Khi nào cần phẫu thuật cắt bàng quang?

Phẫu thuật cắt bàng quang là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Đôi khi, phẫu thuật cắt bàng quang được thực hiện để điều trị một bệnh ung thư khác di căn đến bàng quang.

Khi nào cần phẫu thuật cắt bàng quang?
Khi nào cần phẫu thuật cắt bàng quang?

Phẫu thuật là một giải pháp điều trị phổ biến cho bệnh ung thư bàng quang. Loại phẫu thuật cần thực hiện phụ thuộc vào ba yếu tố là:

  • Giai đoạn ung thư
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
  • Người bệnh bị ung thư bàng quang lần đầu hay ung thư tái phát

Cắt bỏ bàng quang sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nhưng có sự chuẩn bị trước khi phẫu thuật sẽ giúp giảm bớt những vấn đề gặp phải. Điều quan trọng là phải hiểu và lên kế hoạch xử lý những thay đổi sau ca phẫu thuật. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị tinh thần cho những biến chứng có thể xảy ra. Những điều này sẽ giúp người bệnh và người thân thích ứng với những thay đổi một cách dễ dàng hơn.

Phẫu thuật cắt bàng quang được thực hiện khi nào?

Phẫu thuật cắt bàng quang là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Đôi khi, phẫu thuật cắt bàng quang được thực hiện để điều trị một bệnh ung thư khác di căn đến bàng quang.

Bác sĩ có thể đề nghị một phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, những trường hợp ung thư đã lan rộng sẽ phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang. Điều này giúp ngăn ung thư tiến triển và lan đến các cơ quan khác.

Các loại phẫu thuật cắt bàng quang

Cắt bàng quang là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư bàng quang. Cắt bàng quang cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang tái phát.

Có hai loại phẫu thuật cắt bàng quang được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang:

  • Cắt một phần bàng quang: trong những trường hợp mà ung thư đã lan vào thành bàng quang nhưng giới hạn ở một phần của bàng quang, người bệnh có thể chỉ cần cắt bỏ một phần bàng quang. Loại phẫu thuật này được chỉ định khi ung thư chưa lan đến cổ bàng quang.
  • Cắt bàng quang triệt để: cắt bỏ toàn bộ bàng quang và các hạch bạch huyết lân cận. Ngoài ra có thể còn phải cắt bỏ một phần cơ quan gần bàng quang nơi ung thư có thể lan đến.

Các cấu trúc hoặc cơ quan cần cắt bỏ cùng với bàng quang trong ca phẫu thuật cắt bàng quang triệt để sẽ phụ thuộc vào giới tính. Trước ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho người bệnh biết những gì cần phải cắt bỏ.

Ở nam giới, các cơ quan cần cắt bỏ cùng với bàng quang gồm có:

  • Tuyến tiền liệt
  • Một phần ống dẫn tinh
  • Túi tinh

Ở phụ nữ, các cơ quan cần cắt bỏ cùng với bàng quang gồm có:

  • Buồng trứng
  • Ống dẫn trứng
  • Tử cung
  • Cổ tử cung
  • Một phần âm đạo

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ tạo ra một con đường khác để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể. Thủ thuật này gọi là chuyển lưu dòng tiểu.

Có hai loại chuyển lưu dòng tiểu chính thường được thực hiện sau khi cắt bỏ toàn bộ bàng quang.

Chuyển lưu dòng tiểu không tự chủ

Bác sĩ cắt một đoạn ruột của người bệnh và nối với niệu quản, sau đó nối đến một lỗ mở trên thành bụng. Thay vì chảy từ thận qua niệu quản đến bàng quang, nước tiểu sẽ chảy qua niệu quản được nối dài đến lỗ mở và được chứa trong một chiếc túi gắn bên ngoài. Khi túi đầy, người bệnh sẽ phải xả nước tiểu trong túi.

Chuyển lưu dòng tiểu tự chủ

Bác sĩ sử dụng một phần ruột của người bệnh để tạo ra một túi chứa nước tiểu bên trong bên trong cơ thể. Vị trí đặt túi sẽ tùy thuộc vào việc niệu đạo có bị cắt bỏ hay không.

Nếu toàn bộ hoặc một phần lớn niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể) bị cắt bỏ trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo túi chứa nước tiểu ở ngay gần lỗ mở trên thành bụng của người bệnh, sau đó gắn van một chiều để ngăn nước tiểu chảy ra ngoài. Người bệnh phải thường xuyên đưa ống thông vào van để dẫn nước tiểu từ túi chứa ra ngoài. Đây được gọi là mở thông niệu quản ra da.

Nếu niệu đạo không bị cắt bỏ trong ca phẫu thuật cắt bàng quang, bác sĩ sẽ nối đoạn ruột vào niệu quản và niệu đạo, hay nói cách khác là thay vào vị trí của bàng quang. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể đi tiểu như bình thường nhưng sẽ không có cảm giác buồn tiểu. Đây được gọi là tái tạo bàng quang mới (neobladder).

Quá trình phẫu thuật cắt bàng quang

Ca phẫu thuật cắt bàng quang cần phải gây mê toàn thân, có nghĩa là người bệnh sẽ không còn ý thức và cảm giác trong suốt quá trình diễn ra ca phẫu thuật.

Nếu sử dụng phương pháp mổ mở thì sau khi người bệnh được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường dài ở bụng dưới của người bệnh, sau đó tiếp cận đến bàng quang và các cấu trúc xung quanh.

Còn nếu sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi, bác sĩ chỉ cần rạch một vài đường nhỏ trên bụng người bệnh, sau đó đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào qua các đường rạch này. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là ít xâm lấn hơn, an toàn hơn, ít để lại sẹo và thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ mở.

Sau phẫu thuật

Người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện từ 3 ngày đến một tuần sau khi phẫu thuật. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ sẽ theo dõi sự đào thải nước tiểu qua con đường mới.

Người bệnh và người nhà sẽ được hướng dẫn cách xả nước tiểu và cách chăm sóc, vệ sinh lỗ mở.

Quá trình phục hồi về lâu dài

Quá trình phục hồi sau ca phẫu thuật cắt bàng quang có thể mất vài tuần. Đây là khoảng thời gian quan trọng để các mô tổn thương dần hồi phục và cơ thể thích nghi với sự thay đổi. Người bệnh có thể hoạt động nhẹ nhàng trong khoảng thời gian này và trở về hoạt động bình thường sau khoảng 4 đến 6 tuần.

Người bệnh cần chú ý chăm sóc cẩn thận lỗ mở trên thành bụng, van và túi chứa nước tiểu. Thời gian đầu sẽ hơi khó khăn nhưng sau đó sẽ quen dần với việc xả nước tiểu từ túi chứa bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Tần suất xả nước tiểu thường sẽ giống với tần suất đi tiểu trước đây (2 – 4 tiếng một lần hoặc thường xuyên hơn nếu uống nhiều nước). Nếu tạo bàng quang mới, người bệnh sẽ không có cảm giác buồn tiểu khi “bàng quang” đầy. Do đó, cần đi tiểu thường xuyên để tránh bị rò rỉ nước tiểu.

Biến chứng của phẫu thuật cắt bàng quang

Rủi ro của phẫu thuật cắt bàng quang cũng tương tự như các loại phẫu thuật khác. Những rủi ro phổ biến nhất gồm có:

  • Phản ứng với thuốc mê
  • Chảy máu
  • Tổn thương các cơ quan và mô lân cận
  • Cục máu đông
  • Nhiễm trùng vết mổ

Ngoài các biến chứng của ca phẫu thuật, thủ thuật chuyển lưu dòng tiểu cũng tiềm ẩn một số rủi ro:

  • Nhiễm trùng
  • Hình thành sỏi trong túi chứa nước tiểu
  • Các vấn đề về chức năng tình dục, gồm có rối loạn cương dương và không thể đạt cực khoái
  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu
  • Rò rỉ nước tiểu
  • Mất cảm giác khi quan hệ tình dục

Người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây sau khi phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vấn đề không mông muốn:

  1. Tái khám thường xuyên: người bệnh nên duy trì tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật và trao đổi với bác sĩ về những vấn đề phát sinh.
  2. Giữ sạch lỗ mở: Phải giữ cho lỗ mở trên bụng luôn sạch sẽ. Luôn sử dụng ống thông vô trùng để xả túi chứa nước tiểu.
  3. Thực hiện bài tập sàn chậu: thực hiện bài tập tăng cường cơ sàn chậu có thể giúp ngăn ngừa rò rỉ nước tiểu khi hoạt động. Bài tập đơn giản nhất là bài tập Kegel. Chỉ cần siết chặt cơ sàn chậu vài giây, sau đó thả lỏng vài giây, lặp lại như vậy 10 đến 15 lần liên tiếp. Có thể tập khi ngồi hoặc nằm nhưng điều quan trọng là phải xác định đúng cơ sàn chậu. Đó chính là các cơ mà chúng ta siết lại mỗi khi nhịn tiểu hoặc ngừng tiểu giữa chừng. Cố gắng không siết cơ mông và cơ bụng trong khi tập. Thực hiện bài tập này 3 lần hàng ngày và tăng dần thời gian mỗi lần siết cơ để bài tập hiệu quả hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *