Vắc xin 6 trong 1 cần được tiêm theo đúng phác đồ để không mất tác dụng và không phải tiêm lại lần hai. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ thông tin tới bạn lịch tiêm vắc xin 6 trong 1 đầy đủ nhất và những lưu ý quan trọng khi đi tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Cùng tìm hiểu nhé!
Bạn đang đọc: Lịch tiêm vắc xin 6 trong 1 đầy đủ nhất và những lưu ý quan trọng
1. Vắc xin 6 trong 1 là gì?
Vắc xin 6 trong 1 là vắc xin tổng hợp thế hệ mới được nhiều phụ huynh lựa chọn tiêm phòng cho con nhờ có nhiều ưu điểm nổi trội như: phòng ngừa được nhiều bệnh với mũi tiêm ít, hiệu quả phòng bệnh tốt, tính an toàn cao,…
Những bệnh vắc xin 6 trong 1 có thể dự phòng bao gồm:
– Bệnh bạch hầu
– Bệnh ho gà
– Bệnh uốn ván
– Bệnh bại liệt
– Bệnh viêm gan siêu vi B
– Các bệnh do vi khuẩn HiB – Haemophilus influenzae type B gây ra, đặc biệt là bệnh viêm màng não mủ
Hiện nay tại các cơ sở tiêm chủng đang có 2 loại vắc xin 6 trong 1 là vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và vắc xin 6in1 Hexaxim (Pháp). Cả 2 vắc xin đều có thể phòng ngừa được 6 bệnh kể trên. Trong trường hợp hết vắc xin, hai loại vắc xin này có thể thay thế cho nhau và có thể thay thế được cho cả vắc xin 5in1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) được bào chế dưới dạng bột HiB đông khô và hỗn hợp huyền dịch (hỗn hợp bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B). Trước khi tiêm cần phải pha bột HiB đông khô với huyền dịch, đây được gọi là pha hoàn nguyên.
Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ)
– Vắc xin 6in1 Hexaxim (Pháp) bào chế dưới dạng hỗn hợp tiêm pha sẵn, nạp sẵn trong xi-lanh. Khi tiêm có thể sử dụng luôn giúp giúp ngắn quá trình tiêm chủng, tránh được nhiễm khuẩn trong khi thao tác, đồng thời đảm bảo được liều lượng mỗi lần tiêm.
Vắc xin 6in1 Hexaxim (Pháp)
2. Lịch tiêm vắc xin 6 trong 1
Cả 2 vắc xin Infanrix Hexa và Hexaxim đều tiện dụng, giúp bố mẹ tiết kiệm thời gian tiêm chủng cho bé. Số mũi tiêm chủng giảm từ 9 mũi xuống chỉ còn 3 mũi chính và một mũi nhắc lại.
Lịch tiêm của 2 loại vắc xin là giống nhau, cụ thể như sau:
Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng
Mũi 2: tiêm khi trẻ 3 tháng
Mũi 3: tiêm khi trẻ 4 tháng
Mũi 4: sau khi tiêm mũi 3 thời gian 1 năm.
Để đảm bảo hiệu quả tối ưu của vắc xin, bố mẹ nên cho con tiêm đúng lịch và đủ mũi. Nếu trẻ đến tuổi vẫn chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở tiêm chủng để hoàn thành lịch tiêm giúp con có hệ miễn dịch khỏe mạnh nhất chống lại mầm bệnh nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Bệnh lao và phát minh vĩ đại: vắc xin bcg phòng lao
Bố mẹ nên cho con tiêm đúng lịch tiêm vắc xin 6 trong 1 để đảm bảo hiệu quả tối ưu
Trong trường hợp trẻ thuộc nhóm đối tượng không nên tiêm vắc xin 6in1 như: bị sốt cao, cảm cúm, mắc bệnh cấp tính, bị dị ứng với thành phần vắc xin, từng bị sốc phản vệ khi tiêm vắc xin 6in1, suy giảm miễn dịch,… thì bố mẹ có thể chủ động phòng cho con bệnh bằng những cách sau:
– Vệ sinh tay thật sạch trước khi chăm sóc con.
– Giúp con vệ sinh tay thường xuyên, nhất là trước và sau khi ăn để hạn chế nhiễm vi khuẩn, vi rút.
– Giúp con hạn chế những tật xấu như cho tay, cho chân vào miệng,..
– Hạn chế cho con sinh hoạt nơi đông người.
– Hạn chế cho con tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc đang nghi ngờ mắc bệnh với những triệu chứng như sốt chưa rõ nguyên nhân, ho, các triệu chứng của bệnh hô hấp,…
3. Khi tiêm vắc xin 6 trong 1 cần lưu ý những gì?
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi tiêm ngừa, dưới đây là một số lưu ý quan trọng bố mẹ cần quan tâm:
– Cơ sở tiêm chủng uy tín là rất quan trọng, tại đó trước khi tiêm trẻ sẽ được khám sàng lọc kỹ càng với bác sĩ để xem trẻ có đủ điều kiện tiêm hay thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định không, sau khi tiêm tại có sở uy tín, trẻ sẽ được theo dõi cẩn thận. Ngoài ra, các yếu tố về điều kiện bảo quản thuốc, điều kiện cấp cứu sau tiêm chủng cũng được đảm bảo, đảm bảo an toàn cho trẻ.
– Khi đi tiêm chủng bố mẹ nhớ mang theo sổ tiêm chủng của con.
– Trước khi tiêm trẻ sẽ được bác sĩ tiến hành khám sàng lọc, mẹ cần chủ động cung cấp cho bác sĩ chi tiết những thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ, tiền sử dị ứng, tiền sử sốc phản vệ,…
– Đề nghị cán bộ y tế thông báo cho mẹ về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng phụ thường gặp, hướng dẫn mẹ cách theo dõi sau tiêm chủng và cách chăm sóc, xử trí trong trường hợp cần thiết.
– Sau khi tiêm xong, cho trẻ ở lại trung tâm tiêm chủng để theo dõi sức khỏe (tối thiểu 30 phút) để cán bộ y tế theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm và kịp thời xử trí nếu nguy hiểm xảy ra, tuyệt đối không được tự ý bỏ về.
>>>>>Xem thêm: Trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm chủng
Sau tiêm bố mẹ cần cho trẻ ở lại trung tâm tiêm chủng để theo dõi sức khỏe trong vòng 30 phút
– Khi về nhà, bố mẹ tiếp tục theo dõi sức khỏe trẻ về toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm,… trong vòng 24h, nếu có bất thường cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế được kiểm tra và xử trí.
– Nếu bố mẹ cảm thấy không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con cũng có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về vắc xin 6 trong 1, lịch tiêm vắc xin và những lưu ý quan trọng khi tiêm 6 trong 1. Để trẻ có sức khỏe tốt và đầy đủ kháng thể chống lại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do Hib,… bố mẹ cần chủ động cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Hiện nay phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cung cấp đầy đủ vắc xin 6 trong 1 và nhiều loại vắc xin khác giúp tăng cường đề kháng, bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh nguy hiểm. Bố mẹ vui lòng liên hệ ngay với TCI để đặt lịch tiêm sớm nhất cho con.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.