Khám thai tháng thứ 7 và những lưu ý cần biết

Khám thai tháng thứ 7 đặc biệt quan trọng với các mẹ bầu, bởi đây là khoảng thời gian thai nhi đã hoàn thiện rõ nét hơn về các bộ phận. Đồng thời thai phụ sẽ có cảm giác “nặng nề” hơn, chân tay bị phù, đi lại khó khăn. Theo các chuyên gia, khám thai nên được thực hiện định kì để bác sĩ theo dõi sát tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Bạn đang đọc: Khám thai tháng thứ 7 và những lưu ý cần biết

1. Tầm quan trọng của các giai đoạn khám thai 

Khám thai định kì là bước đầu tiên kiểm soát sức khỏe của thai phụ và thai nhi trong suốt quá trình mang bầu và sinh con sau này. Thông qua việc thăm khám thường xuyên, bác sĩ sẽ biết được những nguy cơ bệnh di truyền, dị tật ở bào thai cũng như theo dõi sức khỏe của người mẹ. Mục đích của việc làm này là để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà bầu và thai nhi cho đến khi sinh nở thành công.

Trong thuật ngữ thai sản, “tam cá nguyệt” nói đến 3 giai đoạn của thời ki mang thai: 3 tháng đầu – 3 tháng giữa – 3 tháng cuối. Hãy cùng Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu kĩ hơn về tầm quan trọng của các mốc khám thai cũng như tại sao khám thai tháng thứ 7 cần mẹ bầu lưu tâm nhiều hơn.

1.1. Khám thai 3 tháng đầu

Trong quá trình khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán thai nhi và tính tuổi thai, đồng thời dự đoán ngày dự sinh. Điều này rất quan trọng vì nhiều chị em không nhớ rõ kinh cuối cùng, không có kinh hoặc kinh không đều. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tuổi thai mới được chẩn đoán chính xác hơn và việc này giúp dự đoán ngày dự sinh sát hơn, đồng thời giúp phát hiện các vấn đề như thai già tháng hoặc thai suy dinh dưỡng trong tử cung.

Khám thai tháng thứ 7 và những lưu ý cần biết

Khám thai định kì giúp bảo vệ tốt nhất sức khỏe của mẹ và bé

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sức khỏe của bà mẹ, bao gồm các bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp và các bệnh lý phụ khoa như khối u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung. Nếu bác sĩ phát hiện bất kỳ vấn đề gì, bà mẹ sẽ được tư vấn về cách điều trị, cách dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo.

1.2. Khám thai 3 tháng giữa

Từ tuần lễ thứ 15 -19 của thai kỳ, các dị tật và dị dạng của thai nhi được chẩn đoán tương đối rõ ràng. Rối loạn huyết áp thường được phát hiện vào tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Từ đó, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp dự phòng để tránh tiền sản giật xảy ra trong tương lai.

Việc theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của bà mẹ và phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung sẽ giúp bác sĩ đưa ra chế độ dinh dưỡng và các chăm sóc đặc biệt phù hợp cho bà mẹ. Trong trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến của bệnh và khả năng đáp ứng của bà mẹ với bệnh lý để đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.

1.3. Khám thai 3 tháng cuối

Khám thai tháng thứ 7 trở đi tức là mẹ bầu đang bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Đây là thời kì mẹ bắt đầu thấy cơ thể nặng nề, cân nặng tăng nhanh, kèm theo đó là cảm giác mệt mỏi nhiều hơn.

Đây là thời điểm quan trọng và cần thiết để bác sĩ theo dõi sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Trong giai đoạn này, các tai biến sản khoa thường xảy ra khi sinh, đặc biệt trong quá trình chuyển dạ nên cần được kiểm tra kĩ lưỡng và thường xuyên.

Khám thai tháng thứ 7 đánh dấu giai đoạn "tam cá nguyệt" cuối cùng trước khi mẹ bầu "vượt cạn"

Khám thai tháng thứ 7 đánh dấu giai đoạn “tam cá nguyệt” cuối cùng trước khi mẹ bầu “vượt cạn”

Đồng thời, bác sĩ sẽ chẩn đoán ngôi thai, đánh giá sự tương xứng giữa cân nặng của thai nhi và khung chậu của người mẹ, từ đó có thể tiên lượng được cuộc sinh sắp tới có dễ hay khó, có nguy cơ gì. Nếu phát hiện những thai kỳ nguy cơ cao, bác sĩ sẽ cho bà mẹ nhập viện sớm trước ngày dự sinh. Trong trường hợp bà mẹ phải sinh mổ, bác sĩ sẽ quyết định mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (39 tuần) để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và thai nhi.

2. Lịch khám thai định kì các mẹ bầu cần biết

Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI chia ra thành 9 lần khám thai (tính theo tuần tuổi của thai nhi) để bà mẹ dễ dàng nắm bắt và thuận tiện hơn trong quá trình chăm sóc sức khỏe của bác sĩ, điều dưỡng viên đối với thai phụ.

2.1. Khám thai lần 1 (Thai 8 – 11 tuần)

Trong lần khám đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe tổng quát: chiều cao, cân nặng, xét nghiệm máu, đo nhịp tim,.. Đồng thời, mẹ bầu sẽ được thực hiện các xét nghiệm, khám chuyên khoa khác nếu phát hiện dấu hiệu bất thường để đảm bảo sức khỏe khi mang thai.

2.2. Khám thai lần 2 (Thai 12 – 15 tuần)

Bác sĩ thực hiện siêu âm hình thái thai, tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm Rubella virus IgM, IgG,.. để kiểm tra sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, phát hiện sớm các bệnh di truyền, dị tật có thể gặp phải ở bào thai.

Tìm hiểu thêm: 3 cách điều trị viêm âm đạo hiệu quả nàng đã biết chưa?

Khám thai tháng thứ 7 và những lưu ý cần biết

Khám thai từ những tuần đầu tiên sẽ giúp bác sĩ theo sát được tình trạng sức khỏe của bà mẹ và thai nhi

2.3. Khám thai lần 3 (Thai từ 16 – 18 tuần)

Khám thai từ 16 – 18 tuần tuổi nên được mẹ bầu lưu tâm bởi đây là thời gian “vàng” để theo dõi sự phát triển kích cỡ tế bào thai có ổn định hay không. Thai 16 tuần tuổi sẽ có sự gia tăng nhanh chóng về kích thước, trọng lượng và cần nhiều hơn chất dinh dưỡng từ cơ thể người mẹ.

Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên chế độ dinh dưỡng giúp bà bầu có 1 thai kì khỏe mạnh.

2.4. Khám thai lần 4 (Thai từ 22 – 24 tuần)

Thai nhi trong giai đoạn này đã hình thành rõ nét hơn, cân nặng tăng nhanh. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm bào thai, tổng phân tích nước tiểu và tế bào máu ngoại vi để xác định dị tật thai nhi. Đồng thời nhờ đó mà bác sĩ cũng đánh giá được tình trạng nước ối, bánh nhau có ổn định hay không để đưa ra hướng xử lý kịp thời.

2.5. Khám thai lần 5 (Thai từ 25 – 29 tuần) 

Đây cũng là thời kì khám thai tháng thứ 7 mà bà bầu không thể chủ quan, bỏ qua. Bên cạnh những chỉ định siêu âm xem hình thái thai thì bác sĩ sẽ chỉ định test nguy cơ bị tiểu đường thai kì của mẹ bầu thông qua nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống.

Khám thai tháng thứ 7 và những lưu ý cần biết

>>>>>Xem thêm: Ung thư tử cung – những điều cần biết

Khám thai vào những tháng sắp sinh rất quan trọng, mẹ bầu không nên bỏ qua

2.6- Khám thai lần 6 (Thai từ 30 – 32 tuần)

Tương tự như lần khám thai thứ 5, khám thai lần thứ 6 bà bầu cũng được thực hiện khám thai, siêu âm và tổng phân tích nước tiểu. Ngoài ra, tại Thu Cúc TCI, cặp vợ chồng sẽ được tham gia lớp học tiền sản giúp cha mẹ chuẩn bị tốt cho quá trình sinh và sự ra đời của đứa trẻ.

2.7- Khám thai lần 7 (Thai từ 36 – 37 tuần)

Trong thời gian khám thai lần 7, thai phụ sẽ được khám kĩ để liên quan đến chỉ định sinh mổ hay sinh thường. Tại các lần khám gần với giai đoạn sinh nở, thai phụ càng cần chú trọng và theo dõi sát những tình hình sức khỏe để kịp thời thông báo tới bác sĩ.

2.8- Khám thai lần 8 (Thai từ 38 – 39 tuần)

Thai từ 38 – 39 tuần gần như đã trưởng thành, người mẹ sẽ được bác sĩ theo dõi sát sao sức khỏe, tình trạng nước ối, nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitor sản khoa chuyên dụng.

2.9- Khám thai lần 9 (Thai >40 tuần)

Đây là khoảng thời gian bà mẹ bước vào giai đoạn sinh nở. Bên cạnh việc khám thai và siêu âm, các bác sĩ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sinh của thai phụ. Bác sĩ và điều dưỡng luôn túc trực để hướng dẫn bà mẹ trong quá trình trước – trong – sau sinh để đảm bảo “mẹ tròn con vuông”.

3. Những lưu ý cho mẹ bầu khám thai tháng thứ 7

– Các cơn co thắt thường xuyên khi mang thai ở tháng thứ 7 cần kiểm tra và theo dõi, để chăm sóc bản thân.

– Tay chân phù nề và nhức đầu có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, nên kiểm tra huyết áp để loại trừ.

– Chảy máu âm đạo cần đi cấp cứu ngay lập tức, đó có thể là nhau tiền đạo hoặc nhau bong non một phần.

– Nếu sốt, cần đến bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến em bé và sự tiếp tục của thai kỳ.

– Nằm nghiêng về bên trái và đặt gối giữa hai chân giúp tìm được tư thế ngủ thoải mái và tránh chèn ép tĩnh mạch chủ và động mạch chủ.

Khám thai tháng thứ 7 và những lưu ý cho mẹ bầu trong việc khám thai định kì đã được Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI cung cấp thông tin hữu ích trong bài viết này. Nếu bạn đang gặp vấn đề khác trong quá trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *