Khám thai định kỳ là một trong những việc làm quan trọng giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời những bất thường xảy ra. Vì vậy mẹ bầu cần nắm chắc lịch khám thai định kỳ chuẩn và tuân thủ thực hiện trong suốt thai kỳ để con yêu phát triển một cách toàn diện nhất trong bụng mẹ.
Bạn đang đọc: Lịch khám thai định kỳ chuẩn suốt thai kỳ – Mẹ lưu lại ngay
1. 4 lý do quan trọng mẹ nên thực hiện khám thai định kỳ
Theo các chuyên gia Sản khoa việc khám thai định kỳ rất cần thiết trong quá trình mang thai bởi 4 lý do sau:
– Thông qua các lần khám thai sẽ giúp mẹ và bác sĩ nắm rõ sự phát triển của thai nhi.
– Mẹ bầu được bác sĩ Sản khoa tư vấn về chế độ dinh dưỡng hoặc một số điều cần tránh theo từng giai đoạn mang thai để đảm bảo mẹ có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.
– Một số siêu âm, xét nghiệm (ví dụ như Double test, Triple test, đo độ mờ da gáy…) chỉ chính xác ở một khoảng thời gian nhất định của thai kỳ. Vì thế mẹ bầu cần đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
– Một số thống kê cho thấy, những mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai định kỳ có thai kỳ khỏe mạnh hơn, tỷ lệ thai nhi tử vong thấp hơn 5 lần và cân nặng của trẻ đúng tiêu chuẩn cao hơn khi sinh ra.
Khám thai định kỳ là việc làm quan trọng trong suốt thai kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé
2. Lịch khám thai định kỳ chuẩn mẹ bầu cần ghi nhớ
2.1. Lịch khám thai định kỳ chuẩn trong 3 tháng đầu
Trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, thông thường mẹ bầu sẽ trải qua 3 lần khám:
– Lần khám đầu tiên khi trễ kinh 1 tuần: Đây là một trong những mốc khám thai quan trọng để đánh giá mẹ có thực sự mang thai không, thai nhi đã làm tổ đúng vị trí chưa . Ở lần khám này, ngoài siêu âm mẹ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm như đo huyết áp, chiều cao cân nặng, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho mẹ một số vấn đề sau:
+ Tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt phù hợp trong tháng đầu tiên của thai kỳ.
+ Tư vấn mẹ bổ sung axit folic nhằm ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
+ Tư vấn về các xét nghiệm sàng lọc trước sinh mẹ có thể phải thực hiện trong thai kỳ và hẹn lịch cho lần khám kế tiếp.
– Lần khám thứ 2 ở thời điểm thai nhi 8 tuần tuổi: Ở lần khám này bác sĩ vẫn tiến hành các thăm khám thường quy như đo huyết áp, kiểm tra cân tặng, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Qua siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra một cách toàn diện hơn như là yếu tố tim thai, các vấn đề của phôi thai.
– Lần khám thứ 3 khi thai nhi được 11-13 tuần tuổi: Đây là mốc khám thai quan trọng để xác định một số dị tật ở thai nhi như nguy cơ bị hội chứng Down, Patau, Edwards, dị dạng chi, thoát vị cơ hoành. Cũng ở mốc này, bác sĩ sẽ đưa ra ngày dự sinh cho mẹ.
Tìm hiểu thêm: Khám tầm soát ung thư ở bệnh viện nào uy tín?
Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để kiểm tra sự phát triển của bé
2.2. Lịch khám thai định kỳ chuẩn trong 3 tháng giữa thai kỳ
– Lần khám thứ 4 được thực hiện khi thai nhi được 15-18 tuần tuổi. Lần khám này giúp bác sĩ kiểm tra nguy cơ dị tật (tim và não) bẩm sinh và sự tăng trưởng của thai nhi.
– Lần khám thứ 5 nên thực hiện ở tuần 20-22 thai kỳ. Đây là một trong những mốc khám thai vô cùng quan trọng mẹ bầu không được bỏ qua. Ở thời điểm này các dị tật về hình thái thai nhi như sứt môi hở hàm ếch, dị dạng tay chân, cơ quan nội tạng… sẽ được phát hiện qua siêu âm. Từ kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp phù hợp cho mẹ bầu nếu chẳng may thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
– Lần khám thứ 6 được thực hiện khi thai nhi từ 24-28 tuần. Ở lần khám thai định kỳ này, các mẹ bầu thường phải tiến hành kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết và tiêm phòng uốn ván. Khi siêu âm ở thời điểm này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra tim thai, hình thái thai nhi, vị trí nhau bám và lượng nước ối.
>>>>>Xem thêm: Sâu răng số 7 và tất cả những điều bạn cần biết!
Một số xét nghiệm chỉ chính xác khi mẹ thực hiện ở những tuần thai nhất định, vì thế mẹ đừng quên lịch khám thai định kỳ nhé
2.3. Lịch khám thai định kỳ ở tam cá nguyệt cuối cùng
– Lần khám thứ 7 ở thời điểm thai nhi được 30-32 tuần: mẹ bầu sẽ được siêu âm để phát hiện những dị tật xuất hiện muộn ở thai nhi như ở tim, động mạch, não… Bên cạnh đó bác sĩ cũng đánh giá được ngôi thai, tình trạng dây rốn, bánh nhau, tình trạng thai nhi chậm phát triển trong tử cung. Cũng ở mốc khám này, mẹ bầu sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi 2.
– Lần khám thứ 8: Thai nhi được 34-36 tuần. Lần khám này bác sĩ sẽ xác định ngôi thai, kiểm tra khung chậu và cổ tử cung của mẹ để có tiên lượng cho cuộc chuyển dạ sắp tới. Khi thăm khám ở mốc 36 tuần mẹ sẽ được đo monitor, bác sĩ cũng dự báo về cân nặng của em bé lúc sinh, đồng thời có những tư vấn về dinh dưỡng kịp thời nếu trọng lượng của thai nhi chưa đạt chuẩn tại thời điểm tương ứng.
– Lần khám thứ 9 khi thai nhi được 38 tuần: Bác sĩ đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi, tim thai, ngôi thai, tình trạng dây rốn, bánh nhau. Mẹ sẽ được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra cổ tử cung để nhận biết dấu hiệu sắp sinh.
– Lần khám thứ 10: khi thai nhi được 40-42 tuần. Bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện sức khỏe của mẹ và thai nhi để xác định mẹ nên sinh con bằng phương pháp nào, can thiệp hay tiếp tục chờ đợi sinh con tự nhiên.
Trên đây là những chia sẻ về lịch khám thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai mẹ bầu nào cũng nên lưu lại. Để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh mẹ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thăm khám, theo dõi trong suốt thai kỳ nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.