Ra máu chỉ kéo dài một hoặc hai ngày có thể là dấu hiệu mang thai nhưng cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác.
Kinh Nguyệt Chỉ Kéo Dài 1 – 2 Ngày Có Bình Thường Không?
Nội dung chính của bài viết:
- Mặc dù hầu hết thì kinh nguyệt thường kéo dài khoảng từ 3 đến 5 ngày nhưng cũng có người mà kinh nguyệt chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai ngày hay kéo dài lên đến 7 ngày. Tất cả đều được coi là bình thường.
- Khi kinh nguyệt đang đều đặn bỗng đột nhiên ngắn lại thì có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, như: dấu hiệu của mang thai; thai ngoài tử cung; sảy thai; cho con bú; dùng thuốc tránh thai; do tuổi tác hay các vấn đề sức khỏe.
- Nếu bạn lo lắng khi nhận thấy kinh nguyệt của mình đột nhiên ngắn hơn so với bình thường thì nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra.
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Độ dài của mỗi lần có kinh nguyệt hàng tháng ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu số ngày hành kinh đột nhiên ngắn đi thì chắc chắn sẽ gây lo lắng cho chị em phụ nữ.
Mặc dù đây có thể là một dấu hiệu sớm của mang thai nhưng ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, gồm có các yếu tố về lối sống, biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc một vấn đề sức khỏe.
Dưới đây là những nguyên nhân có thể khiến kinh nguyệt chỉ kéo dài từ 1 – 2 ngày.
Thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bình thường?
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên thấy hiện tượng ra máu của lần này đến ngày đầu tiên ra máu của lần tiếp theo. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài khoảng từ 28 ngày nhưng còn tùy từng người. Nhiều phụ nữ có chu kỳ chỉ kéo dài 21 ngày trong khi ở một số người thì mỗi lần có kinh cách nhau đến 35 ngày.
Số ngày hành kinh hàng tháng của mỗi người phụ nữ cũng không giống nhau. Mặc dù hầu hết thì kinh nguyệt thường kéo dài khoảng từ 3 đến 5 ngày nhưng cũng có người mà kinh nguyệt chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai ngày hay kéo dài lên đến 7 ngày. Tất cả đều được coi là bình thường.
Nhưng nếu số ngày có kinh vẫn duy trì đều đặn hàng tháng và đột nhiên trở nên ngắn lại thì có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Mang thai
Mang thai có thể là một lý do khiến “kinh nguyệt” bị rút ngắn xuống 1 hoặc 2 ngày. Tuy nhiên, thực chất đây không phải là kinh nguyệt bình thường. Khi trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung thì sẽ diễn ra hiện tượng chảy máu, gọi là máu báo thai.
Lượng máu lúc này sẽ ít hơn so với máu kinh thông thường hàng tháng, có màu hồng nhạt đến nâu sẫm và điều này thường chỉ kéo dài khoảng 24 đến 48 tiếng.
Máu báo thai thường xảy ra vào khoảng 10 đến 14 ngày sau khi thụ thai nhưng không phải ai cũng gặp hiện tượng này. Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians), hiện tượng chảy máu do trứng bám vào tử cung chỉ xảy ra ở khoảng 15 đến 25% phụ nữ có thai.
Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là sự cố xảy ra khi trứng sau khi được thụ tinh bám vào ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc cổ tử cung thay vì trong tử cung. Thai ngoài tử cung xảy ra chủ yếu ở ống dẫn trứng hay vòi trứng.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai ngoài tử cung là chảy máu âm đạo cùng với các cơn đau ở vùng chậu.
Nếu trứng được thụ tinh tiếp tục phát triển trong ống dẫn trứng thì có thể khiến ống dẫn bị vỡ. Điều này sẽ dẫn đến chảy máu nghiêm trọng bên trong khoang bụng.
Cần đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các triệu chứng của thai ngoài tử cung như
- Đau dữ dội ở bụng hoặc vùng chậu, thường xảy ra ở một bên
- Choáng váng hoặc ngất xỉu
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau tức ở trực tràng
Sảy thai
Sảy thai sẽ gây chảy máu âm đạo và bị nhầm lẫn với kinh nguyệt. Nhiều phụ nữ không biết rằng mình đã mang thai nên khi có dấu hiệu sảy thai thì chỉ nghĩ là do đến kỳ.
Mức độ chảy máu khi sảy thai có thể chỉ là một lượng nhỏ hoặc ra nhiều máu giống như kinh nguyệt. Thời gian kéo dài và lượng máu sẽ phụ thuộc vào thời điểm bị sảy thai trong thai kỳ.
Các dấu hiệu khác của sảy thai còn có:
- Đau bụng, co thắt ở bụng hoặc vùng chậu
- Đau lưng
- Có dịch hoặc mô đi ra từ âm đạo
Cho con bú
Cho con bú có thể gây chậm kinh, vô kinh và khi có kinh nguyệt thì lượng máu có thể ít hơn hoặc nhanh hết hơn so với trước.
Prolactin – một loại hormone giúp sản sinh sữa mẹ – là thủ phạm ngăn cản kỳ kinh nguyệt diễn ra bình thường.
Hầu hết phụ nữ cho con bú đều có kinh nguyệt trở lại sau khoảng 9 đến 18 tháng kể từ khi sinh con.
Biện pháp tránh thai và các loại thuốc khác
Các biện pháp tránh thai nội tiết như thuốc uống, thuốc tiêm hay vòng tránh thai đều có thể khiến kinh nguyệt bị rút ngắn và ra ít máu hơn.
Các hormone trong thuốc tránh thai có thể làm mỏng niêm mạc tử cung. Điều này dẫn đến số ngày hành kinh ít hơn và giảm lượng máu bị mất. Theo Cleveland Clinic, những phụ nữ dùng các loại thuốc tránh thai chỉ có progestin có thể gặp hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài thuốc tránh thai, các loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến tần suất, độ dài hoặc lượng máu khi đến kỳ gồm có:
- Thuốc làm loãng máu
- Thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chống trầm cảm
- Steroid
- Một số loại thảo dược, chẳng hạn như nhân sâm
- Tamoxifen (một loại thuốc dùng để điều trị một số loại ung thư vú)
Yếu tố về lối sống
Nhiều yếu tố về lối sống khác nhau có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, trong đó có cả những thay đổi trong thói quen hàng ngày.
Stress
Mức độ stress hay căng thẳng cao có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone và từ đó can thiệp vào chu kỳ kinh nguyệt.
Khi bị căng thẳng trong thời gian dài thì kinh nguyệt có thể trở nên không đều, ngắn hơn hoặc ra máu ít hơn bình thường và cũng có thể hoàn toàn không có kinh nguyệt (vô kinh).
Thường thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường khi tình trạng căng thẳng được giải quyết.
Giảm cân quá nhiều
Giảm cân nhiều có thể gây ra những thay đổi về kinh nguyệt. Những dạng rối loạn ăn uống, ví dụ như chứng chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) hoặc chứng ăn – ói (bulimia neurosa) có thể gây ngừng kinh nguyệt hoàn toàn.
Tập thể dục quá sức
Việc tập luyện với cường độ quá cao có thể dẫn đến tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh.
Lý do là bởi khi tập luyện nặng, lượng calo bị đốt cháy sẽ lớn hơn lượng calo được nạp vào và nếu còn không bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ trong chế độ ăn thì cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để duy trì hoạt động của các hệ thống. Lúc này, cơ thể sẽ tự động dồn năng lượng cho các chức năng cần thiết và ngừng một số chức năng, ví dụ như sinh sản.
Vùng dưới đồi – một cấu trúc trong não bộ – có thể làm chậm hoặc ngừng hẳn sự giải phóng các hormone kiểm soát sự rụng trứng, dẫn đến không rụng trứng và không có kinh nguyệt
Vấn đề sức khỏe
Một số vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, khiến cho số ngày ra máu ngắn hơn bình thường. Các vấn đề này gồm có:
Bệnh tuyến giáp
Bệnh tuyến giáp khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp. Hormone này đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt.
Khi cơ thể không sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp, kinh nguyệt sẽ diễn ra không đều và đôi khi bị rút ngắn lại.
Mỗi bệnh lý tuyến giáp lại có các triệu chứng khác nhau nhưng các triệu chứng phổ biến nhất gồm có:
- Giảm cân hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân
- Khó ngủ
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường
Hội chứng buồng trứng đa nang
Khi bị hội chứng buồng trứng đa nang, cơ thể phụ nữ sản sinh ra nhiều nội tiết tố nam hơn bình thường. Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố này có thể ngăn cản sự rụng trứng.
Kết quả là khi đến kỳ thì bị ra máu ít hơn và nhanh hết hơn nhiều hoặc hoàn toàn không có kinh nguyệt. Các triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang còn có:
- Mọc nhiều lông trên mặt hoặc cơ thể
- Mệt mỏi
- Khó chịu ở vùng bụng, thắt lưng và vùng chậu
- Giọng nói trầm hơn
- Nồi mụn trứng cá
- Có những mảng da tối màu, thường là ở cổ, bẹn hoặc nách
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Khó thụ thai
Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo rồi lây lan đến tử cung và đường sinh dục trên. Bệnh nhiễm trùng này thường là do lây truyền qua quan hệ tình dục.
Bệnh viêm vùng chậu cũng có thể khiến kinh nguyệt diễn ra không đều nhưng đa số người bệnh bị ra máu nhiều hơn, lâu hết hơn hoặc đau đớn hơn khi đến kỳ.
Các vấn đề khác
Các vấn đề ít phổ biến hơn cũng có thể khiến kinh nguyệt không đều hoặc ngắn hơn gồm có:
- Hẹp cổ tử cung – ống dẫn từ âm đạo đến tử cung bị nhỏ hơn bình thường
- Suy buồng trứng sớm, hay còn được gọi là mãn kinh sớm
- Hội chứng Asherman, do mô sẹo hoặc chất kết dính khiến thành bên trong tử cung hoặc cổ tử cung bị dính vào nhau
- Thiếu máu
- Rối loạn tuyến yên
Tuổi tác
Những bé gái đang tuổi dậy thì thường có kinh nguyệt không đều trong vài năm đầu.
Một giai đoạn nữa cũng diễn ra tình trạng kinh nguyệt thất thường là trong giai đoạn tiền mãn kinh, kéo dài một vài năm trước khi chính thức mãn kinh.
Phụ nữ có thể phải trải qua giai đoạn tiền mãn kinh từ 8 đến 10 năm trước khi mãn kinh, có nghĩa là tiền mãn kinh có thể xảy ra vào khoảng độ tuổi 30 hoặc 40.
Trong khoảng thời gian tiền mãn kinh, nồng độ estrogen bắt đầu giảm và điều này sẽ gây ra những thay đổi bất thường về kinh nguyệt, bao gồm cả số ngày hành kinh ít hơn so với trước.
Xem thêm: Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?