng.
Cao răng được xác định là nguyên nhân của nhiều bệnh lý răng miệng từ đơn giản đến phức tạp, như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… Những bệnh lý này, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể đưa đến kết quả xấu nhất là mất răng, tiêu xương hàm,… Như vậy, có thể nói, mảng bám là nguồn gốc của hầu hết các vấn đề về răng miệng.
3. Làm sạch mảng bám trên răng tại nhà như thế nào?
Loại bỏ mảng bám tại nhà là rất dễ dàng. Để làm được việc đó, bạn chỉ cần sử dụng bàn chải – kem đánh răng, chỉ nha khoa và nước súc miệng là được. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các dụng cụ vệ sinh răng miệng để làm sạch mảng bám đó.
3.1. Sử dụng bàn chải
Quy trình loại bỏ mảng bám trên bề mặt răng tiêu chuẩn bạn nên áp dụng để thu được hiệu quả lớn nhất bao gồm 5 bước như sau:
– Bước 1: Súc miệng.
– Bước 2: Làm ướt bàn chải rồi lấy vừa đủ một lượng kem đánh răng.
– Bước 3, vệ sinh răng cửa: Đặt ngang và nghiêng bàn chải một góc 45 độ so với viền nướu sao cho lông bàn chải tiếp xúc với cả nướu và răng. Chải dọc, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên hoặc chải tròn (không chải ngang). Không chỉ chải mặt ngoài mà còn phải chải cả mặt trong răng nữa.
– Bước 4, vệ sinh răng hàm: Đặt song song bàn chải với mặt nhai răng hàm. Chải ngang, từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.
– Bước 5: Súc miệng một lần nữa để loại bỏ bọt của kem đánh răng.
Bàn chải là dụng cụ làm sạch mảng bám hiệu quả nhất.
Ngoài tuân thủ quy trình đánh răng 5 bước như trên, bạn cũng cần lưu ý một số nguyên tắc liên quan đến vệ sinh răng bằng bàn chải và kem đánh răng như sau:
– Tần suất: 2 – 3 lần/ngày, sau khi ăn tối thiểu nửa giờ.
– Thời gian: 2 – 3 phút/lần.
– Lựa chọn dụng cụ: Bàn chải đầu nhỏ, lông mềm (để tránh làm mòn men răng) và kem đánh răng khử khuẩn.
3.2. Sử dụng chỉ nha khoa
Trong khoang miệng, có một số vùng bàn chải không thể tiếp cận để làm sạch, ví dụ như kẽ răng chẳng hạn. Lúc này, sử dụng thêm chỉ nha khoa để vệ sinh những vùng này là rất cần thiết. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám.
– Bước 1: Cắt một đoạn khoảng 45 – 60cm chỉ nha khoa.
– Bước 2: Dùng hai ngón tay để quấn chỉ, để lại một đoạn chỉ khoảng 3 – 5cm giữa hai ngón tay.
– Bước 3: Đưa đoạn chỉ 3 – 5cm vào kẽ răng. Sau đó, nhẹ nhàng trượt lên và xuống, đảm bảo chỉ nha khoa không tác động đến nướu.
– Bước 4: Làm vậy với từng kẽ răng.
– Bước 5: Nhẹ nhàng kéo chỉ nha khoa ra khỏi kẽ răng.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về những cách tầm soát ung thư vú hiện nay
Ngoài bàn chải, bạn cũng nên sử dụng thêm chỉ nha khoa.
Tương tự vệ sinh răng bằng bàn chải, vệ sinh răng bằng chỉ nha khoa cũng có một số lưu ý quan trọng bạn cần ghi nhớ và thực hiện:
– Không tiết kiệm chỉ nha khoa: Việc sử dụng một đoạn chỉ nha khoa quá ngắn có thể khiến thao tác vệ sinh răng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
– Không dừng lực quá mạnh: Dùng chỉ nha khoa với lực quá mạnh có thể vô tình làm tổn thương nướu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và làm nướu viêm nhiễm.
– Chọn chỉ nha khoa cẩn thận: Ưu tiên những loại chỉ nha khoa mềm, mịn. Chỉ nha khoa cứng, thô có thể làm răng thưa dần theo thời gian.
3.3. Sử dụng nước súc miệng
Sử dụng nước súc miệng là cú chốt hoàn hảo cho một quy trình vệ sinh răng miệng tiêu chuẩn. Súc miệng giúp loại bỏ những mảnh vụn thức ăn cuối cùng còn sót lại trong khoang miệng mà bàn chải và chỉ nha khoa chưa loại bỏ hết. Để sử dụng nước súc miệng hiệu quả, bạn nên:
– Bước 1: Rót nước súc miệng ra cốc, khoảng 15 – 20ml. Đối với nước súc miệng cần pha loãng, nên pha loãng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Bước 2: Ngậm nước súc miệng trong khoang miệng trong một khoảng thời gian, khoảng thời gian này được nhà sản xuất hướng dẫn trên bao bì.
– Bước 3: Súc miệng và nhổ.
>>>>>Xem thêm: Cùng chị em tìm hiểu tầm soát ung thư phụ khoa
Súc miệng giúp loại bỏ những mảnh vụn thức ăn cuối cùng.
Lưu ý:
– Tần suất: 2 – 3 lần/ngày, sau khi vệ sinh răng bằng bàn chải và chỉ nha khoa, không lạm dụng.
– Lựa chọn nước súc miệng: Cần phù hợp với tình trạng răng miệng, ví dụ: nếu đang có nhiệt miệng hoặc viêm nướu, không nên chọn nước súc miệng chứa cồn để tránh làm gia tăng cảm giác đau.
– Chỉ ăn sau khi súc miệng khoảng 30 phút.
Tóm lại, để làm sạch mảng bám trên răng tại nhà, đầu tiên, chúng ta nên sử dụng bàn chải và kem đánh răng. Để củng cố hiệu quả làm sạch mảng bám bằng bàn chải và kem đánh răng, tiếp theo, chúng ta nên sử dụng chỉ nha khoa. Cuối cùng, sử dụng nước súc miệng để hiệu quả làm sạch mảng bám được đảm bảo tối đa.
Hy vọng rằng, với những thông tin được chia sẻ phía trên, bạn sẽ có cho mình một hàm răng chắc khỏe, một nụ cười rạng rỡ và một diện mạo hấp dẫn. Nếu còn băn khoăn về vấn đề này, liên hệ Thu Cúc TCI, bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.