Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T được thực hiện trong những trường hợp có các triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như HIV.

xet nghiem te bao T
Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T là gì?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T là một phương pháp xét nghiệm máu để xác định số lượng tế bào T trong cơ thể. Tế bào T là một loại tế bào lympho (một dạng bạch cầu).

Các tế bào này có vai trò giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Có 2 loại tế bào lympho là tế bào T và tế bào B. Các tế bào T giúp chống lại virus và tăng cường chức năng miễn dịch của các tế bào khác trong khi tế bào B chống lại vi khuẩn.

Đôi khi, cơ thể của chúng ta có quá nhiều hoặc quá ít tế bào T. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang không hoạt động bình thường.

Xét nghiệm đếm tế bào T sẽ cho biết tình trạng này. Ở những người nhiễm HIV, phương pháp xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4. Mỗi tế bào T chứa một thụ thể CD4. Thụ thể này chính là nơi mà HIV bám vào tế bào T.

Tại sao cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?

Bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành xét nghiệm đếm số lượng tế bào T trong những trường hợp có các triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như HIV. Ngoài ra, khi có triệu chứng của các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc một số bệnh ung thư thì cũng cần làm xét nghiệm đếm tế bào T.

Một số dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch gồm có:

  • Nhiễm trùng tái phát thường xuyên
  • Nhiễm trùng nặng dù chỉ bị nhiễm các vi khuẩn và vi sinh vật bình thường vốn vô hại hoặc gây nhiễm trùng nhẹ
  • Khó hồi phục sau bệnh tật
  • Nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị
  • Nhiễm nấm tái phát, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm men
  • Nhiễm ký sinh trùng tái phát

Cần chuẩn bị gì trước xét nghiệm?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T chỉ cần một mẫu máu nhỏ và hầu như không cần chuẩn bị gì.

Trước khi xét nghiệm, hãy nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thảo dược và thực phẩm chức năng.

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào T và làm thay đổi kết quả xét nghiệm. Nếu đang dùng những loại thuốc này thì sẽ cần tạm thời ngừng một thời gian hoặc thay đổi liều lượng trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngừng hay đổi thuốc.

Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào T gồm có:

  • Thuốc hóa trị
  • Xạ trị
  • Thuốc corticosteroid
  • Thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng

Mới phẫu thuật gần đây hoặc bị căng thẳng quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào T trong cơ thể.

Quy trình thực hiện

Chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ từ tĩnh mạch để làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T. Quy trình thực hiện cũng giống như xét nghiệm máu thông thường, gồm có các bước như sau:

  1. Sát khuẩn vị trí lấy máu trên cánh tay để tránh bị nhiễm trùng.
  2. Buộc garo quanh cánh tay để làm nổi tĩnh mạch (ven).
  3. Đưa kim tiêm vào tĩnh mạch và hút máu. Lượng máu cần lấy sẽ phụ thuộc vào số lượng xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định. Chỉ mất vài giây là sẽ lấy đủ lượng máu cần thiết.
  4. Có thể sẽ cảm thấy hơi nhói khi kim tiêm đâm vào da. Hãy thả lỏng cánh tay để đỡ bị đau.
  5. Sau khi lấy máu xong, bác sĩ tháo dây garo, ấn bông lên vị trí lấy máu và rút kim tiêm. Giữ tay lên vị trí lấy máu một lúc để tránh bị chảy máu và giảm bầm tím.
  6. Mẫu máu được cho vào ống vô trùng và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Bạn sẽ được hẹn ngày quay lại lấy kết quả xét nghiệm. Có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi lấy máu.

Rủi ro

Cũng giống như xét nghiệm máu khi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm đếm số lượng tế bào T là một quy trình rất an toàn. Tuy nhiên, phương pháp này thường được thực hiện ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, ví dụ như nhiễm HIV. Những người này sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn so với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Một số vấn đề không mong muốn có thể xảy ra khi lấy máu để làm xét nghiệm đếm tế bào T:

  • Phải đâm kim nhiều lần nếu không tìm được ven
  • Chảy máu quá nhiều
  • Choáng váng và ngất xỉu
  • Tụ máu, dẫn đến bầm tím
  • Nhiễm trùng ở vị trí lấy máu

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm

Số lượng tế bào T khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 500 đến 1.600 tế bào/mm3 máu (tế bào trên một milimét khối máu).

Số lượng tế bào T thấp

Số lượng tế bào T thấp là vấn đề xảy ra phổ biến hơn số lượng tế bào T cao và thường là dấu hiệu cho thấy vấn đề với hệ miễn dịch hoặc hạch bạch huyết. Số lượng tế bào T thấp có thể là do:

  • Nhiễm virus, chẳng hạn như virus cúm
  • Lão hóa
  • Rối loạn suy giảm miễn dịch
  • Tiếp xúc với bức xạ, ví dụ như xạ trị
  • HIV/AIDS
  • Các bệnh ung thư ảnh hưởng đến máu hoặc các hạch bạch huyết, chẳng hạn như bệnh macroglobulin huyết (Waldenström’s macroglobulinemia), bệnh bạch cầu và bệnh Hodgkin
  • Thiếu tế bào T bẩm sinh

Số lượng tế bào T cao

Số lượng tế bào T cao là vấn đề ít gặp nhưng có thể là do một số nguyên nhân gây ra như:

  • Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tế bào lympho – một loại ung thư ảnh hưởng đến bạch cầu
  • Bệnh đa u tủy xương – một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào huyết tương trong tủy xương
  • Các rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng tăng sinh tự miễn tế bào lympho

Bước tiếp theo sau xét nghiệm

Sau khi có kết quả xét nghiệm đếm số lượng tế bào T, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác nếu cần hoặc kết luận bệnh và đưa ra phương pháp điều trị.

Trong những trường hợp có quá ít tế bào T thì bác sĩ sẽ kê thuốc tăng số lượng tế bào T. Mặc dù không có loại thực phẩm nào có thể làm tăng số lượng bạch cầu trong cơ thể nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *