Không sâu răng vẫn hôi miệng, tại sao?

Hôi miệng là một trong những “cơn ác mộng” ghê gớm nhất của tất cả chúng ta. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng hôi miệng là sâu răng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không sâu răng vẫn hôi miệng. Tại sao vậy? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau bạn nhé!

Bạn đang đọc: Không sâu răng vẫn hôi miệng, tại sao?

1. Nguyên nhân hôi miệng

Hôi miệng là bệnh lý mà trong đó hơi thở của một người có mùi khó chịu. Hôi miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25% dân số toàn cầu mắc chứng hôi miệng ở các mức độ khác nhau. Với tỷ lệ mắc này, nó được xác định là 1 trong 3 bệnh lý nha khoa phổ biến nhất thế giới.

Về thể chất, hôi miệng không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý của người bệnh và những người xung quanh. Khiến họ ngại giao tiếp với nhau, hôi miệng là nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ không ít mối quan hệ xã hội.

Không sâu răng vẫn hôi miệng, tại sao?

Hôi miệng là nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ không ít mối quan hệ xã hội

Nguyên nhân gây hôi miệng mà hầu hết mọi người đều biết là sâu răng. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân khởi phát duy nhất của tình trạng này. Một số người không sâu răng vẫn hôi miệng, có thể là do:

1.1. Vi khuẩn

Sự giải phóng các hợp chất sulphur dễ bay hơi là nguyên nhân chủ yếu của chứng hôi miệng. Những hợp chất sulphur này được tạo ra bởi các vi khuẩn kỵ khí phân giải protein gram âm, khu trú tại những vùng ứ đọng trong miệng, như: Vùng kẽ răng, túi nha chu, bề mặt lưỡi và trong sang thương sâu răng.

1.2. Nguyên nhân tạm thời

– Dung nạp đồ ăn thức uống gây giảm tiết nước bọt (chất lỏng chứa cồn)

– Sử dụng chế phẩm từ sữa, hành, tỏi,…: Sự phân hủy sữa hay bản thân hành tỏi đều chứa nhiều sulphur bay hơi.

– Hút thuốc lá: Vừa tăng hàm lượng sulphur bay hơi trong khoang miệng vừa giảm tiết nước bọt.

1.3. Các bệnh lý răng miệng, ngoại trừ sâu răng

Không sâu răng vẫn hôi miệng vì:

– Giảm tiết nước bọt do tuổi tác, do thuốc, do xạ trị – hóa trị, do hội chứng sjogren,

– Cặn lưỡi do vệ sinh răng miệng không cẩn thận, nhiễm nấm candida,

– Bệnh nha chu và nướu liên quan đến mảng bám, như: Viêm nướu, viêm nha chu, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính, viêm quanh thân răng, viêm quang implant,…

– Bệnh xương như viêm tủy xương, hoại tử xương, viêm ổ răng khôn và các bệnh ác tính khác.

Tìm hiểu thêm: Mẹ bầu nên đi khám thai lần đầu khi nào?

Không sâu răng vẫn hôi miệng, tại sao?

Viêm nướu cũng gây hôi miệng như sâu răng

1.4. Những nguyên nhân khác

1.4.1.Thuốc

Một số thuốc có thể liên quan trực tiếp đến tình trạng hôi miệng, như: Amphetamine, chloral hydrate, thuốc gây độc tế bào, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate và nitrite, phenothiazine

1.4.2. Bệnh toàn thân

– Bệnh về đường hô hấp: Như viêm Amidan, viêm VA, viêm họng hạt,…

– Bệnh về dạ dày – ruột: Chứng hôi miệng là dấu hiệu nhận biết điển hình của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori cũng có thể là nguyên nhân của chứng hôi miệng,

– Bệnh lý đái tháo đường: Dẫn đến chứng hôi miệng do sự phân hủy mỡ,

– Bệnh lý về gan

– Bệnh lý về thận

– Hội chứng cá ươn: Là hội chứng di truyền hiếm gặp. Hiện tại, trên thế giới chỉ có khoảng 600 người mắc. Nguyên nhân sinh bệnh là do rối loạn chuyển hóa. Cơ thể không có khả năng chuyển hóa trimethylamine trong thực phẩm có mùi tanh, khiến chất này tích tụ bên trong cơ thể, nhiều nhất tại gan.

2. Điều trị hôi miệng

Để điều trị hôi miệng, bệnh nhân có thể sử dụng sản phẩm che giấu tạm thời. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp khắc phục tình trạng hôi miệng triệt để. Một số sản phẩm như: Kem đánh răng, nước súc miệng, xịt khử mùi, kẹo cao su,… có thể che giấu mùi khó chịu của hơi thở, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.

Muốn điều trị hôi miệng dứt điểm, bệnh nhân cần thăm khám với chuyên gia để được xác định chính xác nguyên nhân và được hướng dẫn cách giải quyết phù hợp. Theo đó, chuyên gia có thể sẽ tư vấn người bệnh một hoặc một vài phương pháp sau:

2.1. Điều trị hôi miệng do vi khuẩn

– Loại bỏ vi khuẩn và các chất nền của chúng bằng phương pháp cơ học: Bao gồm việc vệ sinh răng miệng cẩn thận, kỹ lưỡng (sử dụng bàn chải – kem đánh răng, chỉ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cả lưỡi) mỗi ngày tại nhà và vệ sinh răng miệng chuyên sâu định kỳ với chuyên gia.

– Loại bỏ vi khuẩn bằng phương pháp hóa học: Lựa chọn kem đánh răng, nước súc miệng có đặc tính kháng khuẩn. Trong trường hợp hôi miệng dai dẳng, có thể sử dụng Metronidazole trong 1 tuần với liều lượng 200 mg mỗi lần, ngày 3 lần. Tuy nhiên, phác đồ này cần được bác sĩ chỉ định và có thể khác nhau, tùy thuộc tình trạng hôi miệng.

– Trung hòa hóa học các hợp chất chứa sulphur dễ bay hơi: Lựa chọn kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo ngậm,… có khả năng trung hòa sulphur dễ bay hơi. Để có được khả năng ấy, các sản phẩm này phải chứa ion kim loại và các chất oxy hóa.

Không sâu răng vẫn hôi miệng, tại sao?

>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân đau bụng trên rốn

Lựa chọn nước súc miệng chứa ion kim loại và các chất oxy hóa để trung hòa sulphur dễ bay hơi

2.2. Điều trị hôi miệng tạm thời

Đối với tình trạng hôi miệng tạm thời do ăn uống thực phẩm gây khô miệng; ăn uống chế phẩm từ sữa, hành, tỏi,…; hút thuốc lá, bệnh nhân chỉ cần ngừng sử dụng chúng là tình trạng hôi miệng sẽ được cải thiện.

2.3. Điều trị hôi miệng do bệnh lý răng miệng và bệnh lý toàn thân

Chứng hôi miệng chỉ có thể biến mất hoàn toàn khi bệnh nhân xử lý dứt điểm những bệnh lý này. Ví dụ:

– Bệnh lý dạ dày – ruột: Sử dụng sản phẩm chứa Probiotic: Probiotic là tên gọi chung của vi khuẩn và nấm men có tác động tích cực đến hệ tiêu hóa. Cụ thể, Probiotic ngăn chặn khả năng bám dính của các tác nhân gây bệnh, cũng như hạn chế khối lượng chất độc của chúng trên biểu mô ruột. Từ đó, cải thiện nhiều bệnh lý về dạ dày – ruột, như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản. Nhờ vậy, tình trạng hôi miệng ở một số người cũng sẽ được khắc phục.

– Cắt Amidan, nạo VA.

Như vậy, tình trạng hôi miệng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân. Đây chính là lý do một số người không sâu răng vẫn hôi miệng. Tùy thuộc nguyên nhân sinh hôi miệng, người bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Sơ lược về các phương pháp ấy đã được liệt kê phía trên. Nếu còn thắc mắc, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *