Kháng sinh điều trị HP dạ dày và những câu hỏi được quan tâm

Dùng kháng sinh điều trị HP dạ dày là chỉ định bắt buộc nhằm tiêu diệt thành công loại vi khuẩn này. Xoay quanh việc sử dụng kháng sinh, hàng loạt các câu hỏi được quan tâm như kháng sinh được sử dụng gồm những loại nào, cách sử dụng kháng sinh hiệu quả, dùng kháng sinh có gây ra tác dụng phụ không, uống thuốc trong bao lâu?,…

1. HP dạ dày có nguy hiểm không? Có bắt buộc phải điều trị không?

Vi khuẩn HP – Helicobacter pylori là loại vi khuẩn đặc biệt có thể xâm nhập và phát triển trong môi trường nồng độ axit cao ở dạ dày người. Trong quá trình hoạt động, vi khuẩn HP sẽ tiết độc tố bào mòn dần lớp màng bảo vệ thành niêm mạc và dẫn tới các tổn thương. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý thường gặp ở dạ dày như viêm dạ dày, viêm loét dạ dày hành tá tràng hoặc thậm chí là ung thư dạ dày.

Trên thực tế, vi khuẩn HP có tới trên 200 chủng và không phải cứ nhiễm khuẩn HP dương tính nào cũng gây ra bệnh tiêu hóa. Nhiều trường hợp mang vi khuẩn không triệu chứng thì không cần tiến hành điều trị hay phải thực hiện ăn riêng, uống riêng phòng lây nhiễm HP. Tuy nhiên, với ca bệnh HP dương tính kèm theo triệu chứng cụ thể như đau thượng vị, ợ chua, khó tiêu, chán ăn,… thì người bệnh cần tiến hành thăm khám ngay để được chẩn đoán bệnh và việc điều trị là bắt buộc để tránh lây nhiễm cộng đồng.

Kháng sinh điều trị HP dạ dày và những câu hỏi được quan tâm

Hoạt động của vi khuẩn HP có thể gây ra các tổn thương tại dạ dày.

2. Giải đáp thắc mắc liên quan kháng sinh điều trị HP dạ dày

2.1. Kháng sinh điều trị HP dạ dày bao gồm những loại nào?

Hiện nay, điều trị vi khuẩn HP được thực hiện bằng thuốc theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế ban hành. Theo đó, các loại kháng sinh được sử dụng trong phác đồ cũng được công bố cụ thể bao gồm 4 loại sau:

– Kháng sinh Clarithromycin

– Kháng sinh Metronidazol

– Kháng sinh Amoxicillin

– Kháng sinh Levofloxacin

Một lưu ý quan trọng trong việc sử dụng kháng sinh tiêu diệt HP đó là khả năng kháng kháng sinh của HP ngày một tốt hơn. Vì vậy, bác sĩ sẽ cần thực hiện các xét nghiệm và phản ứng cần thiết để lựa chọn loại kháng sinh tương thích tốt.

2.2. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng cách như thế nào?

Trước hết, yêu cầu đầu tiên người bệnh cần tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Chỉ khi có kết quả dương tính HP mới được tiến hành điều trị. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ lên phác đồ cụ thể về loại thuốc, hướng dẫn sử dụng, liều lượng và thời gian dùng thuốc chi tiết. Việc người bệnh cần làm là nghiêm túc tuân thủ đúng các chỉ định nêu trên.

Một số lưu ý cho người bệnh khi uống thuốc điều trị HP dạ dày tại nhà như sau:

– Không tự ý mua thuốc khác với đơn kê hay thay đổi loại thuốc dù là thuốc có công dụng tương đương.

– Uống đúng liều lượng, uống thuốc đều đặn không được ngắt quãng giữa chừng.

– Không được tự ý ngưng uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Kháng sinh điều trị HP dạ dày và những câu hỏi được quan tâm

Người bệnh cần thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ chỉ định đúng phác đồ điều trị HP.

2.3. Kháng sinh điều trị HP dạ dày có gây tác dụng phụ không?

Câu trả lời là uống thuốc kháng sinh có gây ra tác dụng phụ. Dùng kháng sinh cho hiệu quả tiêu diệt HP và giảm các triệu chứng tiêu hóa gặp phải ở dạ dày nhưng ở mỗi loại thuốc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ khác nhau theo mức độ khác nhau. Mệt mỏi kèm tiêu chảy là biểu hiện gặp phải phổ biến nhất cùng các tác dụng phụ khác như:

– Rối loạn tiêu hóa;

– Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt;

– Thường xuyên buồn nôn;

– Khó thở, tức ngực, đôi khi còn là rối loạn nhịp tim;

– Ảo giác, mất trí nhớ;

– Da bị khô, bong tróc vảy;

– Một số thuốc còn cho tác dụng phụ gây thiếu hụt magie trong máu và gây mất cân bằng hệ tiêu hóa. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục sẽ khiến sức khỏe người bệnh suy giảm;

– Bị co giật, co thắt cơ;

– Khô miệng, chán ăn, luôn có cảm giác ăn không ngon;

– Gầy sút cân;

– Yếu cơ, đau khớp;

– Tăng men gan.

Những tác dụng phụ kể trên nếu ở mức độ nhẹ có thể không đáng lo ngại và sẽ biến mất khi quá trình điều trị kết thúc. Người bệnh khi uống kháng sinh cần theo dõi các triệu chứng gặp phải, thông báo ngay với bác sĩ khi gặp phải tác dụng phụ nặng nề để được xử lý đúng cách.

2.4. Uống kháng sinh tiêu diệt HP trong bao lâu?

Thời gian sử dụng kháng sinh sẽ phụ thuộc theo phác đồ điều trị được áp dụng. Thông thường, uống kháng sinh tiêu diệt HP sẽ uống liên tục từ 10-14 ngày. Trong trường hợp nhiễm vi khuẩn HP kèm theo các ổ viêm loét ở dạ dày thì cần thực hiện điều trị duy trì trong 4-8 tuần tiếp theo để làm lành vết loét.

Kháng sinh điều trị HP dạ dày và những câu hỏi được quan tâm

Người bệnh cần sử dụng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP liên tục trong 10-14 ngày.

3. Lưu ý thêm về chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học

Bên cạnh việc dùng thuốc kháng sinh đúng cách cho hiệu quả tiêu diệt HP tốt thì việc thực hiện chế độ ăn và điều chỉnh lối sống khoa học cũng là yêu cầu quan trọng không thể thiếu trong hỗ trợ điều trị bệnh. Cụ thể, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

– Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu đặc biệt là nhóm thức ăn có chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa.

– Ăn thực phẩm cung cấp lượng lợi khuẩn tốt cho hoạt động tiêu hóa như sữa chua, rượu kefir, tương miso, kim chi.

– Dùng dầu thực vật các loại (dầu olive, dầu hạt cải,…), mật ong, nghệ, gừng, cam thảo, nha đam,…

– Đảm bảo yêu cầu về thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Chọn loại thực phẩm tươi ngon, chế biến nấu nướng sạch sẽ.

– Không uống rượu bia.

– Không hút thuốc lá.

– Giữ tinh thần thoải mái, tránh bị căng thẳng kéo dài.

– Nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc.

– Vận động thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng, đồng thời cũng rất tốt cho hoạt động đường tiêu hóa.

Trên đây là những giải đáp liên quan đến việc sử dụng kháng sinh điều trị HP dạ dày. Mong rằng, những thông tin này sẽ hữu ích đến bạn và sẽ được áp dụng tốt giúp người bệnh thực hiện điều trị HP thành công.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *