Cắt ống dẫn trứng là quy trình phẫu thuật cắt bỏ đi một (cắt ống dẫn trứng bán phần) hoặc cả hai ống dẫn trứng (cắt ống dẫn trứng toàn phần).
Khi nào cần cắt ống dẫn trứng?
Cắt ống dẫn trứng là gì?
Mỗi phụ nữ có hai ống dẫn trứng (hay còn gọi là vòi trứng) với chức năng đưa trứng từ buồng trứng đến tử cung.
Cắt ống dẫn trứng là quy trình phẫu thuật cắt bỏ đi một (cắt ống dẫn trứng bán phần) hoặc cả hai ống dẫn trứng (cắt ống dẫn trứng toàn phần).
Một quy trình phẫu thuật khác được thực hiện ở ống dẫn trứng là thông tắc vòi trứng, trong đó bác sĩ rạch một đường nhỏ ở ống dẫn trứng để loại bỏ phần gây tắc (thường là dịch hoặc mủ). Ống dẫn trứng vẫn được giữ nguyên.
Cắt ống dẫn trứng có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với các quy trình phẫu thuật khác, ví dụ như cắt buồng trứng, cắt tử cung và mổ lấy thai.
Dưới đây là những điều mà phụ nữ cần biết về phẫu thuật cắt ống dẫn trứng, lý do cần thực hiện, các bước chuẩn bị, quy trình và thời gian hồi phục.
Cắt ống dẫn trứng và cắt buồng trứng – ống dẫn trứng
Cắt ống dẫn trứng (salpingectomy) là quy trình mà chỉ có ống dẫn trứng bị cắt bỏ. Cắt buồng trứng (oophorectomy) là phương pháp phẫu thuật cắt đi một hoặc cả hai buồng trứng.
Khi hai quy trình phẫu thuật này được thực hiện cùng một lúc thì được gọi là phẫu thuật cắt buồng trứng – vòi trứng (salpingectomy-oophorectomy). Tùy thuộc vào lý do cần phẫu thuật mà đôi khi còn phải cắt bỏ cả tử cung cùng cổ tử cung.
Cả quy trình cắt ống dẫn trứng và cắt buồng trứng – vòi trứng đều có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi.
Lý do cần cắt ống dẫn trứng
Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng là giải pháp để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, ví dụ như:
- Thai ngoài tử cung
- Vỡ ống dẫn trứng
- Nhiễm trùng
- Ung thư ống dẫn trứng
Ung thư ống dẫn trứng là một bệnh ung thư hiếm gặp và chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ mang đột biến gen BRCA. Khoảng một nửa số phụ nữ mang đột biến gen BRCA và bị ung thư buồng trứng cũng có tổn thương ở cả ống dẫn trứng.
Ung thư buồng trứng đôi khi bắt đầu phát sinh trong ống dẫn trứng. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt ống dẫn trứng có thể được thực hiện với mục đích dự phòng nhằm làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, quy trình phẫu thuật này cũng có thể được thực hiện như một phương pháp ngừa thai vĩnh viễn.
Cần chuẩn bị những gì?
Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết về quy trình cắt ống dẫn trứng và hướng dẫn cụ thể về những lưu ý trước cũng như là sau phẫu thuật. Những lưu ý này sẽ phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật được sử dụng (mổ mở hay phẫu thuật nội soi ổ bụng). Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tiến hành ca mổ tùy theo các yếu tố như lý do cần cắt ống dẫn trứng, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Dưới đây là một số lưu ý chung:
- Sắp xếp công việc để có thời gian nghỉ ngơi sau phẫu thuật. Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể sẽ vẫn còn bị choáng do tác dụng của thuốc gây mê và cảm giác đau ở vết mổ.
- Chuẩn bị quần áo rộng rãi, thoải mái để mặc sau phẫu thuật.
- Nếu đang dùng bất cứ loại thuốc nào thì đều phải báo với bác sĩ để được hướng dẫn ngừng thuốc trước và sau phẫu thuật.
- Hỏi bác sĩ nên nhịn ăn bao lâu trước ca mổ.
Quy trình thực hiện
Nếu phẫu thuật bằng kỹ thuật mổ mở truyền thống thì trước tiên, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường dài khoảng vài cm ở vùng bụng dưới. Qua đường rạch này, bác sĩ sẽ tiếp cận đến các ống dẫn trứng và tiến hành cắt bỏ. Sau đó, đường rạch được đóng lại bằng chỉ khâu hoặc ghim phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là một kỹ thuật ít xâm lấn hơn mổ mở và có thể được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ.
Trước tiên, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng dưới. Sau đó, đưa ống nội soi (ống dài có gắn đèn và camera) vào qua đường rạch. Ổ bụng sẽ được bơm khí để căng lên. Điều này giúp bác sĩ có thể nhìn thấy rõ các cơ quan trong vùng chậu trên màn hình.
Sau đó, bác sĩ rạch thêm một vài đường nhỏ để đưa dụng cụ mổ vào. Những đường rạch này thường chỉ dài chưa đến 1cm. Sau khi cắt ống dẫn trứng thì ống nội soi cùng dụng cụ mổ sẽ được lấy ra và tất cả các đường rạch được đóng lại.
Quá trình hồi phục
Sau khi ca mổ hoàn tất, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức để theo dõi. Thường phải sau một vài tiếng thì thuốc mê mới hết tác dụng và bệnh nhân hoàn toàn tỉnh lại nhưng có thể sẽ bị buồn nôn và hơi đau nhức ở xung quanh vết mổ.
Khi có thể đứng dậy và tiểu tiện bình thường thì bệnh nhân mới được xuất viện về nhà.
Cần thực hiện đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ về thời gian có thể sinh hoạt trở lại. Có thể chỉ mất vài ngày nhưng cũng có thể lâu hơn, tùy từng người. Không được nâng vật nặng và vận động gắng sức trong ít nhất 1 tuần.
Sau khi về nhà, cần chú ý theo dõi và thông báo ngay cho bác sĩ nếu như có những hiện tượng như:
- Lên cơn sốt và ớn lạnh
- Đau dữ dội hoặc buồn nôn
- Chảy dịch hoặc tấy đỏ ở xung quanh vết mổ
- Đột ngột bị ra máu nhiều từ âm đạo
- Khó tiểu
Nếu phẫu thuật nội soi ổ bụng thì vết mổ sẽ nhỏ hơn và nhanh lành hơn so với mổ mở.
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, nói chung thì bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn trong vòng từ 3 đến 6 tuần sau mổ mở và 2 đến 4 tuần sau khi mổ nội soi.
Các rủi ro
Bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định, ví dụ như phản ứng tiêu cực với thuốc gây mê. Quy trình phẫu thuật nội soi thường kéo dài hơn mổ mở truyền thống nên thời gian gây mê sẽ lâu hơn. Ngoài ra, phẫu thuật cắt ống dẫn trứng còn có một số rủi ro khác như:
- Nhiễm trùng (nguy cơ nhiễm trùng khi mổ nội soi thường thấp hơn so với mổ mở)
- Chảy máu trong hoặc chảy máu tại vết mổ
- Thoát vị thành bụng
- Tổn thương mạch máu hoặc các cơ quan lân cận
Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện ở những phụ nữ từng phẫu thuật cắt ống dẫn trứng kết hợp mổ lấy thai cho thấy rằng các biến chứng rất hiếm khi xảy ra.
Mặc dù mất nhiều thời gian hơn một chút nhưng phẫu thuật cắt ống dẫn trứng nội soi đã được chứng minh là một giải pháp an toàn hơn so với phẫu thuật thắt ống dẫn trứng. Vì đem lại hiệu quả tránh thai tuyệt đối và còn giúp giảm phần nào nguy cơ ung thư buồng trứng nên đây là một lựa chọn mà những phụ nữ đang có nhu cầu triệt sản nên cân nhắc.
Sau cắt ống dẫn trứng còn có thể mang thai không?
Nếu như không cắt buồng trứng và tử cung thì sẽ tiếp tục có kinh nguyệt bình thường sau cắt ống dẫn trứng.
Khi chỉ cắt một ống dẫn trứng thì cũng vẫn có khả năng mang thai. Do đó, nếu không muốn có con thì vẫn cần sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.
Khi cắt bỏ cả hai ống dẫn trứng thì sẽ không thể thụ thai được nữa nên không cần sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, nếu như còn tử cung thì vẫn có thể mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Trước khi phẫu thuật cắt ống dẫn trứng, hãy thảo luận về kế hoạch sinh sản với bác sĩ.