Khám sức khỏe tổng quát như thế nào cho hiệu quả và đúng đắn là điều mà rất nhiều người thường quan tâm. Bởi hiện nay có rất nhiều gói khám khác nhau nên không ít người thắc mắc nếu khám tổng quát thì bao gồm những gì? Để hiểu rõ câu hỏi này, hãy cùng nhau tham khảo bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Khám sức khỏe tổng quát như thế nào cho đúng và hiệu quả?
1. Tại sao nên tiến hành khám sức khỏe tổng quát định kỳ?
Ngày nay, xã hội càng hiện đại với nhịp sống nhanh khiến chúng ta vô tình có những thói quen không tốt cho sức khỏe như: làm việc quá sức, ăn uống không khoa học, thức khuya, căng thẳng,… khiến nguy cơ mắc các bệnh về đột quỵ, tim mạch, xương khớp, ung thư ngày càng trẻ hóa.
Điều đáng nói, vấn đề chăm sóc sức khỏe định kỳ hàng năm hay còn được gọi là khám sức khỏe tổng quát hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa được người dân quan tâm một cách đúng mực. Nhiều người vẫn còn mơ hồ về việc thăm khám sức khỏe tổng quát và không biết nên tiến hành khám như thế nào cho đúng và một năm khám mấy lần là đủ.
Khám sức khỏe tổng quát nhằm mục đích kiểm tra sức khỏe toàn bộ cơ thể, giúp đánh giá chính xác về tình hình sức khỏe của chúng ta ở một thời điểm nhất định. Từ đó nếu bác sĩ nhận thấy bạn có dấu hiệu bất thường thì sẽ nhanh chóng có phương án điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng. Theo lời khuyên của các chuyên gia, việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ nên được thực hiện ít nhất 1 năm/1 lần đối với người bình thường. Tuy nhiên cũng sẽ tùy vào một số trường hợp, độ tuổi, tiền sử gia đình,… mà bác sĩ sẽ có lời khuyên và chỉ định phù hợp.
Khám sức khỏe tổng quát đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện sớm bệnh lý trong cơ thể
2. Một số điều cần biết giúp bạn có buổi khám sức khỏe tổng quát hiệu quả
Để có buổi khám sức khỏe tổng quát đạt hiệu quả và an toàn thì việc nắm vững các kiến thức liên quan như: danh mục thăm khám, những lưu ý cần biết,… là vô cùng quan trọng.
2.1. Danh mục khi đi khám sức khỏe tổng quát như thế nào?
– Khám thể lực: bao gồm kiểm tra cân nặng, đo chiều cao, huyết áp, mạch đập.
– Khám lâm sàng tổng quát: bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để đánh giá tổng quát về hệ tuần hoàn, tai-mũi-họng, mắt, răng-hàm-mặt, da liễu. Ngoài ra tùy từng đặc điểm và yêu cầu của mỗi người có thể khám thêm một số chuyên khoa khác.
– Xét nghiệm máu và nước tiểu: Những xét nghiệm thường thấy có thể kể đến là xét nghiệm cộng thức máu 18 thông số (hoặc 24 thông số), đường huyết, mỡ máu, men gan, chức năng gan, thận, viêm gan B, C…
– Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng: Thông thường danh mục này thường được tiến hành bằng việc chụp X quang, siêm âm, chụp CT, nội soi… Tùy tình trạng và nguy cơ của mỗi người mà bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp.
Mỗi người đều có tình trạng sức khỏe cũng như các nguy cơ bệnh lý khác nhau. Vì thế, bạn hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn cho mình gói khám phù hợp nhằm phát hiện bệnh một cách toàn diện nhất.
2.2. Lưu ý cần nhớ khi đi khám sức khỏe tổng quát như thế nào?
Khi đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ bạn nên lưu ý thực hiện một số việc sau để quá trình thăm khám được nhanh chóng và thuận tiện:
– Không ăn sáng để đảm bảo các kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu được chính xác.
– Không được sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn trước khi đi khám.
– Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt cần chờ sau chu kỳ kinh từ 5 đến 7 ngày mới thực hiện khám.
– Phụ nữ nên tránh quan hệ tình dục trước ngày đi thăm khám.
– Nếu bạn đang mang thai, hãy thông báo với nhân viên y tế hoặc bác sĩ để không thực hiện chụp X-quang.
– Trong quá trình khám nếu có phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các dnah mục khám chuyên sâu để chẩn đoán chính xác hơn.
– Bạn nên uống nhiều nước và nhịn căng tiểu cho đến lúc thực hiện siêu âm bụng xong.
Tìm hiểu thêm: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì và chi phí như thế nào?
Hãy nắm vững 1 số lưu ý trước khi khám sức khỏe tổng quát
3. Lựa chọn gói khám sức khỏe tổng quát như thế nào cho phù hợp với độ tuổi?
Thông thường, các gói khám sức khỏe tổng quát sẽ được thiết kế dựa vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, giới tính, tiền sử sức khỏe cũng như tài chính của người đi khám. Để đạt kết quả khám sức khỏe cao nhất, bạn nên khám trọng tâm một số vấn đề theo từng độ tuổi như sau:
3.1. Với độ tuổi từ 20 – 30
Đây là độ tuổi thuộc giai đoạn tiền hôn nhân hoặc hôn nhân nên chúng ta cần quan tâm đến vấn đề sức khỏe sinh sản. Bạn hãy chú ý kiểm tra thêm chức năng sinh sản, làm các xét nghiệm về những bệnh lây truyền. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh lý để có kế hoạch chữa trị hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến việc sinh con và hôn nhân trong gia đình.
3.2. Với độ tuổi từ 30 – 40
Hiện nay bệnh lý về tim mạch đang ngày càng trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở độ tuổi từ 30 – 40. Ngoài ra, nhóm người ở tuổi này cũng thường dễ mắc các bệnh về mỡ máu, hay các bệnh phụ khoa (đối với nữ)… Vì vậy, bạn hãy chú trọng đến những bệnh lý trên. Ngoài ra, cả nam và nữ cũng nên tiến hành danh mục đo mật độ xương để biết trước các dấu hiệu loãng xương, từ đó giúp phòng chống căn bệnh này hiệu quả.
3.3. Với độ tuổi từ 40 – 60
Ở giai đoạn này, ngoài các bệnh thường gặp như tim mạch, tiểu đường, bệnh xương khớp… chúng ta sẽ dễ mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. Theo thống kê, độ tuổi trung bình của người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang dần trẻ hoá. Đây là lý do bạn nên lựa chọn gói khám sức khỏe tổng quát có đi kèm với tầm soát ung thư để kịp thời phòng bệnh.
3.4. Với độ tuổi trên 60
Nhóm đối tượng này dễ mắc bệnh nhất bởi lúc này cơ thể đã lão hóa, sức đề kháng giảm sút. Lúc này khám sức khỏe tổng quát cần thực hiện một cách định kỳ hơn. Đặc biệt, chúng ta nên chú trọng thực hiện các xét nghiệm về bệnh hô hấp, tim mạch, xương khớp, tiểu đường… Thông qua kết quả khám, bạn sẽ kịp thời phát hiện được các bệnh lý tuổi già, từ đó có kế hoạch xây dựng một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
>>>>>Xem thêm: Cẩm nang về hồ sơ khám sức khỏe xin việc dành cho bạn
Mỗi độ tuổi nên lựa chọn những gói khám sức khỏe tổng quát phù hợp
Việc thăm khám sức khoẻ tổng quát là vấn đề cần được quan tâm ở bất kỳ độ tuổi nào, do đó đừng quên tìm hiểu kỹ về các gói khám và lựa chọn thăm khám tại những cơ sở y tế uy tín nhằm đảm bảo kết quả nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.