3 tháng giữa thai kỳ là thời điểm thai nhi đã có nhiều thay đổi rõ rệt, phát triển sang một giai đoạn mới. Đây cũng là mốc thai kỳ mà thai nhi có thể gặp phải những vấn đề khuyết thiếu, dị tật bẩm sinh do bất thường nhiễm sắc thể gây ra. Bởi vậy, việc khám thai 3 tháng giữa là vô cùng quan trọng, cần thiết, giúp các mẹ bầu có thể phòng ngừa được những bất thường trong thai kỳ, tránh được nhiều nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
Bạn đang đọc: Khám thai 3 tháng giữa và những lưu ý cho mẹ bầu
1. Thai nhi 3 tháng giữa thay đổi như thế nào?
Thời điểm tam cá nguyệt thứ 2, hay 3 tháng giữa thai kỳ là thời điểm nhạy cảm do thai nhi trong bụng mẹ đã bắt đầu hình thành đầy đủ các cơ quan. Bởi vậy, quá trình hình thành này cần được đảm bảo không có vấn đề gì bất thường, từ đó mới có thể yên tâm ở giai đoạn phát triển trong những tháng tiếp theo.
Trong khoảng thời gian 3 tháng này, thai nhi sẽ tiếp tục phát triển về chiều dài, rơi vào khoảng 33 đến 40cm. Cân nặng rơi vào khoảng 0,9 đến 1,3kg. Tiếp theo đó, mẹ có thể biết thêm về tình trạng của thai nhi, con đã phải triển về:
– Phản xạ: Các phản xạ như nuốt và mút có thể xuất hiện khi có sự kích thích.
– Nhau thai lúc này đã phát triển và hoàn thiện đầy đủ.
– Bộ não đã đi qua quá trình hình thành và đang dần được phát triển tới cuối 3 tháng giữa thai kỳ.
– Hình thành, phân tách rõ các ngón tay và ngón chân. Móng, vân tay cũng đã xuất hiện.
– Thai nhi bắt đầu có chu kỳ ngủ và thức.
– Hình thành lông tơ mềm, một số bé có thể đang mọc tóc.
– Chất béo dần tích tụ.
– Mí mắt, lông mày và lông mi dần nhìn rõ hơn.
– Thai nhi bắt đầu có những chuyển động rõ ràng hơn.
– Thai nhi bắt đầu phát triển và hoàn thiện hơn về thính giác, đã nghe được âm thanh.
– Lớp vernix bắt đầu xuất hiện để bảo vệ lớp da mỏng và nhạy cảm của thai nhi.
Thai nhi 3 tháng giữa thay đổi nhiều về thể chất và cả phản xạ
Với những thay đổi này, mẹ bầu cần thực hiện khám thai để nắm rõ tình trạng sức khỏe của thai, thai có đang phát triển tốt không, đang cần được bổ sung thêm những gì để chuẩn bị cho những giai đoạn quan trọng sắp tới,… Vì vậy, sau đây sẽ là những thông tin về những buổi khám thai mà mẹ bầu cần chú ý thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ.
2. Những mốc khám thai trong 3 tháng giữa mà các mẹ không thể bỏ qua
Trong 3 tháng giữa thai kỳ, các mẹ bầu sẽ cần chú ý đến những thời điểm khám thai quan trọng để có thể đảm bảo tình trạng thai nhi ổn định, sức khỏe của mẹ không gặp vấn đề gì bất thường.
2.1. Khám thai 3 tháng giữa, lưu ý mốc tuần 16 đến 18
Đây là mốc đầu tiên mẹ cần thực hiện khi khám thai 3 tháng giữa. Ở lần khám này, ngoài các bước kiểm tra chỉ số sinh tồn thông thường như kiểm tra cân nặng, tình trạng huyết áp, các mẹ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như:
– Xét nghiệm phân tích nước tiểu: Kiểm tra một số thành phần có trong nước tiểu của mẹ, có thể cho thấy được các bệnh lý về thận, bệnh đường tiết niệu, vấn đề về bàng quang, từ đó phần nào cảnh giác nguy cơ tiền sản giật.
Ngoài ra, nếu đường được phát hiện có trong nước tiểu, thai phụ có thể được chẩn đoán nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Trong nhiều trường hợp, việc xét nghiệm nước tiểu còn có thể cho biết một số bệnh lý lây qua đường tình dục như Herpes, giang mai, Chlamydia,…
Khám thai 3 tháng giữa, mẹ bầu cần lưu ý mốc tuần 16 đến 18 và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết
– Siêu âm: Ở giai đoạn này, thai phụ sẽ được tiến hành siêu âm 2D nhằm đánh giá tình trạng thai nhi, các bộ phận có đang hình thành ổn định hay không. Việc siêu âm định kỳ như vậy sẽ giúp bác sĩ cũng như mẹ bầu có thể so sánh, đánh giá chính xác hơn tình trạng thai ở giai đoạn này với những giai đoạn trước và từ đó đưa ra những phương án, tư vấn chăm sóc phù hợp dành cho thai phụ.
Siêu âm cũng giúp cho thai phụ có thể nhận biết rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân, đặc biệt là phần tử cung.
– Xét nghiệm Triple test: Nếu như ở mốc tuần thai trước, thai phụ đã bỏ lỡ bước xét nghiệm Double test thì ở mốc này, các mẹ bầu sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện sàng lọc Triple test. Thực tế, xét nghiệm này được tiến hành thông qua việc lấy mẫu máu để sàng lọc sớm nguy cơ dị tật Down hoặc một số dị tật khác bắt đầu từ sự bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi. Theo đó, người mẹ sẽ cần thực hiện xét nghiệm: Xét nghiệm protein AFP, xét nghiệm nội tiết tố hcG, xét nghiệm Estrirol.
Sau những xét nghiệm này, nếu như nồng độ AFP tăng hoặc giảm bất thường, lúc đó có thể xác định thai nhi gặp phải dị tật ống thần kinh hay hội chứng Down.
Thực hiện Triple test chỉ có thể cho thấy nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nếu như kết quả cho thấy nguy cơ cao, thai phụ có thể cần thực hiện các bước xét nghiệm chuyên sâu hơn như chọc ối hay sinh thiết gai nhau ở những tuần thai sau đó.
2.2. Khám thai 3 tháng giữa – Mốc tuần 22 đến tuần 24
Ở mốc 22 đến 24 tuần là giai đoạn lý tưởng để thực hiện siêu âm kiểm tra sự ổn định của thai nhi. Tuy nhiên, trước tiên các mẹ cần phải:
– Đo cân nặng, kiểm tra mức độ ổn định của huyết áp, khám thai, nhận tư vấn của bác sĩ để cải thiện sức khỏe của mẹ.
– Đo, kiểm tra chiều dài bắt đầu từ đỉnh tử cung đến phần xương mu.
– Nghe, xác định tim thai.
– Siêu âm 5D để xác định rõ hình thái, hình ảnh giải phẫu chi tiết thai nhi, xác định vị trí nhau thai, nồng độ, tỷ lệ nước ối và từ đó xác định chính xác tuổi thai. Quá trình siêu âm với công nghệ hiện đại, các bác sĩ còn có thể cho mẹ thấy các bất thường ở tim, cột sống, xương, não, chân tay, thận,… ở con, từ đó có những phương án cải thiện phù hợp.
Các bộ phận, cơ quan cơ thể của thai nhi đã có thể nhìn được khá rõ ràng trong những tuần thai này. Do đó, một số dị tật bên ngoài cũng như dị tật có liên quan tới nội tạng cũng dễ phát hiện hơn như dị tật sứt môi, hở hàm ếch, dị tật ở ruột như thoát vị thành bụng, dị tật ở não bộ như thông liên thất, thông liên nhĩ.
Tìm hiểu thêm: Ung thư lưỡi có nguy hiểm không?
Siêu âm thai, một trong những bước khám không thể bỏ qua trong 3 tháng giữa thai kỳ
Khám thai trong mốc thời gian này có ý nghĩa quan trọng. Nếu phát hiện những dị tật không thể cải thiện, không thể can thiệp ở giai đoạn này, bác sĩ có thể khuyên người mẹ có kế hoạch đình chỉ thai trước khi thai tiếp tục phát triển ở những tuần thai sau.
– Xét nghiệm phân tích nước tiểu: Cũng như ở mốc tuần thai trước, việc xét nghiệm mẫu nước tiểu giúp mẹ bầu phát hiện sớm vấn đề về nhiễm trùng đường tiết niệu, nguy cơ tiểu đường thai kỳ và nguy cơ tiền sản giật.
– Tiêm uốn ván: Ở tuần thai này, mẹ bầu đã có thể tiến hành tiêm uốn ván để phòng bệnh trong quá trình thai phát triển.
2.3. Khám thai 3 tháng giữa, mốc cuối từ tuần 26 đến 28
Ở lần khám này, các mẹ bầu vẫn sẽ được tiến hành những xét nghiệm thường làm như phân tích mẫu nước tiểu, test nhanh HBsAg. Ngoài ra, có một xét nghiệm khác rất quan trọng, đó là nghiệm pháp dung nạp đường uống, sàng lọc nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
>>>>>Xem thêm: U xơ tử cung có uống được tinh dầu hoa anh thảo không?
Nghiệm pháp dung nạp đường uống, sàng lọc nguy cơ tiểu đường thai kỳ giúp mẹ bầu phòng tránh tiền sản giật, thai to, dư ối,…
Nghiệm pháp dung nạp đường được tiến hành bằng việc mẹ bầu sẽ uống 1 lượng nước đường được quy định, sau đó tiến hành lấy mẫu máu để so sánh, đánh giá. Trong trường hợp Glucose trong máu bất thường, mẹ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn cũng như hướng cải thiện để biến chứng này không gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới mẹ và thai nhi.
3. Những dấu hiệu bất thường mà mẹ bầu cần khám ngay khi phát hiện
Ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai này, triệu chứng của ốm nghén đã không còn. Mẹ đã cảm thấy khỏe hơn nhiều và dần nhận thấy rõ những chuyển động của thai nhi.
Tuy nhiên, các bác sĩ Sản khoa vẫn khuyên khi có bất cứ dấu hiệu nào khác thường, mẹ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thực hiện thăm khám, hỗ trợ. Dưới đây là một số triệu chứng đáng chú ý mà các mẹ cần nhớ:
– Bụng có cảm giác đau dữ dội, khó chịu thời gian dài.
– Chuột rút nhiều và thường xuyên hơn.
– Ra máu trong thai kỳ một cách bất thường.
– Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt.
– Thay đổi cân nặng không phù hợp với thời điểm tương ứng của thai kỳ.
– Da dẻ xanh, xám hoặc ngả vàng.
Khám thai 3 tháng giữa thai kỳ giúp cho mẹ an tâm hơn rất nhiều về tình trạng của thai cũng như có được những lời khuyên, tư vấn sao cho đảm bảo sức khỏe từ đó tới những giai đoạn quan trọng sau này. Vì vậy, các mẹ bầu nên có kế hoạch quản lý thai kỳ cụ thể, tránh bỏ lỡ những mốc quan trọng, bỏ lỡ những giai đoạn có thể cải thiện tình trạng thai phụ và thai nhi một cách tốt hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.