Sỏi niệu quản là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh này, trong đó phương pháp mổ nội soi lấy sỏi niệu quản thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi có kích thước rất lớn, không thể áp dụng các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn. Mổ nội soi lấy sỏi niệu quản được đánh giá là loại bỏ sỏi triệt để, nhanh chóng, ít gây đau, thời gian phục hồi nhanh.
Bạn đang đọc: Kỹ thuật mổ nội soi lấy sỏi niệu quản thực hiện như thế nào?
1. Quá trình hình thành sỏi niệu quản
Niệu quản là một ống dẫn nhỏ có có vai trò dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản được hình thành từ các loại muối và khoáng chất hòa tan trong nước tiểu. Khi nồng độ các chất này bão hòa trong nước tiểu cùng với các yếu tố thuận lợi như dị dạng đường tiểu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc các yếu tố di truyền thì các muối khoáng này sẽ kết tinh tạo thành sỏi.
2. Biến chứng nguy hiểm của sỏi niệu quản
Khi niệu quản có sỏi sẽ gây tắc đường dẫn nước tiểu và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng:
- Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: Do sỏi làm tắc đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang gây ứ nước tại thận. Nước tiểu tồn đọng lâu trong thận sẽ gây giãn đài bể thận, làm suy giảm chức năng thận.
- Suy thận cấp: Sỏi gây tắc hoàn toàn niệu quản sẽ dẫn đến vô niệu.
- Suy thận mạn tính: Tình trạng ứ nước tại thận kéo dài sẽ khiến các tế bào thận tổn thương không hồi phục và dẫn đến suy thận mạn
- Đau lưng, tiểu ra máu: sự di chuyển của sỏi trong niệu quản sẽ cọ xát và làm tổn thương đường dẫn niệu gây đau lưng và tiểu ra máu. Đường dẫn niệu bị tổn thương còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng, có thể gây tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó.
Sỏi niệu quản nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
3. Các phương pháp điều trị sỏi niệu quản hiện nay
Tùy vào kích thước và mức độ ảnh hưởng của sỏi, đồng thời cân nhắc sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
- Với trường hợp sỏi nhỏ, bệnh nhân có thể để được điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên để kích thích đào thải sỏi ra ngoài.
- Trường hợp sỏi có kích thước lớn và gây ra biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa ra để lấy sỏi bằng các phương pháp khác như như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi nội soi qua da ít xâm lấn, mổ nội soi lấy sỏi niệu quản hoặc mổ mở.
4. Nội soi lấy sỏi niệu quản được thực hiện trong trường hợp nào?
4.1 Trường hợp chỉ định mổ nội soi lấy sỏi niệu quản
- Vị trí sỏi: trường hợp sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên, sỏi bể thận đơn thuần mà tán sỏi ngoài cơ thể và tán sỏi nội soi ngược dòng thất bại.
- Số lượng: có thể lấy được cùng lúc nhiều viên sỏi trên ống niệu quản.
- Kích thước: sỏi có kích thước lớn > 20 mm hoặc các phương pháp tán sỏi không thực hiện được.
- Bệnh lý: sỏi làm bít tắc đường niệu, suy giảm chức năng thận và không có khả năng đào thải sỏi sau khi tán sỏi ngoài cơ thể.
- Chức năng thận của bệnh nhân còn tốt hoặc bị suy giảm ở mức trung bình.
4.2 Trường hợp chống chỉ định mổ nội soi lấy sỏi niệu quản
Phẫu thuật nôi soi niệu quản lấy sỏi không được thực hiện trong các trường hợp:
- Bệnh nhân béo phì
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu
- Bệnh nhân có bệnh lý chống chỉ định gây mê
- Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật lấy sỏi niệu quản, sỏi bể thận, sỏi thận và tạo hình bể thận – niệu quản.
- Bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn thành bụng chưa được điều trị triệt để.
- Phụ nữ mang thai
5. Kỹ thuật mổ nội soi lấy sỏi niệu quản
5.1 Tư thế bệnh nhân – tạo khoang sau phúc mạc
Bệnh nhân sẽ nằm nghiêng 90 độ về bên đối diện có sỏi, đặt gối ôm ở phía dưới hông lưng. Sau đó bác sĩ tiến hành gây mê nội khí quản.
Bơm bóng tạo khoang sau phúc mạc: thường sẽ đặt 3 trocar để thuận lợi cho các thao tác kỹ thuật. Rạch da 8 -10 mm đặt trocar 10 đầu tiên ngang trên đường nách, dưới đầu sườn 12. Tách các lớp dưới da qua cơ vào khoang sau phúc mạc. Đưa bóng vào khoang qua trocar 10, bơm đến thể tích 500-600 ml khí. Đặt trocar 10 thứ 2 ở bờ dưới xương sườn 12 đường nách sau. Trocar 5 mm thứ 3 ở trước gai chậu trước trên.
Tìm hiểu thêm: Biến chứng u xơ tuyến tiền liệt
Mổ nội soi lấy sỏi niệu quản thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi lớn, áp dụng các phương pháp tán sỏi không thành công.
5.2 Bộc lộ niệu quản và lấy sỏi
Sau khi xác định vị trí có sỏi, bộc lộ niệu quản phía trên sỏi và mở rộng vị trí mở niệu quản để lấy sỏi được thuận lợi. Sỏi sẽ đc lấy ra qua lỗ trocar 10mm. Nếu sỏi lớn hơn thì sẽ được phá vỡ trong túi bệnh phẩm trước khi đưa ra ngoài.
5.3 Đặt ống thông niệu quản
Đặt ống thông JJ từ trên thận xuống niệu quản, bàng quang để dễ khâu niệu quản, niệu quản không bị hẹp, đảm bảo nước tiểu được lưu thông dễ dàng và không bị rò rỉ. Khâu chỗ mở niệu quản lấy sỏi bằng chỉ tiêu chậm Vicryl 4.0 hoặc 5.0.
5.4 Kiểm tra lại
Sau khi đặt ống thông và khâu lại niệu quản cần kiểm tra lại và đặt sonde dẫn lưu hố thận. Rút hết các trocar khâu cố định và băng các chân trocar.
6. Ưu – nhược điểm của phương pháp mổ nội soi lấy sỏi niệu quản.
6.1 Ưu điểm
Mổ nội soi lấy sỏi niệu quản là kỹ thuật được sử dụng phổ biến hiện nay với nhiều ưu điểm nổi bật:
- Ít xâm lấn, đau đớn, thời gian phẫu thuật nhanh.
- Vết mổ nhỏ, không gây mất thẩm mỹ.
- Nhanh hồi phục, thời gian nằm viện ngắn, giảm thiểu chi phí.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu vết mổ so với phương pháp mổ hở.
>>>>>Xem thêm: Bệnh nhân sỏi thận kiêng rau gì để tăng hiệu quả điều trị?
Thời gian phục hồi sau mổ nội soi lấy sỏi niệu quản nhanh hơn phương pháp mổ hở
6.2 Nhược điểm
Mổ nội soi lấy sỏi niệu quản tồn tại một số rủi ro như sau:
- Tổn thương mạch máu phải chuyển mổ hở để cầm máu.
- Tổn thương ruột liên quan đến đặt trocar
- Rò nước tiểu: tình trạng này rất ít khi gặp phải. Để xử trí, bệnh nhân phải lưu ống thông niệu đạo và điều trị nội khoa khoảng từ 1-2 tuần.
- Tụ dịch hoặc áp xe sau phúc mạc: Cần xác định được vị trí chính xác, kích thước của ổ tụ dịch hoặc áp xe. Nếu ổ tụ dịch hoặc áp xe có kích thước lớn, phải thực hiện trích dẫn lưu hoặc phẫu thuật mổ mở.
7. Lời khuyên cho người bệnh sỏi niệu quản
Khi phát hiên có sỏi niệu quản người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt. Hiện tại đã có các phương pháp tán sỏi công nghệ cao giúp làm sạch sỏi niệu quản nhẹ nhàng, ít xâm lấn thậm chí không cần mổ như tán sỏi ngoài cơ thể. Nhờ đó bệnh nhân có thể loại bỏ sỏi đơn giản, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sớm quay lại với công việc và sinh hoạt thường ngày.
Ngược lại nếu trì hoãn, sỏi sẽ lớn dần đe dọa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến việc điều trị trở nên phức tạp, người bệnh bắt buộc phải mổ để loại bỏ sỏi.
Trên đây là một số thông tin về phương pháp mổ nội soi lấy sỏi niệu quản mà người bệnh có thể tham khảo để hiểu hơn về các cách điều trị sỏi niệu quản.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.