Tuổi dậy thì vốn được coi là cột mốc vô cùng ý nghĩa đối với mọi cô gái. Đây là lúc bạn bước sang một hành trình mới, suy nghĩ và cảm xúc thay đổi không giống như trước đây. Đi cùng với đó là những thay đổi về mặt cơ thể khiến bạn sẽ lúng túng và thắc mắc nhưng ngại ngùng chưa biết hỏi ai. Hôm nay hãy cùng “gỡ rối” một trong số những thắc mắc ấy bằng việc tìm hiểu một tình trạng mà hầu hết các bạn gái mới lớn đều gặp phải – kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì.
Bạn đang đọc: Làm sao để “đối phó” với kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì?
1. Định nghĩa về kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ rơi vào khoảng 21 – 35 ngày, được tính từ ngày bắt đầu có hành kinh đầu tiên đến ngày có kinh nguyệt vào chu kỳ kế tiếp, trong đó sẽ mất đi khoảng 50 – 80ml máu với 3 – 5 ngày hành kinh.
Từ đó, có thể thấy rằng chu kỳ kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì sẽ ở hai mốc ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày, một số trường hợp sẽ xuất hiện hiện tượng thiểu kinh (lượng máu ra dưới 30ml) hoặc hiện tượng cường kinh (lượng máu ra lớn hơn 80ml).
Kinh nguyệt không đều khiến nhiều bạn gái lo lắng
2. Nguyên nhân
Trước tiên phải hiểu rõ rằng, nguyên nhân chính gây nên hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở độ tuổi này là do hoạt động của buồng trứng vẫn chưa ổn định và còn “bỡ ngỡ” khi mới thay đổi “diện mạo”. Việc này thường kéo dài khoảng 1 – 2 năm rồi dần dần đi vào hoạt động đều đặn.
Tuy nhiên nếu triệu chứng này kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Hiện tượng này do một số nhóm nguyên nhân sau gây nên:
2.1 Rối loạn nội tiết tố
Progesterone là hormone đóng vai trò điều hòa kinh nguyệt của phụ nữ, là “trợ thủ đắc lực” để tử cung có thể mang thai bất cứ lúc nào. Progesterone cùng với Estrogen sẽ tạo nên chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Ở những chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, 2 nội tiết tố này gia tăng không ngừng chính là nhân tố ảnh hưởng đến lượng máu thải ra và thời gian hành kinh.
2.2 Lối sống không khoa học
Một thói quen mà nhiều bạn trẻ mắc phải đó chính là lối sống kém qua học: Bỏ bữa sáng, thức khuya, lười vận động, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dành quá nhiều thời gian cho Internet,….. là những tác nhân gây nên hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
Sinh hoạt không điều độ gây khiến kinh nguyệt thất thường
2.3 Tâm lý thay đổi
Do tác động của nội tiết tố đã dẫn đến sự thay đổi về cảm xúc như dễ cáu gắt, nhạy cảm, tủi thân… của các bạn gái tuổi dậy thì cùng với stress vì học hành và những vấn đề cuộc sống khác dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt không đều.
2.4 Dùng thuốc tránh thai
Để tránh mang bầu, các bạn nữ thường dùng thuốc tránh thai – một loại gây biến đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Việc biến đổi hormone này vô hình chung đã gây nên rối loạn đáng kể, thậm chí nếu dùng dài ngày sẽ gây nên hiện tượng mất kinh.
2.5 Nạo phá thai
Do chưa đủ hiểu biết nhưng vẫn muốn trải nghiệm những điều mới, không ít bạn gái đã mang thai ở tuổi dậy thì và tự mình đi phá thai ở những cơ sở y tế không uy tín. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng khiến chu kỳ kinh nguyệt sẽ thay đổi thất thường.
Do tác động của các bệnh phụ khoa khác: Theo thống kê thì kinh nguyệt không đều gây nên do nguyên nhân này không nhiều tuy nhiên chúng ta vẫn phải nắm được để có phương pháp xử lý nếu chẳng may bị. Một số bệnh phụ khoa nói đến ở đây là viêm âm đạo, u xơ tử cung hay u buồng trứng……
3. Phương pháp điều trị
Như đã chia sẻ ở trên, đây không phải là một tình trạng nghiêm trọng ở độ tuổi dậy thì và dựa vào mỗi nguyên nhân sẽ có những cách khắc phục hoặc điều trị để có thể giảm thiểu được việc rối loạn kinh nguyệt. Mách bạn một số cách như sau:
3.1 Có chế độ ăn uống hợp lý
– Nên: Ăn uống đúng giờ, đủ bữa, đủ chất, bổ sung ăn nhiều hoa quả tươi, các thức ăn giàu chất dinh dưỡng và tốt cho máu cũng như cơ thể.
– Không nên: Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, các đồ uống hay chất kích thích, đồ ăn có lượng đường hay muối cao,…
Tìm hiểu thêm: Hở eo tử cung là gì, có nguy hiểm không?
Chế độ ăn uống hợp lý giúp điều hòa kinh nguyệt
3.2 Giữ lối sống khoa học và lành mạnh
Ngay từ hôm nay hãy nghiêm khắc với bản thân bằng việc loại bỏ những thói quen không tốt để tránh làm cơ thể mệt mỏi hay áp lực. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng bản thân đã được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính để tránh quan hệ sớm khi chưa đủ tuổi cũng như phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai.
3.3 Vệ sinh vùng kín đúng cách
Vệ sinh đều đặn hàng ngày
Đây là một việc vô cùng quan trọng để bảo vệ vùng kín, bên cạnh đó hãy tránh việc tác động quá sâu vào bên trong dẫn đến việc vi khuẩn xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể và gây nên các bệnh lý phụ khoa.
Lựa chọn sản phẩm vệ sinh an toàn:
Trên thị trường có tràn lan các sản phẩm vệ sinh phụ nữ tuy nhiên bạn cần tìm hiểu kỹ càng để lựa chọn được sản phẩm uy tín chất lượng.
Thay băng vệ sinh thường xuyên
Theo lời khuyên của các bác sĩ, một ngày nên thay khoảng 4 – 5 miếng băng vệ sinh, mỗi lần thay cách nhau khoảng 4 – 5h để đảm bảo vi khuẩn không tích tụ gây mùi và nhiễm khuẩn cho âm đạo.
Chọn đồ lót có chất lượng tốt
Đồ lót đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe phụ nữ. Hãy ưu tiên chọn đồ có chất liệu tốt, thoáng khí, có khả năng thấm hút tốt và thay đồ lót 1 – 2 lần/ngày.
3.4 Nhờ bác sĩ tư vấn
Nếu tình trạng kinh nguyệt không đều diễn ra do nguyên nhân của các bệnh phụ khoa hoặc có những chuyển biến nghiêm trọng như cơ thể mệt mỏi kéo dài, mất máu quá nhiều, nôn mửa hay ngất xỉu, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn điều trị. Các bạn gái nên chia sẻ thường xuyên về tình trạng bản thân với mẹ, bên cạnh đó phụ huynh nên quan tâm sát sao đến sức khỏe của con và trang bị cho con những kiến thức cũng như kinh nghiệm để con an tâm luôn có người đồng hành trải qua tuổi dậy thì nhiều điều bỡ ngỡ.
>>>>>Xem thêm: Tiêu chảy và táo bón liên tục kéo dài – cẩn thận ung thư dạ dày
Chế độ ăn uống hợp lý giúp điều hòa kinh nguyệt
Hy vọng rằng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cơ bản về hiện tượng kinh nguyệt không đều gặp phải ở lứa tuổi dậy thì. Có thể nói rằng hiện tượng này không quá đáng lo ngại nên các bạn gái tránh hoang mang và áp lực khi gặp phải nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.